Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyen sinh 2012
Tin liên quan:
Lâu lắm rồi, ngành giáo dục mới thật sự ngỡ ngàng khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố đình chỉ tuyển sinh 3 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ và 12 ngành đào tạo của 4 trường khác trong kỳ tuyển sinh năm 2012. Ngỡ ngàng là vì lần đầu tiên bộ không “giơ cao đánh khẽ”, vì lần đầu tiên bộ công khai các văn bản kết luận, kiểm tra có tính nhạy cảm. Tuy nhiên, liệu quyết định này đã thấu tình đạt lý trong bối cảnh những sai phạm, yếu kém của các trường mang tính hệ thống mà trong đó trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất vẫn là khâu quản lý.
Có thể nói, bản kết luận kiểm tra đã khiến giới chuyên môn và dư luận đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và nhiều nhất vẫn là hàng loạt các tiêu chí đều đạt ở số 0. Bất ngờ đầu tiên là 24 trường được kiểm tra, trong đó có 8 trường công lập (1 trường thành viên của ĐH Thái Nguyên và 1 học viện), 16 trường ngoài công lập gần như… 100% chưa thực hiện đúng cam kết khi thành lập trường. Bất ngờ thứ 2, có thể nói là lớn nhất, giảng viên cơ hữu ở các trường quá ít so với những gì mà các trường thực hiện “3 công khai” từ năm 2009 đến nay. Trong số 24 trường kiểm tra, có đến 10 trường có dưới 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, đặc biệt có 3 trường số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người. Và lẽ dĩ nhiên, khi chiếc máy cái trong đào tạo quá ít thì tỷ lệ sinh viên trên đầu giảng viên lại cao ngất ngưởng và vượt rất xa so với các báo cáo đánh giá gần đây của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, có đến 6 trường trên 50 sinh viên/giảng viên, 2 trường trên 80 sinh viên/giảng viên, trong đó Trường ĐH Văn Hiến đứng đầu danh sách khi có 95,1 sinh viên/giảng viên, Trường CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM về nhì với 84,5 sinh viên/giảng viên. Bất ngờ tiếp theo là có đến 41 ngành không có tiến sĩ, 12 ngành không có tiến sĩ chuyên ngành và thạc sĩ. Cá biệt, có ngành chưa có giảng viên cơ hữu nhưng vẫn được duyệt mở ngành, tuyển sinh. Một điều thật ngạc nhiên là có trường thành lập từ năm 1994 nhưng không có lấy một mét vuông đất xây trường.
Quyết định đình chỉ tuyển sinh ở các trường yếu kém là đúng, song chưa thuyết phục về lý và tình. Bởi lẽ, 24 trường được kiểm tra trong tổng số hơn 400 trường ĐH, CĐ trên cả nước là chưa thuyết phục về tính định lượng. Do đó, số trường còn lại liệu những yếu kém sẽ giảm hay còn hơn cả những trường đã được bộ kiểm tra? Mặt khác, không phải bây giờ những yếu kém của các trường mới được phát hiện mà nó tồn tại dai dẳng từ khi thành lập đến nay. Ấy vậy mà đều đặn hàng năm, hết chỉ tiêu rồi đến mở ngành đào tạo… đều được bộ cấp duyệt. Trong khi đó, đề án thành lập trường trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký duyệt phải qua khâu thẩm định của Bộ GD-ĐT. Cho nên, nói một cách công tâm thì đây là hệ quả của việc quản lý lỏng lẻo trong một thời gian dài của ngành giáo dục.
Tuyển sinh, tuyen sinh 2012, thông tin tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh
Kenhtuyensinh (SGGP)