Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, đề án tuyển sinh của trường ĐH phải cung cấp đầy đủ, đúng định dạng và bảo đảm tính xác thực của thông tin, dữ liệu tuyển sinh theo hướng dẫn của bộ.
Những thông báo mới nhất về việc tuyển sinh đại học năm 2022
Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non (gọi chung là tuyển sinh ĐH) nhằm thống nhất việc thực hiện và tiến độ tuyển sinh với các đơn vị liên quan và với thí sinh trên toàn quốc.
Ngoài những lưu ý với thí sinh trước và trong quá trình đăng ký xét tuyển, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường ĐH thực hiện một số nội dung nhằm đảm bảo xét tuyển công bằng, minh bạch, không gây khó dễ cho thí sinh.
1. Không được đưa thông tin mập mờ
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, đề án tuyển sinh của trường ĐH phải cung cấp đầy đủ, đúng định dạng và bảo đảm tính xác thực của thông tin, dữ liệu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trong đó lưu ý các nội dung sau:
Thông tin cần dễ hiểu, rõ ràng để thí sinh không nhầm lẫn giữa quy định xét tuyển thẳng theo quy định tại điều 8 Quy chế tuyển sinh với phương án tuyển sinh riêng của trường; giữa tên các trường ĐH; tuyển sinh vào phân hiệu của trường với trụ sở chính của trường; giữa các chương trình đào tạo của trường.
Công bố công khai minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, điều kiện xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng đảm bảo chất lượng, chính sách ưu tiên của trường ĐH gắn với yêu cầu của ngành đào tạo.
Các trường ĐH phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ; không thông báo thí sinh trúng tuyển chính thức dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT.
Các trường phải đảm bảo tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong hệ thống với các thông tin trong đề án tuyển sinh (như mã trường ĐH, mã chương trình/ngành/nhóm ngành, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp xét tuyển, và chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí phụ...) và trong các thông báo tuyển sinh. Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của hệ thống.
Trường ĐH chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án tuyển sinh với Bộ GD-ĐT, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định và theo yêu cầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác tuyển sinh, các điều kiện đảm bảo chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của các nội dung trong đề án. Đề án tuyển sinh của trường ĐH phải đăng trên trang thông tin điện tử của trường (tại trang chủ), đồng thời phải gửi về Bộ GD-ĐT ngay sau khi đăng để phục vụ công tác hậu kiểm.
2. Đại học không được báo trung tuyển khi thí sinh chưa thi tốt nghiệp
Trao đổi về vấn đề tuyển sinh đại học năm nay, bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, các trường CĐ, ĐH cần thực hiện đúng quy định của Luật Giáo dục đại học, quy chế tuyển sinh và các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển sinh. Các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo viên mầm non tự chủ và chịu trách nhiệm về giải trình về công tác tuyển sinh. Đề án tuyển sinh của các trường phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của trường đúng thời hạn, phục vụ cho thí sinh đăng ký xét tuyển và báo cáo Bộ GD-ĐT để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Việc tổ chức tuyển sinh của các trường phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và đề án tuyển sinh đã công bố.
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng lưu ý việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, điều kiện xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, chính sách ưu tiên của các trường cần được công khai minh bạch, gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, hướng tới mục đích lựa chọn thí sinh có lực học tốt, tâm huyết với ngành nghề... để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
“Các thông tin trong đề án tuyển sinh phải rõ ràng, chính xác, đúng quy định, không được mập mờ, chung chung dễ gây hiều nhầm cho thí sinh.
Việc xác định các tổ hợp xét tuyển phải phù hợp với ngành đào tạo, tránh đưa ra các tổ hợp tuyển sinh không phù hợp với ngành nghề đào tạo. Việc các trường đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, tuy nhiên thực tế lại làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển của thí sinh”, bà Thủy nhấn mạnh.
Đại diện Vụ Giáo dục Đại học cũng cho rằng, đối với các quy định mới có ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị đăng ký xét tuyển của thí sinh, trường cần sớm công bố và có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh có đủ thời gian chuẩn bị, đáp ứng yêu cầu của trường.
“Các trường lưu ý trong việc thông báo trúng tuyển nhập học đối với phương thức xét tuyển không sử dụng kết quả thi Tốt nghiệp THPT. Các trường không được thông báo kết quả xét tuyển, kết quả trúng tuyển, điểm trúng tuyển khi người học chưa tốt nghiệp THPT”, bà Thủy nói.
