Vi dụ một chuyện vừa xảy ra sáng 2/3, nhiều bé phải dậy từ 5h đến trường rồi được chở đến điểm thi ở Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4). Hàng trăm phụ huynh cũng đến trường hồi hộp chờ con bước vào cuộc đua tranh đầu tiên trong đời. Do năm 2010, Sở Giáo dục TP HCM quy định, học sinh lớp 2 muốn vào lớp 3 tiếng Anh tăng cường phải thi chứng chỉ quốc tế Cambridge, cấp độ staters.
Tùy vào năng lực của từng trường, Sở sẽ cho phép mở 1-3 lớp tiếng Anh tăng cường. Dựa vào số lượng và trên cơ sở kết quả thi của học sinh, trường sẽ xét vào lớp này theo kết quả từ cao xuống thấp. Điều này cũng khiến nhiều học sinh lo lắng sẽ không được vào lớp chọn tiếng Anh.
Ban đầu chỉ dừng ở mức độ là “giá trị cộng thêm” của một số trường phổ thông dân lập dành học sinh, đến nay xu hướng cho con theo học luyện thi ở các trung tâm Anh ngữ để có những chứng chỉ nhiều cấp độ, từ sơ cấp đến tương đương trung cấp (Starter, KET, PET…) đang trở thành trào lưu, mặc dù đa số phụ huynh còn khá mù mờ về giá trị đích thực của những loại bằng cấp này.
Một “rừng” chứng chỉ tiếng Anh
Muốn đi du học ở các nước nói tiếng Anh hoặc theo học các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh ở nước ngoài, ngoài các chứng chỉ “phổ biến” là TOEFL, IELTS, tùy theo từng ngành học và từng bậc học, các trường ĐH tại Mỹ, Canada thường yêu cầu SV quốc tế có thêm một trong các chứng chỉ như SAT I (Scholastic Assessment Test - Reasoning Test), SAT II (Scholastic Assessment Test - Subject Test). SAT II còn cần thiết đối với những người muốn xin học bổng của trường ĐH.
Những người có nguyện vọng học thạc sĩ quản trị kinh doanh cần trang bị thêm chứng chỉ GMAT (Graduate Management Admission Test). Bài thi này bao gồm ba phần: Toán, ngôn ngữ học và viết luận. Hai loại chứng chỉ khác dành cho những ai muốn học sau ĐH (thạc sĩ hoặc tiến sĩ): GRE (Graduate Record Examination) General Test trải rộng trên nhiều lĩnh vực (trừ quản trị kinh doanh, luật và y tế) và GRE Subject Test.
Không chỉ có thế, với xu hướng “hội nhập” và số học sinh du học tự túc ở nhiều bậc học khác nhau ngày càng nhiều thì hệ thống các loại chứng chỉ tiếng Anh ở nhiều cấp độ cũng đua nhau xuất hiện. Cụ thể, ở bậc sơ cấp thì có Key English Test (KET - là kỳ thi thuộc trình độ sơ cấp (A2) theo khung trình độ chung Châu Âu), chủ yếu dành cho học sinh THCS. Trình độ “nhỉnh” hơn một chút có chứng chỉ Tiếng Anh Tổng quát Trung cấp (Preliminary English Test - PET, là kỳ thi thuộc trình độ trung cấp (B1) theo khung trình độ chung Châu Âu), chủ yếu dành cho học sinh THCS.
Tương tự, theo cấp độ trình độ chuẩn tiếng Anh tăng dần có Chứng chỉ tiếng Anh Tổng quát Trung cao (First Certificate of English - FCE là kỳ thi thuộc trình độ trung cao (B2) theo khung trình độ chung Châu Âu), chủ yếu dành cho học sinh THPT. Để được chấp nhận vào học tại trường quốc tế, người học phải đạt FCE loại A (80/100). Cao hơn nữa là Chứng chỉ tiếng Anh tổng quát Cao cấp - Certificate of Advanced English - CAE... Với chuẩn này, HS sẽ dễ dàng được chấp nhận vào học ở những trường phổ thông theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực.
