Tuyển GV Philippines dạy tiếng Anh: ý kiến khác nhau
“Mặc dù có thông qua một công ty đối tác nhưng trước khi tuyển dụng chính thức, đại diện Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ sẽ sang Philippines trao đổi và phỏng vấn trực tiếp từng giáo viên để chọn lựa” - đó là trả lời của ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, về việc tuyển 100 giáo viên Philippines đang gây xôn xao.
Thông tin TP.HCM tuyển 100 giáo viên (GV) Philippines sang VN dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông đã gây ra dư luận trái chiều...
Thật ra đây không phải vấn đề mới. Cách đây nhiều năm, một số trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP đã tự hợp đồng với GV nước ngoài để dạy tiếng Anh cho học sinh. Như Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3 hiện hợp đồng với hai giáo viên người Anh (thông qua một trung tâm ngoại ngữ) với mức thù lao 25 USD/giờ dạy (60 phút). Trong các tiết dạy của GV nước ngoài, GV tiếng Anh VN đều có dự giờ vừa để học hỏi, vừa giám sát xem họ có dạy đúng chương trình không, giao tiếp với học sinh như thế nào và vừa quản lý học sinh của mình. Ngoài ra, GV nước ngoài còn có nhiệm vụ tham gia sinh hoạt tổ chuyên môn tiếng Anh với GV VN hai tuần/lần và sinh hoạt nhóm một tuần/lần.
Một tiết học tăng cường tiếng Anh với giáo viên nước ngoài của học sinh lớp 6A10 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) chiều 5-11 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tương tự, Trường tiểu học Kỳ Đồng hợp đồng với một GV người Anh để dạy cho học sinh các lớp tiếng Anh tăng cường một tiết/tuần. Học sinh đóng thêm 70.000 đồng/tháng/học sinh để học thêm một tiết với GV người Anh. GV chỉ lên tiết, hết tiết thì về, không sinh hoạt chuyên môn với nhà trường
Cách nào ưu việt?
Theo ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Chủ trương tuyển 100 GV Philippines nằm trong khuôn khổ đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020” nhằm tạo môi trường ngôn ngữ, nâng cao năng lực nghe và nói tiếng Anh cho GV và học sinh. Việc các trường tự hợp đồng thường thông qua các trung tâm ngoại ngữ, có khi không rõ nguồn gốc giáo viên... Trong khi đó, việc tuyển dụng 100 GV này có cơ sở pháp lý rõ ràng, các GV có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành hệ chính quy và có các chứng chỉ về giảng dạy tiếng Anh”.
Thế nhưng, nhiều phụ huynh đã thắc mắc: tại sao không tuyển GV bản ngữ như Anh, Úc, Canada...mà lại tuyển GV Philippines? Ông Lê Hồng Sơn cho biết: “Sở đã khảo sát và GV người Úc yêu cầu mức thù lao 5.000 USD/tháng, GV người Anh thì 10.000 USD/tháng, trong khi GV Philippines chỉ 2.000 USD/tháng. Tại Philippines, tiếng Anh là một trong hai ngôn ngữ chính thức, nó không chỉ được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày mà trong ngôn ngữ hành chính (tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp trong các nơi công quyền, trong các loại văn bản hành chính). Hầu hết các trường phổ thông và đại học Philippines đều giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Thêm nữa, TP.HCM cũng có ký kết hợp tác với Philippines trong một số lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Đại diện Sở GD-ĐT cùng với đại diện Sở Nội vụ, Sở Tài chính... đã có chuyến làm việc nghiên cứu, thẩm định vào tháng 8 và tháng 9-2012 trước khi có quyết định trên”.
Ông Sơn cũng thừa nhận: “Đương nhiên ở bất cứ nước nào cũng sẽ có GV giỏi và ngược lại. Do đó, mặc dù có thông qua một công ty đối tác nhưng trước khi tuyển dụng chính thức, đại diện Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ sẽ sang Philippines trao đổi và phỏng vấn trực tiếp từng GV để chọn lựa”.
Hiệu trưởng một trường quốc tế tại TP.HCM đã nêu ý kiến: “Đã học tiếng là phải chuẩn mực, cách tốt nhất là học với người bản xứ. Đối với người Philippines, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, không phải tiếng mẹ đẻ, cách phát âm chắc chắn không bằng người Anh, Úc được. Tuyển GV Philippines dạy cho học sinh tiểu học thì nên cân nhắc, bởi học sinh lứa tuổi này như một tờ giấy trắng, tôi e sau này các em sẽ nói như người Philippines chứ không phải nói như người Anh”.
