Tôi đến TP.HCM dịp hè này để tham gia chương trình từ thiện của Tổ chức Sugar nhằm giúp đỡ trẻ em mồ côi, cơ nhỡ bị nhiễm HIV và góp sức cho các cuộc vận động nâng cao ý thức cộng đồng về phòng chống bệnh AIDS.
Chuyến đi này giúp tôi trải nghiệm thêm về đất nuớc, văn hóa, con người VN thông qua các hoạt động từ thiện nhiều ý nghĩa. Được gặp gỡ, làm việc chung với nhiều bạn bè VN và tiếp xúc với gia đình họ nhờ chương trình home stay, tôi có cơ hội biết thêm về nền giáo dục tại đây. Nhân dịp kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh VN vừa diễn ra, tôi xin được chia sẻ những cảm nhận và suy nghĩ của mình về cách thức tuyển chọn, phân loại học sinh của VN và Singapore.
Từ bạn bè tại TP.HCM và gia đình họ, tôi được biết học sinh lớp 12 VN hằng năm đều phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù đề thi không phải quá khó hay xa rời kiến thức cơ bản, nhưng tại nhiều trường cấp III, kể cả các trường ở thành phố lớn, học sinh phải ôn tập và thi với áp lực rất lớn.
Theo tôi được biết, thậm chí tại một số trường, giáo viên phải kèm học sinh ôn bài đến tận 8-9g đêm. Một kỳ thi với nhiều áp lực như vậy và kết quả thi đỗ tốt nghiệp hằng năm rất cao. Khi tôi thắc mắc về điều này thì một bạn người VN của tôi giải thích có thể tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao ấy chưa đánh giá đúng chất lượng đầu ra của học sinh. Bạn tôi cho rằng điều này được thể hiện qua kết quả kỳ thi đại học ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT: nhiều thí sinh dự thi khối C (văn, sử, địa) nhưng điểm thi môn lịch sử lại dưới trung bình, thậm chí cá biệt là 0 điểm... Tôi vô cùng ngạc nhiên về thông tin này.
Bắt đầu từ kỳ thi o Level
Ở Singapore, chúng tôi được rèn luyện cho tương lai một cách hiệu quả ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Từ trung học cơ sở, để thi vào THPT và được tiếp tục học tại một ngôi trường tốt, chúng tôi phải trải qua kỳ thi O level (theo tiêu chuẩn của Anh). Kỳ thi này giống như kỳ thi tốt nghiệp cấp II vậy. Kết quả kỳ thi này quyết định tương lai THPT của chúng tôi, điểm cao thì chúng tôi sẽ được học những trường tốp trên, điểm không quá xuất sắc thì sẽ học những trường bậc trung và nếu không đủ điều kiện đỗ kỳ thi này, chúng tôi sẽ học trường nghề (gọi là polytechniques).
Vì chính sách phân loại học sinh rõ rệt và công bằng như thế, phần lớn chúng tôi khi đã vượt qua kỳ thi O Level là đã được tuyển chọn bởi hệ thống giáo dục và bởi chính bản thân mình để đi tiếp trên con đường học tập chuyên môn.
Cho đến kỳ thi A Level
Khi học xong THPT, chúng tôi không có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông như ở VN mà sẽ dự thi A level (theo tiêu chuẩn của Anh). Kết quả kỳ thi này đóng vai trò quan trọng, quyết định chúng tôi sẽ vào đại học nào.
Tuy vậy, không chỉ A level mà cả kết quả ba năm học phổ thông và những hoạt động ngoại khóa như tham gia làm từ thiện, thực tập, các công tác xã hội, thành tích thể thao cũng quan trọng không kém. Vì khi chen chân vào những khoa hấp dẫn nhiều học sinh như y khoa, luật, kết quả A level của các thí sinh nộp đơn thường rất cao và đồng đều. Để nổi bật và được tuyển, bạn phải có kết quả ba năm học cấp III thật tốt, hoạt động ngoại khóa tích cực, nói cách khác bạn phải có một hồ sơ (profile) bắt mắt nhà trường.
Do đã hiểu được cách thức tuyển chọn như vậy, chúng tôi ý thức được mình cần gì và phải làm như thế nào để đạt được mục tiêu của bản thân nên việc học tập với chúng tôi là một kế hoạch dài hơi và không bao giờ được chểnh mảng để “nước đến chân mới nhảy”... Chúng tôi học với tâm thế là kế hoạch của mình, giấc mơ của mình đang từng ngày được hoàn thiện, được hiện thực hóa...
Tại VN, theo cảm nhận của riêng mình, tôi thấy do kết quả tuyển chọn chỉ đơn thuần dựa vào kỳ thi tốt nghiệp và thi tuyển đại học nên suốt ba năm học phổ thông nhiều học sinh đã không cố gắng, để rồi đến khi “nước đến chân mới nhảy” thì đã muộn. Bên cạnh đó, việc không phân luồng kỹ từ cấp II lên cấp III khiến nhiều học sinh yếu kém vẫn theo học phổ thông dù khả năng của họ thích hợp với trường đào tạo nghề hơn. Và đến khi họ thi trượt tốt nghiệp phổ thông, tương lai trở nên bấp bênh và ba năm học cấp III trở thành phí hoài khi đáng lẽ thời gian này được dành cho việc học nghề...
SHU HUI
(Học sinh Trường THPT chuyên toán và khoa học, Đại học Quốc gia Singapore - NUS)
Tin bài gốc: tuoitre
Thông tin cần biết:
Kenhtuyensinh
Theo: tuoitre