Bà Nguyễn Thu Thủy cũng nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường và các bên liên quan tham gia công tác tuyển sinh theo quy định hiện hành, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
3. Nhiều tổ hợp xét tuyển dễ gây nhiễu
Bà Thủy cho biết thêm, theo quy định tại Điều 8 Quy chế tuyển sinh hiện hành thì nguyên tắc lựa chonh tổ hợp các bài thi, môn thi để xét tuyển được quy định như sau: Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp).
Hiệu trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh. Đối với các trường, ngành có thi năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi/môn thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Với nguyên tắc lựa chọn tổ hợp trên, nhiều trường đã kết hợp để tạo ra các tổ hợp, đặc biệt là với các tổ hợp có môn năng khiếu.
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, năm 2020, chưa có thống kê đầy đủ nên chưa biết chính xác tỷ lệ các tổ hợp truyền thống chiếm bao nhiêu phần trăm trong phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Năm 2018 và năm 2019 các trường sử dụng trên 150 tổ hợp để xét tuyển. Trong đó, có 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống (A00, D01, A01, B00, C00) luôn chiếm trên 90% nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Các tổ hợp truyền thống với các môn thi chủ yếu và có tính liên quan đến nhau vẫn là điều kiện tuyển sinh của phần lớn các ngành, các trường. Hơn 140 tổ hợp khác có thí sinh đăng ký nhưng chỉ chiếm gần 10% số nguyện vọng ĐKXT. Nhiều tổ hợp do các trường đưa ra không có, hoặc có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển. Nếu có đăng ký xét tuyển bằng các tổ hợp này thì thí sinh cũng để ở các nguyện vọng có mức ưu tiên rất thấp.
Các tổ hợp ít thông dụng hầu như không được các trường tốt và rất ít thí sinh tốt lựa chọn nên hầu như không phát huy tác dụng (trừ các ngành liên quan đến năng khiếu).
Năm 2018 và 2019 có trên 85,5% thí sinh trúng tuyển ở 5 tổ hợp truyền thống đã nêu.
”Như đã nói ở trên, việc các trường đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, tuy nhiên thực tế lại làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc thí sinh lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển”, bà Thủy nói./.
4. Phải kịp thời cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển sớm lên hệ thống
Với những trường ĐH tổ chức xét tuyển sớm, trường phải cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống trước 5 giờ chiều 21.7.
Các trường chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trong trường hợp phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thì thực hiện xét tuyển theo kế hoạch chung.
Phải thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) để thí sinh có đủ thông tin và chủ động trong việc đăng ký NVXT trên hệ thống.
Trường không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ các hồ sơ…).
Tất cả các thí sinh trúng tuyển sớm phải được đưa lên hệ thống để xử lý nguyện vọng nếu thí sinh có đăng ký NVXT.
Trường ĐH phải thông báo rõ thời điểm nhận hồ sơ xét tuyển và tổ chức xét tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, bảo đảm đồng bộ giữa việc thí sinh nộp hồ sơ về trường và đăng ký NVXT trên hệ thống.
5. Tất cả thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến
Các trường ĐH khi công bố điểm trúng tuyển phải kèm theo việc công bố thang điểm xét tuyển và công bố thông tin tiêu chí phụ (nếu có). Cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển, nhập học các đợt, phương thức xét tuyển, các hình thức đào tạo theo đúng cấu trúc dữ liệu, đúng quy định trong các danh mục về tuyển sinh (trường phổ thông, xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn...) và đúng thời gian quy định.
Đối với phương thức xét tuyển thẳng (theo điều 8 Quy chế tuyển sinh), trường ĐH quy định cụ thể các ngành học phù hợp với môn thi, nội dung đề tài hoặc nghề dự thi, thi đấu, đoạt giải; công bố kế hoạch, tổ chức tiếp nhận hồ sơ và tổ chức xét tuyển theo quy định của Quy chế tuyển sinh.
Trường ĐH phải quy định tất cả các thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại trường. Đối với thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng, trường ĐH hướng dẫn các em xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống trong thời gian quy định (từ ngày 22.7 đến 17 giờ ngày 20.8).
Trên cơ sở số thí sinh xác nhận nhập học, trường tổ chức xét tuyển các đợt tiếp theo (nếu có) và cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.
> Điểm danh các thí sinh có điểm xét tuyển vào lớp 10 TP.HCM cao nhất
> Điểm thi tuyển sinh lớp 10 ở Đà Nẵng: Khi nào công bố, cách thức tra cứu?
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp