Thi trắc nghiệm Giáo dục công dân: Mừng hay lo?

Trao đổi với phóng viên tại hội nghị sơ kết thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 – 2016, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lào Cai – ông Nguyễn Trường Giang cho rằng:

Do tâm lý giáo dục Việt Nam vẫn theo kiểu thi gì học nấy, không thi không học nên việc đưa môn Giáo dục công dân trở thành một môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia là điều cần thiết.

Bởi môn học này không những dạy cho học sinh cách sống đúng đắn mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hình thành nhân cách con người.

Trường chuyên nói gì về thi trắc nghiệm môn Giáo dục công dân?Năm 2017 là năm đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào thi THPT quốc gia (Ảnh: nhandan.com.vn)

Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lào Cai khẳng định, ngay sau khi Bộ có quyết định chính thức phương án thi, trường đã tích cực đưa thêm nhiều vấn đề mới vào giảng dạy, củng cố nhận thức về vai trò của môn học để học sinh và giáo viên có hướng đi đúng trong việc dạy và học môn giáo dục công dân.

Mặc dù là năm đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào thi THPT quốc gia, ông Vũ Đình Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) khẳng định, việc có nhà trường, giáo viên còn lo lắng trước kỳ thi THPT quốc gia 2017 là do tâm lý ứng thí.

Tâm lý ứng thí có nghĩa là thi thế nào thì dạy như vậy, còn nếu dạy theo chương trình từ đầu và hoàn toàn chủ động chương trình của mình thì điều đó không còn là vấn đề đáng lo ngại.

Ông Vũ Đình Thuận cho rằng: “Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, lâu nay các trường đã tổ chức rất nhiều hoạt động liên quan đến chuyện trắc nghiệm Giáo dục công dân như thi tìm hiểu an toàn giao thông, thi tìm hiểu về sức khỏe sinh sản, những điều đó các trường đã làm từ lâu.

Có thể có người nghĩ rằng, thi Giáo dục công dân là những kiến thức hàn lâm như triết học chẳng hạn nên tỏ ra hoang mang”.

Ngược lại, phương án thi này khiến Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) - ông Lê Vinh tỏ ra khá lo lắng.

Theo ông Vinh, việc đưa môn Giáo dục công dân vào thi THPT khiến học sinh sợ do điều này chưa từng có trong lịch sử.

Hiện tại, trường đang có chỉ đạo viết lại chương trình trên cơ sở tích hợp các nội dung. Về cách dạy vẫn dựa trên những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.

Ngoài ra, Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên cần tích cực đưa thêm những câu hỏi vận dụng, ví dụ minh họa bám sát thực tế đời sống vào trong các tiết học.

Đề thi minh họa Giáo dục công dân gắn chặt với thực tiễn xã hội

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố bộ đề thi minh họa, trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Thùy Trang - giáo viên trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội về đề thi môn Giáo dục công dân.

Cô Trang nhận định: “Nội dung đề thi nằm trong chương trình môn Giáo dục công dân lớp 12 “Công dân với pháp luật”.

Với 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đề thi có các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT (nhận biết: 40%, thông hiểu: 20%) và các câu hỏi phân hóa (vận dụng bậc thấp: 30%, vận dụng bậc cao: 10%) phục vụ mục đích xét tuyển đại học 2017.

Trước đây môn Giáo dục công dân không thuộc danh sách các môn thi tốt nghiệp và thi đại học, cao đẳng, nên ở lớp 12 học sinh thường coi nhẹ môn học này.

Ở một số nơi, nhà trường thường đẩy nhanh việc dạy học nhằm kết thúc sớm môn này để dành thời gian cho các môn khác cần thiết cho thi đại học, cao đẳng.

Chính vì vậy, theo cô Trang, việc đưa môn Giáo dục công dân vào danh sách các môn thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 với đề thi trắc nghiệm khách quan, giáo viên và học sinh phải thay đổi tinh thần và phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân.

Việc dạy và học sẽ được thực hiện theo hướng tích cực hơn và sẽ hạn chế tình trạng học sinh coi nhẹ môn học; dạy học qua loa như ở một số nơi trước đây. Nếu học sinh học tủ, học lệch, coi trọng bài này và coi nhẹ bài khác thì có thể sẽ dẫn đến kết quả không tốt.

“Đặc thù của môn Giáo dục công dân là có nội dung gắn bó mật thiết với thực tiễn đời sống xã hội. Trong đề thi sẽ có 40% câu hỏi vận dụng bậc thấp và vận dụng bậc cao.

Để làm được những câu hỏi này, giáo viên và học sinh phải đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tích cực hơn: Vận dụng nội dung kiến thức bài học vào việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi.

Quá trình học sẽ hình thành ở học sinh các năng lực tư duy phê phán, năng lực phân tích – tổng hợp, năng lực nhận xét đánh giá, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực thực hiện trách nhiệm công dân,… phù hợp với yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh”, cô Trang lưu ý.

Theo GDVN, nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Truong-chuyen-noi-gi-ve-thi-trac-nghiem-mon-Giao-duc-cong-dan-post171501.gd