Trở thành thạc sĩ ngành Ngôn ngữ tại Úc, ít ai biết được rằng Kiên từng trải qua cú sốc du học. Sau đây là chia sẻ về hành trình đến với tấm bằng thạc sĩ Ngôn ngữ.
Trần Kiên chia sẻ hành trình từ cú sốc ngôn ngữ đến chinh phục thạc sĩ ngành Ngôn Ngữ tại Úc
Phạm Trần Kiên, 28 tuổi, tốt nghiệp ngành Giáo dục, Đại học Wisconsin-Superior ở Mỹ và thạc sĩ ngành Giảng dạy Ngôn ngữ tại Đại học Canberra, Australia. Về nước tháng 6 năm ngoái, Kiên hiện luyện thi IELTS, dạy tiếng Anh ở Hà Nội và giúp định hướng, chuẩn bị tư duy cùng kỹ năng học tập cho các bạn mong muốn du học. Trước khi giành học bổng chuyên sâu về giảng dạy, Kiên từng ghét tiếng Anh và trải qua hai cú sốc thời du học.
Những năm đầu cấp hai ở Việt Nam, Kiên chưa từng được quá sáu điểm môn tiếng Anh. Vì muốn xem phim Mỹ không cần phụ đề, cậu lao vào học ngoại ngữ, thi đạt 6.5 IELTS và du học trường Trung học Morrisville-Eaton, New York, năm 2010.
"Tôi đã rất tự tin với tiếng Anh, nghĩ rằng sang đến nơi sẽ hòa mình vào đó, nói chuyện vui cười cùng người bản xứ. Nhưng hiện thực hoàn toàn khác. Tôi bắt đầu chuỗi ngày tồi tệ của mình tại Mỹ", Kiên nhớ lại.
Ngay khi đến Mỹ, việc đầu tiên Kiên làm là xin wifi của chủ nhà để nói chuyện với người thân và bạn bè ở Việt Nam. Về sau, cậu nhận ra, điều này dẫn đến một sai lầm lớn.
Theo Robert Kohls, tiến sĩ Đại học New York, chuyên gia về giáo dục và văn hóa, có bốn giai đoạn của sốc văn hóa, theo thứ tự là "trăng mật", "chối bỏ", "thay đổi" và "thích nghi". Kiên gần như bỏ lỡ "trăng mật", giai đoạn đáng lẽ cậu phải tận hưởng những điều mới lạ của nước Mỹ, để hàng ngày ngồi mong nhớ về Việt Nam. Hết giờ học ở trường, cậu bỏ qua những cuộc trò chuyện với các bạn người Mỹ, chạy về với cái máy tính.
Không lâu sau, Kiên nhận ra bạn bè và người mình thích không còn muốn nói chuyện nữa. Cậu cảm thấy lạc lõng ở đất nước xa lạ nhưng không dám nói với gia đình vì sợ bố mẹ lo. Khó khăn lớn nhất với Kiên khi đó là ngôn ngữ.
Các trường trung học Mỹ học từ 8h và Kiên được xe buýt đến đón. Hàng ngày, cậu dậy từ 6h, ngồi trên xe khoảng hơn một tiếng mới đến được trường. Nhiều hôm, Kiên ngồi trên xe, vừa học vừa khóc.
Suốt nửa năm đầu, ngày nào Kiên cũng muốn về Việt Nam. Kiên thừa nhận, ở nhà là "công tử bột", được cưng chiều nhưng lúc sang Mỹ, cuộc sống thay đổi hoàn toàn khiến cậu khủng hoảng.
Ở Mỹ, các gia đình thường tụ tập trong bếp trước bữa tối, vừa chia sẻ về một ngày đã qua, vừa giúp người nấu ăn chính trong nhà cảm thấy bớt cô đơn khi phải nấu nướng một mình.
Nhưng mỗi buổi chiều về, Kiên lẳng lặng cầm bóng rổ ra sân gần nhà chơi một mình suốt hai tiếng. Kiên làm thế không phải vì yêu bóng rổ, mà vì muốn tránh thời điểm tụ tập.
Một chiều nọ, khi Kiên đang chuẩn bị cầm bóng đi trốn như mọi ngày, ông Charles Cronin, sau này là bố nuôi của Kiên, gọi lại nói chuyện. Ông hỏi lý do cậu né tránh. Ông Cronin sau đó gợi ý một vài bước để cải thiện sự tự tin, khuyên Kiên bỏ bóng xuống, nói chuyện với người khác.
"Tôi đã hơi thất vọng. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ không hợp, vì tôi là người năng động. Kiên trông cũng thiếu tự tin, có lẽ do tự ti về tiếng Anh", ông Cronin nhớ lại ấn tượng ban đầu với cậu học sinh gầy còm.
