Chủ trương dạy một số môn khoa học tự nhiên, trong đó có môn toán bằng tiếng Anh trong trường phổ thông sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự khởi động từ các trường sư phạm.
Chọn đào tạo sinh viên giỏi toán và ngoại ngữ
Giáo sư Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán - Tin ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết hiện một số lượng lớn giáo viên toán phổ thông không có khả năng sử dụng tiếng Anh trong việc đọc và tham khảo các tài liệu chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong những năm gần đây, đã có nhiều trường quốc tế được lập ra ở Việt Nam vì thế nhu cầu tuyển dụng giáo viên toán bằng tiếng Anh ngày càng lớn. Thế nhưng, hệ thống các trường ĐH sư phạm lại không đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu đó.
Giờ học toán bằng tiếng Anh tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giáo sư Thái thông tin thời gian tới, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ thành lập Ban điều hành đề án Đào tạo cử nhân sư phạm dạy toán bằng tiếng Anh, chịu trách nhiệm trực tiếp triển khai đề án từ giai đoạn chuẩn bị tuyển sinh, tuyển sinh cho đến khi hoàn thành khóa học. Phương thức đào tạo theo chương trình khung của việc đào tạo cử nhân sư phạm toán và bổ sung một số tín chỉ tiếng Anh. Trường tổ chức thi tuyển theo khối A và A1 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vào ngành sư phạm toán, số lượng tuyển chọn là 50 sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có trình độ tiếng Anh tương đương B2 theo khung châu Âu.
Còn Phó giáo sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM kiến nghị nên chia chương trình thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 sinh viên tham gia một số môn toán bằng tiếng Anh. Giai đoạn này chú trọng cho sinh viên tham dự các hội thảo sử dụng tiếng Anh cho sinh viên tập giảng bằng tiếng Anh. Tốt nghiệp chương trình này, nhà trường nên cấp thêm chứng chỉ có khả năng dạy toán bằng tiếng Anh.
>> Nỗi lo về việc dạy các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh
Phải thực tập 6 tháng tại các nước nói tiếng Anh
Thế nhưng điều mà nhiều chuyên gia lo ngại là khả năng dạy bằng tiếng Anh của chính các giảng viên các trường ĐH sư phạm. Mặc dù hầu hết các giảng viên có trình độ cao đều có thể đọc các tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh nhưng khả năng diễn đạt và khả năng viết bằng tiếng Anh còn nhiều hạn chế.
Giáo sư Lê Văn Thuyết, Trưởng ban Đào tạo sau ĐH (ĐH Huế) chỉ ra một thực tế, ở trên lớp nếu giáo viên chỉ giảng bằng tiếng Anh thì có khoảng 20% sinh viên hiểu được nội dung bài giảng, 80% còn lại không thể hiểu giảng viên nói gì. Nếu giáo viên giảng bài 50% tiếng Anh, 50% tiếng Việt thì tình hình khả quan hơn. Tuy nhiên, như vậy không còn gọi là dạy học bằng tiếng Anh nữa.
Trước tình trạng này, Phó giáo sư Tuấn đề nghị nên tuyển đội ngũ giảng viên được đào tạo từ các nước nói tiếng Anh, với những người đào tạo tại chỗ thì phải học thêm các chương trình tiếng Anh trong nước và đi thực tập ít nhất 6 tháng tại các nước nói tiếng Anh.
Về giáo trình để đưa vào giảng dạy chuyên ngành này ở các trường sư phạm, ông Tuấn đưa ra 3 phương án: lấy nguyên chương trình giảng dạy của một trường đã được kiểm định và có đánh giá cao; lấy chương trình của Việt Nam và chuyển sang tiếng Anh (trong trường hợp này các trường tham gia chương trình nên phối hợp cùng làm để tận dụng các nguồn chất xám); cách nữa là kết hợp cả hai phương án trên.
Bạn đọc có thể để lại ý kiến và câu hỏi về nội dung bài viết tại ô bên dưới! |
Theo: báo Thanh Niên