Đừng vì một trường mà xáo trộn ổn định của cả hệ thống
Việc xây dựng “điểm sàn” cùng hệ thống tuyển sinh ĐH hiện nay tuy chưa phải là tối ưu tuyệt đối nhưng ở góc độ vĩ mô, nó phần nào giữ được tính ổn định chung và đảm bảo được năng lực tối thiểu cần phải có để một SV theo học ĐH.
Việc một số trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng, nhằm xin “chuẩn y” việc tuyển sinh không qua thi tuyển (bỏ xét định điểm sàn) ở góc độ nào đó đấy là nhu cầu khách quan của họ. Tuy nhiên, trên quan điểm bền vững, nó chưa phù hợp với hệ thống tuyển sinh hiện nay, cũng như yếu tố công bằng trong tuyển sinh cho các thí sinh.
Mặt khác, khi đưa ra một phương án tuyển sinh riêng trong một hệ thống tuyển sinh chung, là không tương thích với thực tế nền GDĐH hiện nay. Vì chẳng có căn cứ và chưa có một đánh giá, so sánh phương án tuyển sinh mới có thật sự tương đương (tính chặt chẽ, xác định ngưỡng tối thiểu học sinh cần phải có) với phương án “3 chung”.
Trên thế giới nhiều nước tiên tiến đã xây dựng hình thức tuyển sinh riêng (xét tuyển). Nó có thể là tối ưu, phù hợp trong nền giáo dục của họ. Nhưng không vì thế (thấy nó đẹp) mà bê nguyên xi phương thức ấy áp đặt vào thực tế GDĐH Việt Nam. Thời điểm này chưa phù hợp để xây dựng 2 - 3 phương án tuyển sinh ĐH. Bởi nếu tồn tại cùng lúc 2 - 3 phương án tuyển sinh ĐH khác nhau, ngoài việc mang đến sự bất ổn cho toàn hệ thống, còn có thể nảy sinh những rắc rối khác trong quá trình tuyển sinh (chuyển trường, xét người vừa thi với người không thi…)
Không nên có cơ chế tuyển sinh riêng cho số ít trường khó khăn
Không thể vì khó khăn của một nhóm các trường mà xây dựng một chính sách, hay một cơ chế tuyển sinh đặc thù riêng cho họ. Vô hình chung còn khiến chính các trường gặp khó khi “dễ dãi” hóa việc tuyển sinh. Bộ GD&ĐT cũng có những phương án tiến tới thay đổi, kiện toàn và tối ưu hóa phương thức tuyển sinh ĐH trong tương lai. Nhưng mọi thứ đều phải có lộ trình, không thể xóa bỏ một phương thức tuyển sinh (đang ổn định), phủ nhận những ưu việt của phương án cũ, thay bằng phương án mới ngay ngày một ngày hai.
Dù phương thức tuyển sinh có thay đổi thế nào nhưng nếu bản thân các trường không tự khắc phục khó khăn (khách quan), phát huy tối đa những điều kiện chủ quan mà trường ấy đang có trong bối cảnh chung, chính sách phát triển GDĐH chung, thì người học cũng sẽ “quay mặt”.
Bộ GD&ĐT cũng đã xác định, mục tiêu phát triển GDĐH trong tương lai là chuyển từ số lượng sang chất lượng. Và khi đi lựa chọn chất lượng đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì chuyện một vài trường “rơi rụng” là điều phải chấp nhận.
Việc lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT và 3 năm học phổ thông để xét tuyển vào ĐH về hình thức là sai phương pháp. Bởi hai thông số ấy xét về phương thức, chỉ là hình thức đánh giá lại quá trình, hiệu quả cung cấp kiến thức nền cho học sinh. Kiến thức giáo dục phổ thông thuần túy chỉ là cung cấp kiến thức cơ bản, nền tảng để xây dựng và hình thành một con người hoàn thiện, định hình một số năng lực nghề nghiệp nhất định (nếu trường có chính sách hướng nghiệp tốt). Do đó, không thể đồng nhất kết quả đánh giá bậc THPT với phương thức tuyển chọn người có đủ năng lực (thi tuyển) làm một. Thi tuyển là để chọn lọc người đủ năng lực theo học ĐH. Nếu hệ thống GDĐH đủ khả năng đáp ứng nhu cầu học ĐH của tất cả học sinh đậu tốt nghiệp THPT lại là chuyện khác, đằng này chúng ta mới chỉ đảm bảo được một phần nhỏ.
Thực tế, việc tuyển sinh được hay không là do các trường chứ không phải do lỗi của hệ thống và cơ chế tuyển sinh. Trường nào nỗ lực tối đa, làm hết trách nhiệm, đầu tư bài bản có kế hoạch phát triển bền vững thì không chỉ đảm bảo nguồn tuyển, mà còn xây dựng được những ngành học thế mạnh (hồ sơ xét tuyển luôn cao gấp 5 - 6 lần chỉ tiêu) cho riêng mình. Rất nhiều trường ĐH NCL vẫn đang rất “hút” thí sinh. Vì thế, trước mắt vẫn phải duy trì phương án tuyển sinh “3 chung”.
Bạn muốn tìm hiểu thông tin về:
Tỉ lệ chọi 2013 các trường đại học công bố sớm nhất
Kenhtuyensinh
Theo: GD&TĐ