Găm đầy… chứng chỉ
Hiện nay các trung tâm tiếng Anh đang rầm rộ tổ chức các lớp luyện thi và kỳ thi chứng chỉ Cambridge ở các cấp độ Starters, Movers, Flyers, KET, PET. Theo các trung tâm này thì ý nghĩa của chứng chỉ vô cùng hay ho, như: Đây là những chứng chỉ Anh ngữ quốc tế bắt buộc dành cho học sinh bậc tiểu học và THCS khi muốn chuyển tiếp sang chương trình tiếng Anh tăng cường (chuyên Anh) theo quy định của Sở GDĐT TPHCM. Hay đây là “mở rộng cơ hội để các em đạt được bằng cấp giáo dục mang tính quốc tế, chuẩn bị sẵn hành trang để tự tin bước vào đời với khả năng tiếng Anh vượt trội”... Chi phí để học luyện thi, thi và sở hữu những loại chứng chỉ này cũng không ít.
Cụ thể, ngoài chi phí luyện thi từ hơn 1 triệu đến khoảng 3 triệu đồng/khóa (tùy theo thời gian học nhanh hay chậm) thì lệ phí thi cũng tốn thêm vài trăm ngàn đồng nữa. Mức trung bình 20 USD/thí sinh thi các cấp độ Starters, Movers, Flyers... Còn với những chứng chỉ thể hiện năng lực Anh ngữ cao hơn như KET, PET thì mức lệ phí thi cũng tăng theo tỉ lệ thuận, với mức nhiều trung tâm giới thiệu là 32USD/thí sinh.
Thực tế cũng cho thấy, số học viên theo học, luyện thi để sở hữu hai chứng chỉ PET, KET ngày càng đông, đặc biệt là học sinh THCS và THPT. Theo đó, phần đông HS từ 7-12 tuổi được bố mẹ đầu tư để “lấy” các chứng chỉ ở các cấp độ Starters, Movers, Flyers… Sau đó, các em sẽ phải “gồng mình” để sở hữu tiếp những chứng chỉ cấp độ cao hơn như KET, PET… Tham gia hết lò luyện này sang bậc học khác trong 4 năm liên tục, đến nay Hoài Sa – HS lớp 6 một trường công lập hàng đầu tại TPHCM đã sở hữu được 4 chứng chỉ Anh ngữ từ cấp độ Starter đến KET và đang luyện thi ở trung tâm Anh ngữ CA để sở hữu thêm bằng PET trong kỳ thi được tổ chức vào trung tuần tháng 3 tới.
Hoài Sa cho biết: Mẹ đã vạch sẵn một lộ trình học và sở hữu những chứng chỉ Anh ngữ cho em. Theo đó, trước năm lớp 9 em phải có đủ các chứng chỉ đến cấp độ PET. Để đạt đủ số chứng chỉ như hiện nay, những năm gần đây em đều không có hè. Chỉ là học… học…. và học! Em rất mệt, nhưng sợ mẹ la và buồn nên cũng ráng. Nhiều khi em chỉ muốn “phát nổ” vì hết học chính khóa lại ôn luyện thi Anh ngữ!
Những quan niệm sai lầm trong việc học tiếng anh trẻ em
Giá trị đến đâu?
Qua trao đổi với các phụ huynh đang cho con theo học và luyện thi lấy các chứng chỉ tiếng Anh, chúng tôi ghi nhận hầu hết các phụ huynh đều có mục đích cho con học để sau này chuẩn bị đi du học hay chuyển tiếp vào các trường quốc tế. Tuy nhiên, hiểu biết về giá trị cụ thể tương thích với từng mục đích du học theo từng độ tuổi, từng quốc gia thì hầu hết phụ huynh vẫn rất... mù mờ, đa phần chỉ là qua lời giới thiệu của chính trung tâm, hoặc thấy bạn bè cho con đi học thì cũng cho con mình theo học cho “bằng bạn bằng bè”! Như lời lý giải của chị Hoàng Hoa (đang cho con gái 9 tuổi theo học và chuẩn bị lấy chứng chỉ cấp độ Starters tại một trung tâm Anh ngữ có tiếng tại Hà Nội) rất đơn giản: Trung tâm tổ chức thì mình cho con thi thôi. Mất tiền, mất thời gian cho con học, cũng muốn biết con đạt được trình độ như yêu cầu không. Thêm vài trăm nghìn lấy cái chứng chỉ cũng chẳng đáng là bao” (!).
