Trân trọng cách trả lời thẳng thắn của Bộ trưởng về nhiều vấn đề Giáo dục

Thầy Lê Đình Diệp (Trường THPT Bình Sơn, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi): Đồng tình với Bộ trưởng về giáo dục đạo đức, lối sống

Theo dõi Bộ trưởng trả lời chất vấn, tôi thấy Bộ trưởng hiểu rất sâu về giáo dục dù mới có thời gian không lâu ở trên cương bị đầu Ngành. Tôi cũng rất trân trọng cách trả lời thẳng thắn, không ngại nhận trách nhiệm khi Bộ trưởng trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội đưa ra.

Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy rất nhiều thế hệ học trò, tôi quan tâm đến nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên cũng như vấn đề bạo lực học đường hiện nay. Tôi đồng ý với Bộ trưởng khi nhận định đây là vấn đề hết sức cấp bách và nhấn mạnh việc đạo đức, lối sống không chỉ giáo điều dạy trong nhà trường.

Ở Trường THPT Bình Sơn tháng nào cũng dành một buổi chiều với thời gian 4 tiết học để tổ chức sinh hoạt ngoại khóa giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Và đúng như Bộ trưởng nói, không chỉ trong nhà trường, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể mới có thể thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống một cách hiệu quả.

Thầy Nguyễn Văn Định – Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp): Mạnh dạn nhận trách nhiệm, phẩm chất cần thiết của người đứng đầu Ngành

Ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời trực tiếp tại hội trường với 49 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu có tranh luận lại. Đồng thời Bộ trưởng sẽ có văn bản nội dung trả lời gửi tới các đại biểu Quốc hội. Điều đó khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội và nhân dân đối với giáo dục nước nhà. Nội dung các câu hỏi chất vấn đã bao trùm gần hết các phần công việc mà ngành GD&ĐT đã, đang và sẽ thực hiện trong sự đồng hành của nhân dân.

Qua nội dung trả lời chất vấn, tôi thấy rằng dù mới nhận nhiệm vụ trong thời gian không lâu nhưng Bộ trưởng đã nắm bắt đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực liên quan của Ngành để báo cáo trước Quốc hội và nhân dân. Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, ai cũng quan tâm và luôn có ý kiến với giáo dục.

Làm nhiều, có thiếu sót là điều khó tránh khỏi. Bộ trưởng đã mạnh dạn nhận phần trách nhiệm của người đứng đầu về một số thiếu sót, hạn chế của Ngành trong thời gian qua; đồng thời đưa ra các giải pháp và lộ trình khắc phục. Đó là một trong những những phẩm chất hết sức cần thiết của người đứng đầu Ngành, cũng là điều mà nhân dân luôn chờ đợi.

Theo Bộ trưởng, lộ trình đổi mới thi cử là phù hợp với xu thế quốc tế và hướng đến sự đánh giá khách quan và công bằng. Các điều chỉnh từng bước là hướng dần đến sự gọn nhẹ, tiết kiệm nhưng phải hiệu quả. Người dân cũng mong muốn ngành Giáo dục từng bước chuyển hóa mạnh suy nghĩ của nhiều học sinh và nhân dân từ “học để thi” sang “học để biết”. Khi đã xác định được động cơ “học để biết” thì dù thi với bất cứ hình thức nào cũng không còn là vấn đề.

Bộ trưởng cũng nhận định việc học thêm tràn lan, phát sinh tiêu cực một phần có thể do chương trình. Vì vậy cần rà soát thêm phần nào chưa phù hợp để có sự điều chỉnh hợp lý. Nếu làm đúng qui định việc học thêm, dạy thêm sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Học thêm là nhu cầu chính đáng, dạy thêm đúng qui định cũng là việc nên làm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều tiêu cực trong việc dạy thêm tạo dư luận không tốt cho cả ngành Giáo dục nói chung. Vì thế, nếu như nhà trường đã dạy đủ kiến thức, nội dung không quá nhiều, áp lực thi cử không quá nặng nề thì việc dạy thêm, học thêm sẽ trở về đúng quỹ đạo.

