Thất nghiệp sau đại học đang trở thành nỗi lo lắng, trăn trở của nhiều bạn trẻ. Không ít cử nhân "vỡ mộng" sau khi cầm tấm bằng đại học vì ngành nghề mình theo học sau 4 năm tốt nghiệp đã giảm nhu cầu nhân lực hoặc không đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, đành phải chấp nhận làm việc trái với ngành nghề đã chọn.
> Những lưu ý khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển năm 2020
> Học phí chương trình chất lượng cao các trường đại học hàng đầu 2020
Vì vậy trong mùa tuyển sinh 2020, nhiều thí sinh thắc mắc nên đăng ký chọn ngành nào dễ tìm được việc làm sau 4 năm học, nên chọn ngành theo sở thích hay cơ hội việc làm trong tương lai? Kênh Tuyển Sinh tổng hợp những thông tin hữu ích giải đáp những thắc mắc liên quan giúp các bạn trẻ lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Có nên chạy theo ngành hot?
Theo ông, Vũ Xuân Hùng - vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH): công nghệ thông tin, sức khỏe (điều dưỡng) và du lịch là 3 lĩnh vực có nhu cầu nhân lực rất lớn hiện nay.
Tuy nhiên, ngoài đam mê, sở thích, các bạn cần phải có năng lực nhất định để có thể học và theo đuổi ngành nghề sau khi tốt nghiệp. Thực tế có những ngành, chẳng hạn như công nghệ thông tin, đòi hỏi người làm việc phải liên tục cập nhật, tái đào tạo nếu không sẽ bị lạc hậu bởi công nghệ thay đổi rất nhanh.
Chia sẻ thêm về ngành công nghệ thông tin, ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết ngành này hiện có nhu cầu nhân lực khoảng 400.000 người mỗi năm trong khi các trường chỉ có thể cung cấp được khoảng 320.000 người. Đó là chưa kể nhiều bạn tốt nghiệp ra nước ngoài làm việc. Nguồn cung nhân lực thiếu nhưng không phải ai tốt nghiệp ngành này cũng có việc làm.
Lý giải điều này, ông Quán chia sẻ: chỉ riêng ngành công nghệ thông tin, TP.HCM đã có hơn 70 trường đào tạo. Với ngành này, các trường chia 3 hướng đào tạo chính là lập trình, hệ thống máy tính - kỹ thuật máy tính, mạng máy tính và an toàn thông tin. Mảng thứ 3 hiện nay được các trường đào tạo là kiểm thử phần mềm.
"Chất lượng đào tạo khác nhau nên dù nguồn cung nguồn thiếu hụt nhưng không phải sinh viên nào tốt nghiệp cũng có việc làm, phải có chuyên môn và kỹ năng tốt. Mình cần chọn trường có thương hiệu, uy tín. Điểm chuẩn ngành này ở các trường trong năm 2019 dao động từ 15 đến 28. Theo học ngành này, sinh viên phải có đam mê đủ lớn, học tập liên tục, tái đào tạo liên tục bởi nếu sau 3 năm không cập nhật sẽ bị lạc hậu bởi công nghệ thay đổi rất nhanh" - ông Quán nói thêm.
Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết thu nhập người dân tăng lên, nhu cầu về xe ô tô cũng tăng. Đó là lý do ngành ô tô phát triển, đòi hỏi nhiều nhân lực làm việc. Phạm vi ngành nghề giờ rất rộng, học ngành này nhưng có thể làm việc ở lĩnh vực khác như học ô tô có thể làm ở hải quan, sân bay, khách sạn…
Tuy nhiên, dự báo 4 năm nữa sẽ có tình trạng dư thừa nhân lực ngành này. Theo ông Dũng, hiện nay hầu như trường kỹ thuật nào cũng mở ngành ô tô. Có trường tuyển vài trăm nhưng có trường tuyển đến cả ngàn chỉ tiêu, chất lượng khó đảm bảo. Do đó, tuy nhu cầu nhân lực rất cao nhưng không phải sinh viên nào tốt nghiệp cũng có việc làm, nhất là trong vài năm tới.
Sở thích và cơ hội nghề nghiệp là các tiêu chí quan trọng khi chọn ngành xét tuyển
Ngành nào có cơ hội việc làm cao cho 4 năm tới?
TS Nguyễn Đào Tùng - Phó giám đốc Học viện Tài chính cho biết: "Thí sinh hãy nghĩ về cơ hội cho 4 năm tới, nên mạnh dạn mạo hiểm đăng ký những ngành nghề mới".
Ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết hiện nay ở Việt Nam, nhu cầu về nhân lực dịch vụ khách sạn rất lớn, vì chính phủ muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực. Cơ hội làm việc tại các tập đoàn đầu tư du lịch rất lớn, trải dài nhiều trình độ.
Khối quản trị nhà hàng, khách sạn đang rất thiếu nhân lực bậc trung và bậc cao. Các trường du lịch chuyên biệt của bộ, tập đoàn, thành phố đầu tư rất nhiều. Mức thu nhập của các tập đoàn khách sạn 5 sao của trong nước, quốc tế đầu tư, với vị trí quản lý tính từ 1.000 đến 2.000 USD cho mức khởi điểm.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trường ĐH Ngoại thương, gợi ý ngành logistics, chính là ngành hậu cần. Bà tư vấn: để thực hiện một quá trình đưa hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng, là quá trình rất phức tạp. Với nền kinh tế áp dụng công nghệ, ngành này giúp cung ứng hàng hóa trên thế giới thuận lợi hơn.