Còn nhóm bạn ba người gồm chị Lan – Hà – Ngọc ở Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội) thì hào hứng nói về định hướng cho con học tiếng Anh từ nay đến khi tốt nghiệp THPT. Chị Lan cho biết: “Từ khi con học lớp 3 tôi đã bắt đầu cho học tiếng Anh. Đầu tiên cho con học gia sư một thầy một trò để ôn bài cho tốt. Nhưng thấy con có vẻ chán, mà mình cũng không hiểu con học được đến đâu, nên khi được giới thiệu đến trung tâm học tiếng Anh lại có cả chứng chỉ chứng nhận trình độ thì tôi cho con học theo luôn. Hiện nay con đã học đến Flyers. Chắc chắn tôi sẽ cho con học dần lên mà mục tiêu là sau này sẽ luyện thi lấy chứng chỉ IELTS”.
Đồng tình với chị Lan, chị Hà cho rằng chương trình học tiếng Anh ở trường THCS của con “chẳng biết thế nào” nên “cứ cho con ra trung tâm học thêm, lấy mấy cái bằng chứng nhận, sau này có điều kiện cho con đi học nước ngoài thì cũng đã có sẵn trình độ tiếng Anh sẽ thuận tiện hơn”. Chị Phương Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), đang cho con trai học lớp 10 luyện thi lấy chứng chỉ IELTS để hết lớp 12 nếu trượt đại học trong nước sẽ cho con đi học tại Singapore, thì suy tính: “Bố cháu bảo để sang năm lớp 11 cho con đi học luyện thi, rồi đến năm lớp 12 thi cũng được nhưng tôi hơi lo. Cho nó học sớm được chừng nào tốt chừng đó. Năm lớp 12 lại phải chuẩn bị thi đại học sợ không có thời gian ôn luyện”.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ “kỹ càng” hơn, bà Đoàn Thị Thanh Nga – chuyên gia tư vấn du học cho rằng, các phụ huynh lo lắng quan tâm đến việc học của con là điều đáng mừng. Tuy nhiên, hiểu biết như thế là chưa đủ và quan trọng hơn, đó không phải chọn lựa “đầu tư” tốt nhất. Bởi trong thực tế, du học ngay từ bậc phổ thông sẽ khác với khi bước vào bậc ĐH, CĐ... Yêu cầu về chứng chỉ Anh ngữ ở mỗi nước, mỗi cấp học cũng khác nhau. Vì vậy, cứ cho trẻ học theo đúng năng lực của mình. Sau đó, nếu có mục đích đi du học thì song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, tìm hiểu quốc gia, trường học mà sẽ hướng cho con em tham gia học, luyện thi đúng loại bằng cấp mà trường yêu cầu – bà Thanh Nga đưa ra quan điểm.
Bà Nguyễn Quỳnh Hoa - đại diện chương trình tiếng Anh DynEd, cũng cho rằng việc đua nhau cho trẻ học các chương trình tiếng Anh hiện nay là không nên, bởi không phải chương trình nào cũng thích hợp cho trẻ em. Theo bà, hiện nay, tiếng Anh là môn học chính khóa ở cấp THCS và THPT. Các trường tiểu học cũng đã đưa tiếng Anh vào dưới hình thức môn học tự chọn. Tuy nhiên, vì mới là môn tự chọn nên mỗi trường chọn chương trình khác nhau. Một chương trình ngoại ngữ dành cho HS, đặc biệt là bậc tiểu học cần phải có sự lựa chọn và có sự thẩm định từ các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục từ cấp sở đến cấp bộ. Vì vậy, Bộ GDĐT nên lựa chọn một chương trình phù hợp và đưa vào chương trình chính khóa để có thể kiểm soát được chất lượng dạy và học.
Có thể bạn muốn biết: Chương trình tiếng Anh Cambridge Stater đang chiếm thế độc quyền
Kenhtuyensinh
Tổng hợp