Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2013 tại Tiền Giang
Sân Trường ĐH Tiền Giang sáng 2-3 không còn chỗ trống. Có đến hơn 3.500 học sinh của 35 trường THPT trên toàn tỉnh Tiền Giang về tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2013 do Tuổi Trẻ tổ chức.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, tư vấn trực tiếp cho các bạn học sinh tỉnh Tiền Giang - Ảnh: Minh Đức
Chương trình do Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Sở GD-ĐT Tiền Giang và Trường ĐH Tiền Giang tổ chức. “Đa số các em chắc đã chọn cho mình ngành nghề nào đó rồi nhưng tôi nghĩ qua chương trình này, các em sẽ cân nhắc và lựa chọn chín chắn hơn nghề nghiệp gắn với mình sau này. Chọn nghề nghiệp không chỉ để trở thành bác sĩ, kỹ sư giỏi mà còn để phấn đấu hết mình, lập nghiệp và cống hiến cho xã hội” - ông Trần Thanh Đức, giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, nhấn mạnh.
Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2013 tại Tiền Giang
Mặc dù đã kết thúc phần tư vấn nhưng ông Nguyễn Văn Thái (Chợ Lách, Bến Tre) - phụ huynh của Nguyễn Ngọc Quỳnh, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Văn Cấn - vẫn kiên nhẫn ngồi đợi để gặp riêng thành viên ban tư vấn hỏi thêm về ngành nghề con mình định thi. Ông cho hay con trai ông ở Sài Gòn biết thông tin về chương trình này nên đã điện thoại cho ông biết để tham gia. Con gái bận đi học nên 6g sáng từ Chợ Lách ông một mình chạy xe sang Mỹ Tho tham gia chương trình. “Cháu học khá các môn tự nhiên nên dự tính thi vào ngành kinh tế nhưng thật sự vẫn chưa rõ trường nào phù hợp với sức học của cháu, cơ hội nghề nghiệp sau này thế nào bởi có nhiều thông tin nói rằng nhu cầu nhân lực ngành này đang bão hòa. Tới đây nghe mấy thầy nói tôi cũng yên tâm, về nhà nói lại với con để cháu yên tâm thi” - ông bộc bạch.
Nhưng ông Thái chưa phải là người bước chân ra khỏi nhà sớm nhất. Những học sinh của Trường THPT Phú Thạnh thuộc huyện cù lao Tân Phú Đông phải có mặt ở trường THPT từ 5g sáng để khởi hành về Mỹ Tho, do đường xa và phải qua phà.
Bạn Nguyễn Kim Cương - lớp 12/4 Trường THPT Phú Thạnh - cho biết do trường ở vùng xa nên từ đầu năm đến giờ chưa đơn vị nào về trường tư vấn, do đó học sinh rất thiếu thông tin. Tương tự, bạn Minh Luân - lớp 12/8 Trường THPT Gò Công Đông - chia sẻ: “Trường có mời cựu học sinh hiện là sinh viên các trường ĐH, CĐ, trung cấp quay về trường tư vấn hướng nghiệp cho học sinh nhưng chủ yếu là cung cấp thông tin về trường, ngành mình đang theo học. Thầy hiệu trưởng có nói chuyện và định hướng nghề nghiệp cho học sinh nhưng có những thắc mắc chỉ thầy cô từ các trường mình muốn dự thi mới trả lời được. Vì thế mà từ 5g45, nhiều học sinh đã tập trung ở trường THPT để di chuyển về Mỹ Tho tham gia chương trình tư vấn này.”
Chọn ngành khi thi đại học năm 2013
Thí sinh băn khoan chọn nghề cho tương lai
Một nữ học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Côn thắc mắc: “Tại sao khi thi vào trường công an các bạn nam được đi bắt cướp còn bạn nữ thì không? Như vậy có bất bình đẳng với các bạn nữ hay không?”.
Chia sẻ vấn đề này, TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - nói: “VN được xem là nước có chỉ số bình đẳng giới tương đối cao, có lẽ bạn đang trăn trở về bình đẳng trong nghề nghiệp. Bạn cần biết rằng ở các trường công an, tỉ lệ nữ chỉ chiếm 10-20% tổng số sinh viên. Khi đào tạo ngành nghề nào, các trường cũng cân nhắc tỉ lệ nữ vì tính đặc thù ngành nghề đó. Có những nghiệp vụ nam thuận lợi hơn nữ. Người phụ nữ có vai trò rất lớn trong gia đình. Bạn khát khao, đam mê nghề nghiệp rất lớn và biết đâu sau này bạn có thể cống hiến cho xã hội. Bạn hãy cố gắng giữ ngọn lửa đam mê ấy”.
Trong khi đó, một học sinh đã chọn được hai ngành nhưng đang phân vân chưa biết nên chọn ngành nào: bác sĩ đa khoa hay bác sĩ thú y! Hai ngành này tưởng chừng chẳng có liên quan gì đến nhau. Tư vấn học sinh này, ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng - phó ban đào tạo khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết: “Hai ngành này cùng đào tạo ra bác sĩ nhưng chỉ khác đối tượng mà chúng ta chăm sóc. Một bên là người, một bên là vật nuôi. Bạn hãy thử trắc nghiệm bản thân xem mình thích chăm sóc đối tượng nào hơn để có sự lựa chọn chính xác. Tùy đối tượng mình muốn phục vụ, năng lực học tập của bản thân mà chọn ngành phù hợp bởi điểm chuẩn ngành bác sĩ đa khoa rất cao”.
Đã có không ít học sinh muốn dự thi vào nhóm ngành kinh tế nhưng ngại các trường giảm chỉ tiêu, ra trường khó tìm việc làm như có thông tin đưa ra gần đây. ThS Lâm Tường Thoại - ĐH Quốc gia TP.HCM - lưu ý: “Từ năm 2007, kinh tế chúng ta phát triển rất mạnh nên nhu cầu nhân lực rất lớn. Từ đó, số thí sinh thi vào kinh tế tiếp tục đông. Năm 2012-2013 sinh viên kinh tế ra trường với số lượng lớn, gặp lúc kinh tế khó khăn dẫn đến số sinh viên thất nghiệp cao. Nếu thời điểm này các em không chọn theo sở thích, đam mê mà chọn theo điều kiện xã hội như vậy tuy đúng nhưng chưa hẳn chính xác. Sự sụt giảm nhu cầu nhân lực giai đoạn nào đó tùy thuộc tình hình kinh tế ở thời điểm đó. Một lúc nào đó, tình tình kinh tế hồi phục và nhu cầu nhân lực sẽ lại tăng thì sao. Rõ ràng bức tranh nhân lực bốn năm nữa như thế nào còn tùy thuộc tình hình phát triển kinh tế. Lựa chọn ngành nghề rất quan trọng, phải cân nhắc nhiều yếu tố, không phải chọn theo xu hướng, tình hình của năm mình dự thi. Phải biết sở thích, khả năng của mình để chọn ngành phù hợp.”
TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM - tư vấn: “Mỗi lĩnh vực ngành nghề cần nhiều nhân lực khác nhau chứ không chỉ học trong lĩnh vực đó mới làm được. Chẳng hạn làm trong lĩnh vực dầu khí, có các công đoạn như tìm kiếm, khai thác, chế biến. Để phục vụ cho các công đoạn này, có nhiều ngành khoa học liên quan. Ví dụ để tìm kiếm dầu khí cần chuyên gia về địa chất, hạt nhân… Các bạn cũng có thể học thêm ngành hóa dầu…”.
TS Quang cũng lưu ý: “Thích ngành nào, cứ chọn ngành đó theo sở thích và đam mê của mình. Sở thích sẽ cho các em sự tìm tòi, đào sâu trong công việc nên việc làm, thu nhập cũng sẽ đến với các em".
Có thể bạn cần biết:
Tư vấn tuyển sinh nhóm ngành Công an, quân đội
Kenhtuyensinh
Theo: báo Tuổi Trẻ