Tin liên quan:
>> Giảm tải giáo dục phổ thông năm học tới
>> Tỉ lệ đậu tốt nghiệp như ý bộ Giáo Dục
>> Lớp bổ túc văn hóa cho công nhân
Lấn sân giáo dục phổ thông
Trung tâm Giáo dục Thường xuyên có nhiều chức năng nhưng nhiều trung tâm ở TPHCM hiện nay chỉ thực hiện chức năng duy nhất là dạy bổ túc văn hóa
Trung tâm Giáo dục Thường xuyên (TTGDTX) quận 5 - TPHCM từ rất nhiều năm nay chỉ thực hiện việc duy nhất là dạy chương trình THCS và THPT. Ở thời điểm này, trung tâm đang tổ chức dạy học cho 954 học viên khối THCS và THPT. Tình trạng này cũng gặp ở nhiều TTGDTX khác.
Đầu voi đuôi chuột
Đó là ví von của nhiều chuyên gia giáo dục khi nói về hoạt động của các TTGDTX hiện nay. Theo quy chế hoạt động, TTGDTX có nhiều nhiệm vụ nhưng thực tế hoạt động lại rất ít.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc TTGDTX quận 5, cho biết cách nay hơn 3 năm, ông về tiếp quản trung tâm này trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Cơ sở vật chất của trung tâm chỉ là căn nhà phố chật hẹp trên đường Nguyễn Trãi, chỉ đủ tổ chức 4 phòng học, 1 phòng vi tính, 1 phòng thực hành và vài phòng nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên của trung tâm. Chính sự khó khăn về cơ sở vật chất đã bó buộc hoạt động của trung tâm. “Nhiều khi chúng tôi muốn mở rộng các hoạt động khác nhưng đành bó tay vì điều kiện cơ sở vật chất không cho phép”- ông Long nói.
Một lớp học phổ thông ở TTGDTX quận 10 - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
TTGDTX quận 4 cũng chung cảnh ngộ. Bà Đinh Kim Hoàng, Giám đốc TTGDTX quận 4, cho biết hoạt động của trung tâm chỉ gói gọn trong việc tổ chức dạy bổ túc văn hóa cho 617 học viên. Việc đa dạng hóa các hoạt động khác là không thể vì cơ sở vật chất không cho phép. Các TTGDTX Nhà Bè, quận 6… cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Ông Phạm Anh Ba, Trưởng Phòng GDTX- Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết sở luôn hối thúc các TTGDTX đa dạng hóa hoạt động nhưng hiện chỉ có một số nơi như TTGDTX quận Phú Nhuận, Tân Phú, quận 3, quận 12 làm được. Số còn lại chưa thể thực hiện vì nhiều yếu tố, trong đó có khó khăn về cơ sở vật chất.
Dạy phổ thông: Liệu có hợp lý?
Tại TPHCM, các TTGDTX là một trong những địa chỉ tiếp nhận học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập trong các kỳ thi tuyển. Hằng năm, các TTGDTX ở TPHCM tiếp nhận trên dưới 10.000 chỉ tiêu (năm học 2012 - 2013: hơn 9.000 chỉ tiêu; năm học 2011 - 2012: hơn 13.000 chỉ tiêu). Theo quy định, những học viên ở TTGDTX chỉ học các môn: toán, lý, hóa, văn, sử, địa, sinh. Các môn giáo dục công dân, ngoại ngữ, tin học chỉ là khuyến khích, trung tâm nào có điều kiện thì tổ chức dạy nhưng không ghi điểm trong học bạ.
Việc các TTGDTX tuyển học sinh phổ thông để dạy bổ túc văn hóa được các chuyên gia giáo dục đánh giá là không ổn. Ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt - Úc, cho rằng mục tiêu của TTGDTX là tổ chức học tập suốt đời. Đối với chức năng dạy bổ túc văn hóa, TTGDTX hướng đến tổ chức dạy cho các đối tượng quá tuổi học trường phổ thông để phổ cập giáo dục. Do vậy, việc đưa học sinh trong độ tuổi vào học ở TTGDTX là không phù hợp.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng trường công lập không thể đáp ứng được chỗ học của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS nên phải phân luồng. Nhiều phụ huynh không muốn cho con mình học nghề sớm, lại không có điều kiện học ở trường dân lập, tư thục nên vào TTGDTX là một giải pháp. “Đầu vào TTGDTX thường yếu hơn học sinh công lập nên học ở TTGDTX ít môn hơn, các em có điều kiện để tập trung cho các môn học”- ông Đạt nói.
Năm nhiệm vụ của TTGDTX
1- Tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục.
2 - Điều tra nhu cầu học tập trên địa bàn, xác định nội dung học tập, đề xuất với sở GD-ĐT, chính quyền địa phương việc tổ chức các chương trình và hình thức học phù hợp với từng loại đối tượng. 3 - Tổ chức các lớp học theo chương trình GDTX cấp THCS và THPT…dành riêng cho các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người tàn tật, khuyết tật, theo kế hoạch hằng năm của địa phương.
4 - Tổ chức dạy và thực hành kỹ thuật nghề nghiệp, các hoạt động lao động sản xuất và các hoạt động khác phục vụ học tập. 5 - Nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần phát triển hệ thống GDTX.
(Trích Quy chế tổ chức và hoạt động của TTGDTX do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 2-1-2007)
Xem thêm: Hệ giáo dục thường xuyên ở Quảng Nam yếu ớt hoạt động
Những nội dung đang được quan tâm nhiều nhất:
LUYỆN THI - TỈ LỆ CHỌI - TỈ LỆ CHỌI 2013 - TỶ LỆ CHỌI 2013
TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC - TRƯỜNG QUỐC TẾ
ĐẠI HỌC QUỐC TẾ - CAO ĐẲNG QUỐC TẾ - DU HỌC - TIẾNG ANH
Kênh Tuyển Sinh
Theo NLD