Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2019 ở Khánh Hòa, môn toán có 668 thí sinh (TS) bị điểm 0. Đây là điểm liệt, số TS này không thể theo học lớp 10 GDPT.
>> Xem thêm: Tra Cứu Điểm Thi Tuyển Sinh Lớp 10 Năm 2019
Nói lên điều gì?
668 bài thi toán của thí sinh Khánh Hòa bị điểm 0, có nhiều nguyên nhân cần được phân tích mổ xẻ.
Theo tôi, nguyên nhân trước hết là do thầy cô. Thầy giỏi trò mới giỏi, thầy cô phải tự nhận trách nhiệm cho những "sản phẩm bị lỗi" này, đừng nên đổ cho ai khác. Còn nếu cho rằng do học sinh không chịu học, vậy thì cần hỏi thầy cô dạy như thế nào mà học sinh không chịu học? Tất nhiên cũng có nhiều thầy cô rất tâm huyết, tận tâm, không ngại khó khăn để truyền thụ kiến thức cho học sinh.
Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa công bố điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019 trên website của Sở
> Danh sách các tỉnh công bố điểm thi và điểm chuẩn lớp 10 năm học 2019 - 2020
Thứ hai, do sai lầm về chiến lược giáo dục. Chúng ta quá chú trọng vào việc "phát hiện bồi dưỡng nhân tài", bồi dưỡng học sinh giỏi thông qua phong trào thi học sinh giỏi huyện, tỉnh, quốc gia để rồi học sinh đại trà bình thường, yếu kém bị "bỏ rơi".
Thử hỏi có bao nhiêu trường quan tâm thật sự đến việc bồi dưỡng học sinh yếu kém hay chỉ làm chiếu lệ? Tại sao không đẩy mạnh phong trào bồi dưỡng học sinh yếu kém như học sinh giỏi vậy và công nhận những thầy cô có thành tích xóa yếu là giáo viên dạy giỏi? Nếu làm được điều này, tin chắc sẽ hạn chế được tối đa học sinh không biết gì.
Thứ ba, chính là căn bệnh thành tích không chỉ của nhà trường, thầy cô mà còn cả phụ huynh, xã hội. Hiệu trưởng luôn muốn trường có nhiều học sinh giỏi để cuối năm đưa vào tiêu chí xếp loại trường tiên tiến, xuất sắc huyện, tỉnh... Giáo viên chủ nhiệm luôn muốn lớp có nhiều học sinh giỏi để được khen là dạy giỏi, tay nghề vững... Phụ huynh thì muốn con học giỏi để nở mặt nở mày...
Vấn đề đặt ra là tại sao sau 9 năm được thầy cô trang bị kiến thức, rồi trải qua các kỳ kiểm tra, đánh giá nghiêm túc hàng năm, được ghi trong học bạ "được lên lớp", nhưng rồi các em lại không giải được một bài toán cơ bản dễ nhất là giải phương trình = 0 (câu 1a đề thi tuyển sinh lớp 10 Khánh Hòa 2019-2020), câu được nhiều thầy cô dạy toán đánh giá là vừa sức với học sinh?
Còn số học sinh không tham gia thi tuyển đi học nghề, nếu tham gia dự thi không biết có làm bài được không hay cũng chấp nhận 0 điểm?
Dưới góc độ là giáo viên cũng là phụ huynh, tôi mong rằng chúng ta hãy trả lại sự công bằng trong dạy và học, đó là thầy cô thực hiện đúng phương châm: dạy thật - học thật - thi thật - chất lượng thật để các em thật sự hạnh phúc khi đến trường.
Tôi cũng mong qua sự việc đáng tiếc này, thầy cô, lãnh đạo ngành giáo dục cần phân tích kỹ hơn và có giải pháp nâng cao chất lượng dạy học thật sự để không còn những điểm 0 đáng tiếc trong tương lai.
Nhà giáo Nguyễn Hoàng Chương:
Điểm 0 không chỉ của trò
Theo Sở GD-ĐT Khánh Hòa, "từ đầu tháng 3, sở đã có hướng dẫn nhiều nội dung để chuẩn bị cho học sinh dự thi". Tháng 3 hướng dẫn, đến đầu tháng 6 cùng năm, học sinh đi thi, thầy trò làm sao xoay cho kịp? Lẽ ra, sở và các phòng GD-ĐT hướng dẫn tỉ mỉ, chu đáo, tập huấn, tập dượt cho giáo viên cốt cán THCS từ trước khi vào năm học mới.
Ngoài những hướng dẫn chuyên môn, cần đánh động để thầy cô thay đổi từ trách nhiệm, phương pháp giảng dạy, soạn giảng, kiểm tra đến các công tác khác liên quan về giáo dục học sinh, nhất là học sinh khối lớp cuối cấp.
Thầy thay đổi, trò mới tiến bộ. Đằng này, thời gian chuẩn bị ngắn, thầy chưa quen, học trò yếu thì chậm tiến bộ hoặc chưa tiến bộ. Điểm 0 của trò do đâu, vì ai?
Môn toán cấp 2 cần kỹ năng tính toán, thế nhưng có khi chỉ là phép tính đơn giản, một số học sinh rất lúng túng. Bài học nối tiếp nhau, nếu không được thầy cô quan tâm, các em này cứ mãi loay hoay.
Thầy cô vô tình, quản lý nhà trường không sâu sát, học sinh ngày ngày đến trường mà kiến thức hụt hẫng, đứt gãy, trống rỗng. Vậy thì điểm 0 này đâu chỉ của các em.
Thêm nữa, học sinh yếu không lẽ trường THCS, phòng GD-ĐT không hay biết? Việc phụ đạo, ôn tập cho số học sinh này trong năm học và trước kỳ thi tuyển sinh vào 10 tổ chức như thế nào? Làm chặt chẽ, không lẽ các em không được 0,5 điểm, 1,0 điểm hay sao?
Cá biệt, một vài học sinh chây lười, thầy cô vẫn để các em đủ điều kiện dự thi. Điểm 0 vì vậy đâu chỉ của trò!
Nhiều thí sinh bị điểm 0 môn toán, học trò và phụ huynh buồn, niềm tin vào thầy cô bị đánh mất. Ngành GD-ĐT Khánh Hòa làm sao tháo nút thắt này?./.
Theo VOV