Vẫn đào tạo mất cân đối

Các trường nên xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và trình độ đào tạo

Nhiều trường ĐH tại TPHCM vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến cho kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 với mức đăng ký chỉ tiêu bằng hoặc tăng so với năm 2012.

Khối kinh tế biến động

Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM tiếp tục đăng ký 4.800 chỉ tiêu. Dù khối kinh tế đã cắt giảm 90 chỉ tiêu so với năm ngoái nhưng 3 ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán vẫn chiếm 750 chỉ tiêu. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tăng 400 chỉ tiêu, kinh tế vẫn là khối ngành chiếm chỉ tiêu cao nhất khi có đến 900 chỉ tiêu (ngành kinh tế: 360, quản trị kinh doanh: 180, kinh doanh nông nghiệp: 100, kế toán: 200).

So với năm ngoái, khối ngành kinh tế được ĐH Nông Lâm đăng ký tăng thêm 250 chỉ tiêu. Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TPHCM vẫn tiếp tục tuyển 4.000 chỉ tiêu, một số chuyên ngành của trường được tách riêng thành các ngành mới như marketing, kinh doanh quốc tế, kiểm toán…

tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, tuyen sinh 2013, mo nganh moi, dong cua nganh, nganh tai chinh, tai chinh ke toan, ke toan, nguoi lao dong

 

Thí sinh dự thi vào ĐH Ngân hàng năm 2012. Ảnh: TẤN THẠNH


Như vậy, chỉ tiêu khối ngành kinh tế tại các trường vẫn áp đảo so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết năm 2012, chỉ số người có nhu cầu tìm việc làm liên tục tăng, đặc biệt là các ngành liên quan đến kinh tế như kế toán (24,72%), nhân viên kinh doanh - marketing (10,57%), quản lý điều hành (6,28%), tài chính ngân hàng (2,66%).

Trong đó ngành tài chính - ngân hàng và kế toán - kiểm toán là những ngành nghề có nhiều biến động, số lượng người tìm việc làm luôn vượt so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. “Tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế tạo sự mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm” - ông Tuấn nhận định.

Nhu cầu cao, tuyển ít

Hậu quả của việc mất cân đối ngành nghề hôm nay, một phần xuất phát từ việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo bất hợp lý tại các trường ĐH nhiều năm qua. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2012, chỉ tiêu ngành nghề cụ thể bao gồm: kinh tế - tài chính - ngân hàng: 184.300 chỉ tiêu; nhóm ngành kỹ thuật công nghệ: 172.800; sư phạm: 54.600; khoa học tự nhiên - xã hội nhân văn: 51.800; nông lâm ngư: 43.200. Khối ngành kinh tế luôn được các trường ưu tiên dành nhiều chỉ tiêu, trong khi các ngành khác nhu cầu thực tế đang rất cần thì các trường vẫn chưa chú trọng việc mở rộng đào tạo.

Theo đăng ký mới nhất của các trường, khối ngành kỹ thuật, công nghệ tại hầu hết các trường chỉ tuyển 50-80 sinh viên/ngành. Nhiều chuyên gia nhận định các trường ngại mở rộng khối ngành kỹ thuật - công nghệ do đào tạo ngành này rất tốn kém khi phải đầu tư trang thiết bị, máy móc…, trong khi nhu cầu người học lại không cao. Thực tế, năm 2012, tại nhiều trường khối ngành kỹ thuật công nghệ chỉ tuyển được khoảng 50% so với chỉ tiêu. Các trường có truyền thống đào tạo ngành nông lâm ngư hoặc các ngành xã hội do việc tuyển sinh ngày càng khó khăn nên cũng chuyển hướng gia tăng chỉ tiêu các ngành kinh tế.

Theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực TPHCM giai đoạn 2011-2020, TP ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, bảo đảm  nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp chủ lực, gồm: cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; điện tử và công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm. “Các trường cần xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành và trình độ đào tạo. Hạn chế việc đào tạo tự phát không bảo đảm chất lượng, gây tình trạng thừa thiếu lao động và gia tăng thất nghiệp” - ông Trần Anh Tuấn kiến nghị.

Những ngành hút nhân lực năm 2013

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu nhân lực năm 2013 tại TPHCM ngoài tập trung vào các ngành như kinh doanh, dịch vụ (nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, y tế - chăm sóc sức khỏe, du lịch, tư vấn - bảo hiểm) thì các ngành nghề như cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, điện tử, điện - điện công nghiệp, điện lạnh… vẫn rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, trong 12 nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực nhiều nhất trong năm 2013 còn có các ngành như dệt may - giày da; cơ khí - luyện kim - công nghệ ô tô, hóa - y tế chăm sóc sức khỏe; xây dựng kiến trúc GTVT; kho bãi - vật tư - xuất nhập khẩu…

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: NLD