Sau buổi nói chuyện với bố nuôi, Kiên nhận ra đã bỏ lỡ những điều luôn mong muốn trước khi sang Mỹ: Cải thiện khả năng ngôn ngữ từ việc học hỏi về văn hóa và phong tục tập quán. Chàng du học sinh bắt đầu tập trung hơn trong việc học, đăng ký tham gia Toastmasters New York, một dạng câu lạc bộ nói tiếng Anh phổ biến tại Mỹ.
Kiên dần bắt kịp với nhịp điệu nói của người Mỹ và hạnh phúc khi trong một buổi tranh luận ở câu lạc bộ, cậu bảo vệ được quan điểm trước một bạn người Mỹ, được các bạn khác vỗ tay.
"Tôi mê mẩn với ngôn ngữ, trong túi luôn có một cuốn sổ nhỏ. Bắt được bất cứ từ nào không biết, tôi đều ghi lại rồi lấy ra thực hành, ghép vào câu khi nói", Kiên cho biết.
Chàng trai Hà Nội quên dần thói quen về nhà là ôm laptop mà vào bếp nói chuyện với mẹ nuôi người Mỹ để học cách dùng từ ngữ một cách tự nhiên, dành thời gian sửa chữa ôtô với bố nuôi để học từ vựng nâng cao. Hàng ngày, cậu đạp xe đi dạo với hàng xóm để được dạy thêm cách nói chuyện của giới trẻ. Từ đó, tiếng Anh của Kiên được cải thiện nhanh hơn mong đợi, qua việc... không ngại nói sai.
Ở Việt Nam, Kiên không quá xuất sắc với các môn tự nhiên, nhưng từ khi sang đây, cậu luôn trong nhóm học giỏi những môn này nhất trường. Cậu thường làm trước các bài trong sách, rồi đến giờ học, luôn giơ tay xin trả lời đầu tiên.
Trong khi Kiên cắm cúi làm trước bài tập Toán ở nhà, các bạn của cậu, ngoài việc vẫn làm bài tập đầy đủ, còn theo đuổi đam mê và hoạt động có ích khác cho xã hội. Người là trưởng nhóm dự Cuộc thi Hùng biện cấp quốc gia, người đang viết và biên soạn một vở kịch, người lại là đội trưởng đội bóng rổ của trường.
Nhưng khi ấy, Kiên chỉ nghĩ họ đang làm những điều thừa thãi, các môn học mới quan trọng. Kiên bỏ qua các buổi hướng nghiệp mà nhà trường tổ chức hay những buổi gặp gỡ đại diện các công ty, tập đoàn trong khu vực, chỉ để ở nhà... làm trước bài tập Toán. Phải đến khi học đại học, Kiên mới hiểu ra.
Tốt nghiệp trung học loại giỏi với GPA 3.6/4.0, Kiên giành học bổng vào Đại học Wisconsin-Superior, học ngành kinh doanh. Hai năm đầu nhà trường cho sinh viên thoải mái chọn môn học, để khám phá bản thân thật sự muốn theo đuổi điều gì. Đa số bạn cùng cấp ba lên đại học với Kiên, nhờ khoảng thời gian tự khám phá trước đó, giờ đã biết rõ họ vào đại học để làm gì.
"Còn tôi hoang mang thật sự. Tôi không biết điều gì phù hợp với mình", Kiên tâm sự.
Điểm Toán cao nhưng cậu không thực sự thích các con số, cũng không biết nên chọn học môn gì. Kiên sau đó tham gia các câu lạc bộ tranh biện, gia sư cho các bạn học kém và nhận ra thiên hướng với việc giảng dạy. Cậu chuyển từ ngành kinh doanh sang giáo dục.
Kiên từng có thời gian dạy tiếng Anh ở nhiều trung tâm tại Hà Nội sau khi tốt nghiệp. Năm 2018, cậu sang Australia học thạc sĩ vì muốn học chuyên sâu về giảng dạy.
"Tôi muốn theo nghiệp dạy học, có cơ sở đào tạo riêng để giúp học sinh có kỹ năng học tập và định hướng cụ thể, tránh những cú sốc như mình trước đây", thạc sĩ giảng dạy ngôn ngữ chia sẻ.
Dù cách xa, gia đình ông Cronin vẫn luôn dõi theo cậu con nuôi người Việt Nam.
"Kiên đã có những nỗ lực đáng kinh ngạc để hoà nhập. Chúng tôi sau đó đã hiểu nhau hơn và có thời gian tuyệt vời bên nhau", ông Cronin nói, cho biết không bất ngờ trước thành tựu Kiên đạt được vì tin cậu đủ tài năng và kinh nghiệm để vượt qua trở ngại.
> Chàng trai 26 tuổi chia sẻ kinh nghiệm giành được học bổng MBA trường top
> Mách bạn 5 lý do nên lựa chọn du học tại những nước Bắc Âu
Theo VnExpress