Thông tin tại hội thảo giáo dục “Trao đổi sinh viên Hoa Kỳ với các trường đại học, cao đẳng Việt Nam” diễn ra vừa qua tại Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2014, Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra sáng kiến tăng gấp đôi số lượng sinh viên Hoa Kỳ đi nước ngoài cho tới năm 2020.

Tuy nhiên, theo thống kê, năm 2015 có gần 19.000 sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập, nhưng chưa đến 1.000 sinh viên Hoa Kỳ đến Việt Nam trao đổi. Vì sao có khoảng cách quá lớn như vậy?

Sinh viên Mỹ “ngại” ra nước ngoài?

Ông Jonathan Lembright, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) cho biết cứ 10 sinh viên Mỹ thì chỉ có 1 người ưa chuộng trải nghiệm giáo dục quốc tế. Một trong những nguyên nhân chính là chi phí đắt đỏ đã cản trở học sinh, sinh viên Hoa Kỳ sang các nước khác học tập, trong đó có Việt Nam.

Ở Hoa Kỳ không có Bộ Giáo dục – Đào tạo như Việt Nam. Các trường đại học có quyền tự chủ rất lớn. Hoa Kỳ không ép sinh viên phải ra nước ngoài học. Đây là sự khác biệt rất lớn của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ so với các nước khác.

Vì sao sinh viên Mỹ ngại đến Việt Nam trao đổi, học tập?

“Một trong những rào cản nữa khiến sinh viên Hoa Kỳ ngại ra nước ngoài bắt nguồn từ suy nghĩ cho rằng ra học nước ngoài chỉ là chương trình bổ sung và các em lại phải tiêu thêm số tiền lớn, cũng như tốn thêm thời gian để tham gia các chương trình như vậy. Bên cạnh đó, khó khăn về đối tác, visa, chất lượng đào tạo, chất lượng tín chỉ… cũng khiến sinh viên Hoa Kỳ ngại sang học tập tại Việt Nam” - ông Jonathan Lembright nói thêm.

Sinh viên Việt Nam được hưởng lợi gì?

Theo đánh giá, sinh viên Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ những chương trình liên kết giữa các trường ĐH Việt Nam với phía Hoa Kỳ. Ông Đinh Phan Khôi, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, ĐH Vinh cho biết, chương trình giao lưu văn hóa giữa ĐH Vinh và Trường ĐH South Florida với những hoạt động như: tham quan vịnh Hạ Long, Hà Nội, các bảo tàng, danh lam thắng cảnh tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế…

Sinh viên 2 bên - tất nhiên sử dụng ngôn ngữ là tiếng Anh, khi tham dự các bài giảng, thực hiện các đề tài nghiên cứu chung về văn hóa, xã hội học, tham gia các hoạt động tình nguyện. Sinh viên 2 trường ở cùng nhau và cùng thực hiện đề tài nghiên cứu, qua đó có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về thế giới bên ngoài.

Từ những hoạt động này, sinh viên ĐH Vinh đã tiếp thu được nhiều bài học tốt như sử dụng phương pháp dạy học phù hợp, tôn trọng tự do học thuật và bình đẳng trong quan hệ thầy trò… Đồng thời thiết lập được nhiều mối quan hệ. Một số sinh viên giành giải thưởng về nghiên cứu khoa học về nghệ thuật từ các công trình được thực hiện khi tham gia chương trình.

Phạm Kiều Ngân, sinh viên khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội khẳng định, các bạn chủ nhà có cơ hội tiếp xúc, học tập cùng sinh viên nước ngoài, nhất là sinh viên Hoa Kỳ. Hiệu quả dễ dàng nhận thấy là khả năng tiếng Anh của sinh viên Việt Nam được nâng cao rõ rệt.

“Các bạn có môi trường sử dụng tiếng Anh rất tốt, không sợ nói sai. Được thường xuyên thực hành nên tự tin rất nhiều trong giao tiếp. Sinh viên của ta cũng có điều kiện kết bạn quốc tế, trải nghiệm, học hỏi; phát triển bản thân cũng như kỹ năng giao tiếp, liên văn hóa, kỹ năng hợp tác, tổ chức công việc, giải quyết vấn đề…” – Phạm Kiều Ngân chia sẻ.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phòng Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, điểm mạnh của chương trình trao đổi giữa các trường ĐH Việt Nam và phía ĐH Hoa Kỳ đó là kết nối được các trường đại học của 2 bên, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hợp tác. Đặc biệt, giúp nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, năng lực hợp tác quốc tế của cán bộ, giảng viên và sinh viên Việt Nam.

ĐH Sư phạm Thái Nguyên từ năm 2012 – 2013 đã có chương trình hợp tác với ĐH St.John. Tuy nhiên, chương trình đến nay đã tạm dừng cho đối tác Hoa Kỳ không có nguồn tài trợ.

Làm sao để thu hút sinh viên Mỹ đến Việt Nam?

Ông Jonathan Lembright cho rằng: “Cách tốt nhất để giảm thiểu khoảng cách giữa 2 xu hướng, thu hút sinh viên Mỹ đến Việt Nam nhiều hơn là các tổ chức, cá nhân, hiệp hội giáo dục ở Hoa Kỳ tích hợp các chương trình đào tạo ở Việt Nam vào nước họ và cho sinh viên sang Việt Nam trao đổi học tập theo học kỳ.

Việt Nam cũng cần chứng minh rằng khả năng, điều kiện tốt hơn, phù hợp để đón tiếp nhiều sinh viên quốc tế hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, ĐH Sư phạm Thái Nguyên cũng thừa nhận, điều quan trọng là chúng ta phải hấp dẫn học sinh, sinh viên Hoa Kỳ thông qua các hoạt động thực tiễn tại Việt Nam, dù chỉ từ 1 – 2 tháng.

Thực tế cho thấy, sinh viên Mỹ rất hào hứng khi được trải nghiệm thực tế, hoạt động đa dạng, khám phá các giá trị bản địa như: làm món ăn truyền thống, bánh dày giò; tham quan các làng nghề, trình diễn trang phục truyền thống Việt Nam, giao lưu với người dân địa phương…/.

Theo VOV, nguồn: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/vi-sao-sinh-vien-my-ngai-den-viet-nam-trao-doi-hoc-tap-559998.vov