Vẫn e dè phương án tuyển sinh riêng

Thứ nhất, các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Đồng thời công bố công khai chỉ tiêu dành cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau; trong đó, phải dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D).

Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.  Bộ GD&ĐT sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với 1 nguyện vọng phù hợp nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này được công khai để các trường tham khảo, làm căn cứ tuyển sinh… Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh 2017 và theo yêu cầu của các trường.

Vẫn e dè phương án tuyển sinh riêngNăm nay, các trường ĐH vẫn còn đang cân nhắc về phương án tuyển sinh riêng.    Ảnh: P.T

Thứ hai, các trường sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT, kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh. Nếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở cấp THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp, đảm bảo không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan.

Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận) và cách tính điểm xét tuyển.

Thứ ba, các trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT. Với phương thức này, các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT).

Thứ tư, các trường có thể phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy và công bố công khai cho dư luận.

Tuy nhiên, hiện nhiều trường ĐH, CĐ vẫn chưa xây dựng phương án tuyển sinh năm 2017. Lý do của việc này là bởi: Có những trường không có đủ khả năng, tài chính... để tổ chức thi riêng. Số trường có khả năng tổ chức thi riêng lại đang cân nhắc về phương án thi của Bộ GD&ĐT năm 2017, tìm sự tương đồng giữa các tổ hợp khối thi truyền thống và sự cân đối với cách thi trắc nghiệm theo bài thi tổ hợp KHTN và KHXH năm nay mới tiến hành áp dụng. Năm 2016, phần mềm lọc ảo và tuyển sinh theo nhóm được áp dụng những vẫn ảo khá cao, nên các trường đang có sự tính toán kỹ hơn cho phương án tuyển sinh riêng năm nay.

Về phương án tuyển sinh riêng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Năm 2017 Bộ sử dụng hàng rào kỹ thuật để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi. Thứ nhất là với thi trắc nghiệm, các môn đều thi trắc nghiệm (trừ Ngữ văn) với mã đề thi riêng, nên các em không thể nhìn bài nhau được, loại trừ khả năng tiêu cực trong coi thi. Sau đó, chấm trắc nghiệm chấm bằng máy hoàn toàn nên sẽ không có sự thiên vị khi chấm. Coi thi, chấm thi chúng ta đã loại trừ các khả năng tiêu cực đó rồi dù rằng sắp tới Bộ có cử ít cán bộ từ các trường ĐH xuống giám sát kỳ thi thì vẫn rất nghiêm túc, khách quan. Đó là yếu tố cần thiết để các trường có thể tin tưởng vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia mà tuyển sinh.

Còn đề án tuyển sinh riêng là quyền chủ động của các trường. Các trường có thể xây dựng đề án tuyển sinh của mình theo đó quy định cụ thể điều kiện tuyển sinh, phương án tuyển… Nhưng khi kỳ thi THPT quốc gia đã tổ chức tốt rồi (công bằng, nghiêm túc, công khai minh bạch…) thì chắc chắn các trường sẽ lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia mà không cần tổ chức thêm kỳ thi nào nữa. Tuy nhiên có một số trường với đòi hỏi nhân lực chất lượng cao hoặc ngành nghề đặc thù thì sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá thêm năng lực hoặc năng khiếu rất gọn nhẹ. Nhưng kỳ thi đó chỉ liên quan đến số ít thí sinh đã sơ tuyển qua kỳ thi THPT quốc gia chứ không phải là hàng triệu thí sinh nên dù các trường đó có tổ chức kỳ thi thêm thì cũng là kỳ thi đánh giá nhẹ nhàng vì nó không liên quan đến tất cả các thí sinh của THPT.

Theo PLXH, nguồn: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/van-e-de-phuong-an-tuyen-sinh-rieng-120657