Theo quy định của luật Giáo dục đại học, bắt đầu từ năm nay các trường sẽ được phân thành 3 tầng đại học gồm: nghiên cứu, ứng dụng, thực hành. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trường vẫn chưa có định hướng rõ ràng, thậm chí rất nhiều trường đi ngược so với thực lực.
Định hướng một đằng, đào tạo một nẻo
Từ năm 2005, trong Nghị quyết về đổi mới giáo dục đại học (GDĐH), Chính phủ yêu cầu trước năm 2020 cần đạt được 70 - 80% tổng số sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp ứng dụng. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện nay, đa số các trường vẫn theo đuổi định hướng là trường ĐH nghiên cứu trong khi thực tế họ chỉ có thể trở thành trường đào tạo theo hướng ứng dụng và thực hành.
Khảo sát mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc dự án “Phát triển GDĐH theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng” của Bộ GD-ĐT, đến 6/8 trường ĐH đã thí điểm chương trình này có định hướng trở thành trường ĐH nghiên cứu hàn lâm. Ngược lại, nhiều trường ngay từ đầu xác định theo nghiên cứu nhưng thực tế lại đào tạo đa hệ, đa lĩnh vực và chủ yếu đáp ứng nhu cầu lao động xã hội (thực ra là định hướng ứng dụng - thực hành - PV). Nhóm nghiên cứu đánh giá đây là một mâu thuẫn lớn trong việc phát triển trường vì nghiên cứu và thực hành là 2 định hướng hoàn toàn khác nhau.
Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội và ĐH Nông nghiệp Hà Nội đều xác định trở thành trường nghiên cứu nhưng thực tế việc đào tạo lại không theo hướng này. Mô hình ĐH nghiên cứu trên thế giới chỉ tập trung đào tạo sau ĐH và nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, ở hai trường này lại tập trung đào tạo bậc ĐH với các loại hình: chính quy, tại chức, liên thông, văn bằng 2. Thậm chí, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội còn đào tạo cả hệ từ xa, một loại hình đào tạo chỉ dành cho các trường có xu hướng mở để nâng cao dân trí. Ngay cả những trường có uy tín và đã có bề dày trong đào tạo như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mặc dù được xác định sẽ trở thành ĐH nghiên cứu nhưng hiện vẫn đào tạo đa ngành, đa hệ, trong đó có CĐ nghề.
Trong khi đó, một số trường vừa nâng cấp lên từ CĐ, trường ĐH vùng thực lực nghiên cứu khoa học rất yếu, việc đào tạo chỉ tập trung vào liên thông, tại chức và có cả TCCN nhưng vẫn định hướng là trường ĐH nghiên cứu.
Nhiều quy định không phù hợp
Một nghịch lý là có muốn phát triển trường theo định hướng nghề nghiệp - thực hành cũng không dễ vì những quy định, chính sách hiện nay chỉ phù hợp với trường ĐH theo hướng nghiên cứu.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ GDĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Hiện có nhiều quy định của Bộ không phù hợp với định hướng phát triển các trường. Chẳng hạn, để mở ngành đào tạo trình độ ĐH, Bộ yêu cầu trường phải có tối thiểu một giảng viên trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên thạc sĩ. Nếu trường muốn tự quyết định lấy nội dung của chương trình mỗi ngành phải có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu là tiến sĩ, trong đó phải có ít nhất 1 giáo sư, phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học. Đây là tiêu chí mà phần lớn các trường không đáp ứng được vì nó chỉ phù hợp với các trường nghiên cứu chứ không phải của trường theo hướng nghề nghiệp - thực hành”.
Quy định mức thời gian nghiên cứu khoa học với giảng viên áp dụng chung cho tất cả loại hình trường cũng không phù hợp. Vì thế, một chuyên gia giáo dục cho rằng khi phân tầng thì việc thiết kế chương trình đào tạo cũng tùy thuộc vào sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của từng trường, đối tượng tuyển sinh, nhu cầu thị trường lao động để có chương trình đào tạo, suất đầu tư cũng như nhân sự khác nhau. Đặc biệt, các tiêu chuẩn kiểm định của nhà nước cũng không thể áp đều lên các trường thuộc đẳng cấp khác nhau. Không thể có cùng tiêu chuẩn kiểm định áp dụng cho ĐH quốc gia dùng luôn cho một trường tư hoặc công vừa mới thành lập từ một trường CĐ.
Do thiếu định hướng trong đào tạo nên sinh viên nhiều trường ĐH khó kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp - Ảnh: Ngọc Thắng
Sợ nhà nước ít đầu tư
Theo quy định của luật GDĐH, khi phân tầng, các trường được xếp hạng nhằm đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo; phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước. Căn cứ vào kết quả xếp hạng, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định kế hoạch ưu tiên đầu tư đối với các trường phù hợp với nhu cầu nhân lực và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Điều này khiến không ít trường ĐH lo lắng, bởi nếu được xếp vào tầng thấp (theo định hướng nghề nghiệp - thực hành) đồng nghĩa với việc được đầu tư ít. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, quy định này có thể vô tình khuyến khích các trường chạy theo mục đích trở thành trường ĐH nghiên cứu để được nhà nước đầu tư nhiều hơn.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập - cho rằng: “Thực tế cho thấy sứ mạng các trường rất đa dạng, có trường thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, trường giảng dạy, trường phục vụ cộng đồng. Không trường nào hơn trường nào về ý nghĩa đóng góp cho xã hội, vì vậy việc đầu tư cũng phải công bằng vì các sứ mạng đều quan trọng như nhau”.
Không thích nghi với thị trường lao động
Hậu quả của việc các trường tuyên bố định hướng phát triển một đằng nhưng đào tạo một nẻo khiến quy trình đào tạo thiếu định hướng, là sinh viên sau khi tốt nghiệp đã không thể thích nghi với thị trường lao động.
Nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP.HCM) và nhóm cộng sự về cơ cấu, hệ thống quản lý của các trường cho thấy thông tin và sự hiểu biết về thị trường lao động ở các trường theo định hướng nghề nghiệp - thực hành rất hạn chế. Đa số các trường chưa có nghiên cứu thường xuyên về nhu cầu thị trường lao động cũng như chưa có sự tham gia của doanh nghiệp hoặc người sử dụng lao động vào quá trình đào tạo.