Một nội dung khác là bạo lực học đường - hiện đang là vấn đề mà xã hội quan tâm lo lắng. Bộ trưởng đã đưa ra các giải pháp xử lý từ bản chất cũng tạo được sự đồng tình cao.

Ông Thái Quốc Khánh – Hiệu trưởng trường THPT Lê Thế Hiếu (H. Cam Lộ, Quảng Trị): Bộ trưởng trả lời khiến xã hội yên tâm hơn về lộ trình và phương án thi THPT quốc gia.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gần như bao quát hết tất cả những vấn đề nóng, đang được dư luận quan tâm của ngành GD&ĐT, từ dạy thêm học thêm, thi cử, tuyển sinh ĐH 2017, đề án ngoại ngữ…

Bộ trưởng đã giải đáp rõ ràng, không né tránh, có sự bao quát cả những vấn đề vĩ mô cũng như phân tích chi tiết các vấn đề vi mô như phương án kỹ thuật tổ chức thi trắc nghiệm và có phương án giải quyết cụ thể. Nếu theo dõi kỹ nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nhạ, những ai quan tâm đến giáo dục hay còn có những thắc mắc về phương án thi và tính ổn định của kỳ thi THPT quốc gia sẽ thấy yên tâm và tin tưởng hơn.

Nói thật là làm gì cũng phải có chút áp lực thì mới làm tốt được. Trước đây, thường đến tháng 3 thì Bộ GD&ĐT mới bắt đầu công bố môn thi. Năm nay, ngay từ đầu năm học, Bộ đã công bố môn thi, hình thức thi để HS, GV và phụ huynh có sự chuẩn bị sớm, kèm theo đó là đề thi minh họa để tham khảo. Lộ trình đổi mới thi THPT quốc gia cũng đã được Bộ GD&ĐT công bố.

Thầy giáo Đỗ Minh Lợi - giáo viên Trường THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp, TPHCM): Hài lòng với nội dung trả lời của Bộ trưởng

Là giáo viên phổ thông, tôi cũng đồng tình những chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với nhiều vấn đề được các đại biểu đặt câu hỏi trong phiên chất vấn sáng 16/11. Tôi quan tâm đến vấn đề đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia, đó là đổi mới hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm môn Sử, Địa và đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi.

Tôi rất hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng rằng, không có phương án thi nào tuyệt đối nhưng ở thời điểm này thi trắc nghiệm là phương án thi tối ưu nhất được các chuyên gia nghiên cứu kỹ và nó đảm bảo tính khách quan nhất, có thể kiểm tra được kiến thức bao quát chương trình và nhiều nước phát triển đã áp dụng từ lâu. Có thể nói rằng khi làm bài, các em không thể đánh lụy và các câu hỏi theo kiểu đánh đố mà trong đó có nhiều câu hỏi đòi hỏi các em phải vận dụng cao, tổng hợp kiến thức, nắm rõ vấn đề mới làm tốt. Ngoài ra, thi trắc nghiệm với mỗi em một mã đề sẽ không có chuyện tiêu cực, gian lận trong thi cử được.

Về hình thức thi môn tiếng Anh, tôi nghĩ như thế này, khi dạy môn tiếng Anh, bản thân giáo viên học sinh đều hướng tới 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, nhưng là một kỳ thi chung cho HS cả nước, kiểm tra kiến thức phổ thông chung, chúng ta cần tính đến phương án có thể đánh giá tổng thể, vừa tiết kiệm thì trắc nghiệm là tối ưu nhất. Nếu thi thêm kỹ năng đọc-nói như lúc dạy-học khi đó chúng ta tiến xa thêm một bậc, đòi hỏi về con người, kinh phí để tổ chức thực hiện. Vấn đề này ở bậc ĐH làm tốt hơn vì lượng SV của mỗi trường không nhiều.

Việc Bộ công bố phương án thi từ đầu năm học và có đề thi minh họa, nội dung nằm trong chương trình lớp 12 cũng là một thuận lợi cho giáo viên, cho nhà trường và các em học sinh có sự chuẩn bị kĩ.

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tran-trong-cach-tra-loi-thang-than-cua-bo-truong-ve-nhieu-van-de-giao-duc-2572280-v.html