Với nhiều trường, chỉ tiêu bổ sung lên đến hàng ngàn. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung cũng giảm khá nhiều.

Một số chuyên gia cho rằng các số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT không chính xác, dẫn đến nhiều trường không ước lượng được tỉ lệ ảo, để gọi tỉ lệ trúng tuyển so với chỉ tiêu cho phù hợp.

Tuy nhiên, chúng tôi lại cho rằng thống kê phổ điểm thi THPT quốc gia của thí sinh ở các tổ hợp môn thi mà Bộ GD-ĐT đã công bố là một chỉ số rất cơ bản và khá đầy đủ, chính xác để các trường tham khảo.

Tuyển bổ sung chỉ là giải pháp tình thế!

Không dám gọi vượt chỉ tiêu

Có ba yếu tố đã làm sai lệch dự đoán của nhiều trường, kể cả những trường có kinh nghiệm tuyển sinh.

Một là, năm nay số lượng thí sinh giảm cơ học rất nhiều so với năm 2015, lên đến 120.000 thí sinh.

Hai là, bên cạnh việc giảm số lượng thí sinh thì phổ điểm của các tổ hợp môn cũng phân hóa rất mạnh; số lượng thí sinh ở các phân khúc điểm cao, nhất là phân khúc từ 25 điểm trở lên, giảm nhiều lần so với năm 2015.

Ba là, dẫu biết tỉ lệ ảo sẽ cao, nhiều trường đã đối phó bằng cách gọi tỉ lệ trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu nhưng ít có trường nào “cả gan” gọi đến tỉ lệ 200% do lo sợ nguy cơ tuyển vượt chỉ tiêu, và như vậy không thể đối phó với tình trạng trúng tuyển ảo.

Thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển đợt 1 cho thấy đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường, như vậy có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển 2016 cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Thí sinh trúng tuyển ảo là tất yếu!

Với điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 đã công bố của các trường ĐH, chúng tôi ước đoán có khoảng 60% thí sinh có mức điểm từ 20-25, và gần như 100% thí sinh có mức điểm từ 25 trở lên đều trúng tuyển vào hai trường ĐH trong đợt 1.

Chính vì vậy, các trường đã công bố mức điểm chuẩn cao đều bị thiếu thí sinh, là hiện tượng hoàn toàn khác hẳn những năm tuyển sinh trước - đó là những ngành điểm chuẩn cao thường không xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Sẽ còn tái diễn, nếu...

Nhiều trường đã công bố xét tuyển bổ sung với chỉ tiêu lên đến hàng ngàn, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế và cần lưu ý rằng nguồn thí sinh đã giảm rất nhiều, có thể khẳng định là nguồn thí sinh ở mức điểm khoảng trên 23 điểm đã... cạn kiệt.

Hơn nữa với quy định trong đợt xét tuyển bổ sung - mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển đến ba trường - thì tỉ lệ trúng tuyển ảo càng khó lường hơn so với đợt xét tuyển đầu tiên.

Bên cạnh đó, quy chế tuyển sinh 2016 còn cho phép mức điểm xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển của đợt bổ sung có thể thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt 1 khiến một số thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 có thể bức xúc vì ngành mà thí sinh yêu thích không được xét trúng tuyển nay lại hạ điểm chuẩn thấp hơn. Nhưng thí sinh không thể quay lại đăng ký xét tuyển vì đã trót nộp giấy chứng nhận kết quả thi!

Không có giải pháp tuyển sinh nào hoàn hảo tuyệt đối. Năm 2015 nhiều trường tuyển đủ và vượt chỉ tiêu ngay trong đợt đầu tiên nhờ quy định “mỗi thí sinh dẫu có đến bốn nguyện vọng nhưng phải cùng một trường”, nghĩa là thật sự cuối cùng thí sinh chỉ có thể trúng tuyển theo một nguyện vọng vào một trường, tỉ lệ ảo gần như không có; nhưng bù lại, quy định cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng chọn trường, “rút ra nộp vào”, làm cho những ngày cuối xét tuyển đợt 1 khá ồn ào.

Còn năm 2016 hầu như trường nào cũng thiếu chỉ tiêu, nhưng nếu đứng dưới góc độ của thí sinh thì nhiều thí sinh rất hài lòng, có thể là cả tự hào khi được gọi trúng tuyển vào cả hai trường ĐH.

Nếu như còn tiếp tục sử dụng kết quả khá tin cậy của kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới, có lẽ đã đến lúc các trường ĐH phải chấp nhận tình trạng trúng tuyển ảo, khả năng gọi nhập học thiếu chỉ tiêu trong lần xét tuyển đầu tiên và phải gọi nhập học nhiều lần trong năm.

Tiếc rằng chất lượng đề thi chưa cho phép kéo dài thời gian sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi, thay vì ba tháng như hiện nay (hết giá trị sử dụng sau đợt xét tuyển cuối cùng ngày 20-11) thì giấy này có thể sử dụng lên một năm hoặc hơn để các trường có thể gọi thí sinh nhập học nhiều đợt trong năm, nhất là những trường đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

“Không có giải pháp tuyển sinh nào hoàn hảo tuyệt đối!

Nguyễn Đức Nghĩa


Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160823/tuyen-bo-sung-chi-la-giai-phap-tinh-the/1159453.html