Đơn cử hệ thống cung Walmart của Mỹ có một hệ thống logistics khổng lồ, ứng dụng công nghệ rất cao. Đây là ngành giao thoa kinh tế và kỹ thuật, cung cấp cơ hội việc làm rất tốt. Các trường hiện nay lồng ghép với các chứng chỉ quốc tế, để các em đáp ứng chuẩn đầu ra, có thể làm việc tại các công ty có quy mô quốc tế, chuyên nghiệp.
Chọn nghề theo sở thích hay nhu cầu thị trường?
Chọn một ngành nghề theo sở trường, ngành mình mong muốn hướng đến thì sẽ có động lực cố gắng và khả năng thành công cao hơn so với việc chỉ chăm chăm chọn một ngành "có cơ hội việc làm".
Khi chọn trường quan trọng nhất là chọn ngành mình yêu thích. Sau đó, đưa ra danh sách trường có ngành mà mình muốn học, tham khảo mức điểm đầu vào các năm trước sau đó chọn trường có điểm chuẩn phù hợp với trình độ của mình. Chọn trường phù hợp với lực học của mình là yếu tố quan trọng nhất để có cơ hội trúng tuyển cao.
Một số thắc mắc khác khi chọn nghề năm 2020
Cơ hội nghề nào cho ngành Lịch sử?
Nhiều thí sinh thắc mắc sau 10 năm, ngành nghiên cứu lịch sử có phát triển không, cơ hội việc làm ra sao?
TS Nguyễn Đào Tùng, Phó giám đốc Học viện Tài chính, giải đáp: Tôi nghĩ truyền thông của ta chưa làm tốt về lịch sử dẫn đến mọi người nghĩ ngành này khó xin việc. Lịch sử có vai trò rất quan trọng, như Bác Hồ đã nói: "Dân ta phải biết sử ta". Càng muốn phát triển kinh tế, càng cần phải biết lịch sử. Cơ hội nghề nghiệp ngành này rất lớn.
Ths Nguyễn Văn Hồng, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, chia sẻ thêm: Ngành lịch sử và văn học có lịch sử lâu đời nhất của trường. Ngành này có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Sinh viên lịch sử có thể làm việc tại các cơ quan quản lý văn hóa, trung tâm, di tích bảo tàng... Khi vào học ĐH, các em sẽ được học kiến thức nền tảng về lịch sử của Việt Nam và thế giới. Các em không nên quá lo lắng về tương lai nghề nghiệp trong ngành này.
Các trường đào tạo ngành Lịch sử |
|
Ngành nghề liên quan công nghệ ô tô, cơ hội việc làm thế nào?
Từ câu chuyện của Ngô Việt Cường - học sinh lớp 12, trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên, Nam Định) lắp ráp thành công 2 xe ô tô hoạt động bằng năng lượng mặt trời, nhiều bạn trẻ nhen nhóm giấc mơ chế tạo ô tô, định hướng chọn ngành công nghệ ô tô, kỹ thuật ô tô.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải, khuyên các bạn thí sinh cứ mạnh dạn lựa chọn điều mình mơ ước. Thầy cho biết với chuyên môn tốt về cơ khí ô tô, công nghệ ô tô, nhiều cựu sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải đã có vị trí việc làm rất tốt. Nhiều bạn đã nhanh chóng trở thành các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cũng chia sẻ về "giấc mơ ô tô" và việc nên chọn học ở đâu học phí thấp, cơ hội việc làm cao, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết thế mạnh của trường ông là ngành công nghệ ô tô. Trong đó, trường đã kết hợp với những doanh nghiệp có thương hiệu để đào tạo và cam kết việc làm sau đào tạo. Ví dụ như kết hợp với VinFast. Những sinh viên học chương trình này được cam kết có việc làm ngay sau khi ra trường với mức lương khởi điểm cao.
Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cũng là một trong những trường cam kết sinh viên ra trường không có việc làm sẽ hoàn trả học phí.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng khẳng định ngành Kỹ thuật ô tô, kỹ thuật cơ điện tử là hai ngành mũi nhọn của trường ĐH Bách khoa HN, trong đó có chương trình tiên tiến đào tạo bằng tiếng Anh. Điều này cho thấy cơ hội nhân lực ở các ngành này rất lớn.
Các trường đào tạo ngành công nghệ, kỹ thuật ô tô |
|
Xem thêm: Điểm chuẩn ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô của các trường ĐH trong nước
Sau tốt nghiệp ngành báo chí, có dễ thích nghi với nghề?
Hiện cả nước có khoảng 700 tờ báo in và tạp chí, cùng hàng trăm đài phát thanh – truyền hình từ Trung ương tới địa phương, chưa kể các công ty truyền thông, các phòng ban truyền thông của các doanh nghiệp, công ty v.v… Do đó, có thể nói cơ hội việc làm của những ngành học này rất lớn.
Tuy nhiên, thực tế với kiến thức trong nhà trường đào tạo, nhiều sinh viên ra trường khó có khả năng đáp ứng ngay được với công việc đòi hỏi áp lực cao, xử lý thông tin nhanh… bởi các sinh viên thiếu nhiều kỹ năng thực hành và tiếng Anh – đó là rào cản lớn nhất. Vì vậy, để đáp ứng nhanh với công việc, ngay từ khi còn ở giảng đường, các bạn cần trau dồi những kỹ năng này.
Các trường đào tạo ngành báo chí uy tín |
|
Kênh Tuyển Sinh tổng hợp