Đồng ý kiến, phụ huynh Bùi Song Cường phân tích: “Học sinh học trực tiếp với người bản ngữ (người Mỹ, Anh, Úc) để được nghe chính xác việc phát âm đúng, từ đó mới có thể nói đúng và tự tin khi giao tiếp. Với kinh nghiệm học và làm việc trong các công ty nước ngoài, tôi thấy rằng người Philippines cũng phát âm tiếng Anh giống như người Việt chúng ta thôi, tất nhiên họ nói lưu loát hơn vì ở nước họ sử dụng tiếng Anh nhiều hơn chúng ta nhưng không có nghĩa là họ phát âm chuẩn xác như người bản ngữ”.
Mới chỉ thí điểm
GV Vũ Vạn Xuân - tổ trưởng tổ ngoại ngữ Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3 - băn khoăn: “GV VN mình yếu về kỹ năng nghe - nói nên nhiều người không đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu. Do đó, khi ta tuyển GV nước ngoài thì yếu tố đầu tiên cần quan tâm là họ có đạt chuẩn này không. Có thể họ nói tiếng Anh trôi chảy hơn ta nhưng không đủ chuẩn là không ổn. Theo tôi được biết, ở châu Á hiện chỉ có Hàn Quốc và Đài Loan là có 100% GV tiếng Anh đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu mà thôi”.
Cùng chung ý kiến, một GV tiếng Anh ở Q.1 tâm sự: “Chúng tôi cảm thấy tủi phận khi đọc thông tin tuyển GV Philippines với mức lương 2.000 USD/tháng. GV VN một số người du học nước ngoài về, họ phát âm không thua gì người bản xứ. Vậy tại sao ta không trọng dụng số người này? Chỉ cần trả 1.000 USD là sẽ thu hút được nhiều người giỏi”. Ngoài ra, theo các hiệu trưởng trường tiểu học, tại sao TP không tạo ra một môi trường tuyển dụng dân chủ và khách quan: đưa các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực giảng dạy, mức lương, các giấy tờ liên quan mà GV cần có... Ứng viên nào đáp ứng đủ điều kiện, đồng ý với mức lương 2.000 USD thì dự tuyển. Biết đâu, sẽ có nhiều người Anh, Mỹ, Úc, Canada... dự tuyển chứ không hạn chế chỉ người Philippines.
Về vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn thông tin: “Trong đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020”, UBND TP đã phê duyệt chủ trương thực hiện các chế độ ưu đãi dành cho GV tiếng Anh như: được hưởng chế độ phụ cấp như giáo viên trường chuyên, phụ cấp ưu đãi tăng lên 70% (hiện chỉ có 30%), được tu nghiệp nước ngoài theo định kỳ... Chủ trương đã có, hiện phòng kế hoạch - tài chính và phòng tổ chức - cán bộ đang rà soát để thực hiện chế độ này trong năm 2013. Cải thiện một số chính sách phải làm từ từ chứ không thể làm một sớm một chiều”.
Cũng theo ông Sơn: “Việc tuyển GV nước ngoài chỉ là thí điểm và chỉ thực hiện trong một thời gian nhất định trong bối cảnh GV và học sinh ở ta đang yếu về kỹ năng nghe - nói tiếng Anh. Cách làm này nhằm kích thích GV VN ta nâng cao trình độ, có điều kiện tiếp cận với GV nước ngoài để hội nhập. Trong một thời gian nhất định, ta phải trả lương như thế họ mới làm chứ hoàn toàn không có sự phân biệt GV trong nước hay nước ngoài”.
Kiểm tra kỹ trước khi tuyển
TS Nguyễn Thị Kiều Thu (trưởng khoa ngữ văn Anh, ĐH KHXH&NV TP.HCM): Tôi từng phỏng vấn một số GV Philippines và thấy cũng có người phát âm tốt và ngược lại. Tuy nhiên, tỉ lệ phần trăm tốt không cao lắm. Nói chung, nếu học ngôn ngữ thì học với người bản ngữ là tốt nhất. Tuy nhiên, trong điều kiện như hiện tại, vì lý do kinh phí ta có thể chọn GV Philippines thì phải kiểm tra thật kỹ trước khi tuyển dụng, làm sao để chọn được người phát âm tốt, dấu giọng chấp nhận được, đừng quá mang nặng dấu ấn người Philippines.
TS Vũ Thị Phương Anh (phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH ngoài công lập): Người Philippines nói tiếng Anh tốt nhất Đông Nam Á. Tôi đã đi công tác nhiều lần và phát hiện: nhiều người Philippines nói tiếng Anh không thua gì người bản ngữ. Tôi ủng hộ việc chọn GV Philippines vì họ đảm bảo chuyên môn và mức thù lao hợp lý.
Những tin tức được quan tâm nhiều nhất: