Tư vấn tuyển sinh ngành công nghệ thông tin năm nay

Trái hẳn với lo ngại của nhiều thí sinh là ngành công nghệ thông tin khó xin việc nên ít nộp đơn vào học trong các năm vừa qua, những số liệu gần đây cho thấy ngành này đang quay trở lại chu kỳ tăng trưởng khá tốt và cần nhiều nhân lực.

Theo tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, tuy những năm gần đây chỉ tiêu tuyển ngành này không giảm nhưng số lượng thí sinh đăng ký dự thi có giảm đi. Điểm chuẩn của ngành này cũng không còn cao như thời cực thịnh cách đây 6-7 năm nữa. Lý do để các em ngần ngại học ngành này có khá nhiều, nhưng chính yếu là tìm việc khó hơn.

 

Tư vấn tuyển sinh ngành công nghệ thông tin


Tuy nhiên, trái với lựa chọn của thí sinh, những số liệu gần đây cho thấy ngành này đang trở lại chu kỳ cần một lượng nhân lực lớn. Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, mặc dù 2 năm vừa qua kinh tế khó khăn nhưng các lĩnh vực trong ngành này đều có tăng trưởng dương: phần cứng (110%), phần mềm (10%), nội dung số (25%). Trong số 22 doanh nghiệp ngành này được thống kê đều có tăng trưởng, thấp nhất là 2% và cao nhất là 63%. Mức lương trung bình là 5 triệu đến 10 triệu đồng.

Trong khi đó, số lượng nhân lực các trường cung cấp cho ngành này hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 75% so với nhu cầu. Như vậy, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ quan vẫn còn rất lớn so với khả năng đào tạo của các trường. Theo ông Tuấn, trong 3 đến 5 năm tới nếu nguồn nhân lực không đáp ứng đủ sẽ dẫn tới tình trạng khủng hoảng thiếu nhân lực ngành này.

Theo một thống kê khác của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và nhu cầu xã hội TP.HCM, dự đoán ngành này là một trong 10 ngành nghề có tỷ lệ cầu nhân lực cao nhất trong giai đoạn 2013 - 2015, chiếm tỷ lệ 6 - 8% tổng nhu cầu nhân lực hằng năm của TP.HCM. Cụ thể hơn, theo bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Giám đốc trung tâm này, trong tổng số 280.000 - 300.000 chỗ làm việc cần cho TP.HCM gồm các ngành nghề, thì công nghệ thông tin chiếm khoảng 7,75% (23.000 - 25.000 người). Trong đó, trình độ ĐH chiếm 57,33%, CĐ chiếm 25,16%, trung cấp chiếm 10,63%, kỹ thuật viên sơ cấp chiếm 6,88%. Thêm vào đó là 10.000 chuyên viên cho khu vực trọng điểm kinh tế phía nam.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2011 - 2020, thành phố cân đối đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp, trong đó có ngành điện tử và công nghệ thông tin.

 

Một số thắc mắc của thí sinh về ngành Công nghệ Thông tin

 

Em xác định là sẽ thi vào nhóm ngành khoa học - kỹ thuật - công nghệ, nhưng không biết trong mỗi ngành có các chuyên ngành gì, công việc sau này ra sao, nhu cầu nhân lực từng ngành như thế nào? Muốn học tốt các ngành này thì em phải giỏi những môn nào? ([email protected]).

- Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Tại các trường có đào tạo khối ngành khoa học - kỹ thuật ở các ngành điện tử, công nghệ thông tin và hóa chất đều có thông tin về các chuyên ngành. Em muốn thi vào trường nào thì tìm hiểu cụ thể trên website của trường đó.

Đối với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ngành điện tử có các chuyên ngành kỹ thuật điện - điện tử, điện tử viễn thông. Ngành công nghệ thông tin có các chuyên ngành kỹ thuật phần mềm, trí tuệ nhân tạo, quản trị mạng...

Bất cứ ngành nào cũng có nhu cầu về nhân lực. Đặc biệt trong hiện tại và tương lai, lĩnh vực kỹ thuật công nghệ đang ngày càng phát triển. Em có thể làm việc tại các công ty về điện tử, viễn thông, các doanh nghiệp sản xuất phần mềm hoặc tự mở doanh nghiệp để kinh doanh về lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, tùy vào khả năng của em.

Muốn học giỏi ngành điện tử, công nghệ thông tin thì em phải giỏi môn toán, lý.

 

Em đang ở Đăklăk. Xin cho em hỏi là nếu em muốn thi ngành công nghệ thông tin thì ở đâu là tốt nhất? Ngành công nghệ thông tin trong khi đào tạo có phân ngành hay không? Em cảm ơn. (hoangtrungthai…[email protected])

Theo như em hỏi thì em muốn thi ngành công nghệ thông tin nhưng không biết thi ở đâu là tốt nhất. Trung tâm vẫn chưa hiểu rõ ý của em về vấn đề tốt theo nghĩa nào, tốt theo phương diện nào nên rất khó trả lời em một cách chính xác.

- Xét về mặt chất lượng đào tạo thì hiện nay, chương trình đào tạo ngành tại các trường đều thực hiện theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT (khoảng 70%), phần còn lại các trường tự điều chỉnh để sao cho phù hợp với yêu cầu của từng trường. Vì thế không thể so sánh chất lượng đào tạo ở trường nào tốt hơn.

- Về chi phí học tập: Điều này còn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh kinh tế gia đình em như thế nào, từ đó em có những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn trường phù hợp.

- Về điều kiện trường lớp: Nếu ở xa trường em có nhu cầu học, em có thể cập nhật lên internet để xem hình ảnh của trường, từ đó em sẽ có cách nhìn rõ hơn.

Điều quan trọng là bản thân em phải xác định khả năng học của mình đến đâu, điều kiện kinh tế gia đình như thế nào để có thể chọn được trường vừa sức.

 

Chào thầy! Thưa thầy em muốn học ngành Công nghệ thông tin nhưng em yếu môn Tiếng Anh. Em không biết em có thể học ngành này được không? Em nên thi vào những trường nào để ra trường dễ có việc làm? Xin cảm ơn thầy! (Lê Xuân Vĩnh - Email: [email protected])

Sinh viên ngành CNTT nếu có tiếng Anh tốt sẽ được tiếp cận rất nhiều thông tin về một lĩnh vực phát triển nhanh, mạnh và hấp dẫn như CNTT. Tuy nhiên, nếu SV có tiếng Anh chưa tốt thì họ sẽ phải học và cập nhật từ từ, một khi đã có đam mê và làm việc theo nhóm nên Em vẫn đạt kết quả tốt.

Hiện nay có rất nhiều trường ĐH đào tạo CNTT, ví dụ: ĐH CNTT, ĐH quốc tế, ĐH KH Tự nhiên, ĐH Bách khoa,... là những địa chỉ Em có thể thi vào và làm việc sẽ có chất lượng khi ra trường. Về vấn đề việc làm sau tốt nghiệp còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng nghề, khả năng thích ứng công việc,... của ứng viên, vì vậy, ngoài học kiến thức khoa học, Em còn phải tập kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh,...

Chúc Em thành công.


Lựa chọn ngành học cho học sinh trung bình

Kenhtuyensinh

Theo: Thanh niên và tổng hợp từ internet