Trong quá trình dạy học trực tiếp, nhiều trường học tại TP.HCM xuất hiện nhiều ca nhiễm là học sinh, giáo viên. Các trường học đã và đang tiến hành thay đổi phương án chống dịch.
Từ ngày 14/2 đến 21/2, số ca trẻ em mắc Covid-19 tại TP.HCM tăng cao, gấp 3 lần so với trước. Trong bối cảnh này, các trường từ bậc tiểu học, THCS cho đến THPT đều dồn lực phòng chống dịch để đảm bảo quá trình học tập, sinh hoạt của học sinh diễn ra tốt nhất.
Việc xử lý tình huống khi có học sinh hay giáo viên là F0 cũng được các trường lưu tâm. Một số đơn vị có giáo viên mắc Covid-19 đang phải xoay xở trong điều kiện thiếu nhân lực.
1. Khi học sinh tiểu học nhiễm COVID-19
Là đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19, trẻ tiểu học đang chiếm số lượng lớn trong số các ca F0 ở trường. Hàng loạt trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã triển khai mạnh hơn biện pháp phòng dịch, cũng như xử lý nhanh khi có ca nhiễm.
Tại trường Tiểu học Mê Linh (quận 3), ngoài việc sát khuẩn trước khi vào lớp học, nhà trường lắp một loạt cây đo thân nhiệt và sát khuẩn khắp sân trường để các em khử khuẩn và đo thân nhiệt bất cứ lúc nào.
Quy trình đo thân nhiệt và sát khuẩn tại trường cũng được giáo viên lưu tâm. Học sinh có thân nhiệt cao hơn mức bình thường sẽ được ngồi tại điểm đo thân nhiệt 5-10 phút để tiến hành đo lại.
Theo cô Phạm Thị Minh Châu, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Mê Linh, học sinh nào có triệu chứng ho, sốt, sẽ được thầy cô liên hệ với phụ huynh và tiến hành test nhanh. Nếu dương tính, học sinh sẽ được bố mẹ đón về. Các em được xác định là F1 sẽ hoàn thành tiết học và ra về sau đó, đồng thời cách ly tại nhà.
"Giáo viên đều được tập huấn khá kỹ trong việc phòng, chống dịch. Trẻ tiểu học là đối tượng chưa được tiêm chủng, việc các em học tập, sinh hoạt khó tránh được tình huống tiếp xúc nhiều với bạn bè. Tất cả ban giám hiệu, giáo viên phải cẩn thận nhất có thể", cô Châu nói.
Tại trường Tiểu học Tuệ Đức (TP.HCM), công tác phòng, chống dịch có nhiều thay đổi khi số lượng F0 hiện có là 30 em. Cụ thể, khu vực ăn uống và nghỉ ngơi sẽ được tăng cường giãn cách. Mỗi học sinh ngủ ở một khu vực riêng khác nhau.
“Chúng tôi gặp khó khăn về nguồn lực vì một số giáo viên cũng là F0. Những thành viên còn lại trong trường từ ban giám hiệu, giáo viên đến công nhân viên đều tham gia chống dịch trong thời gian này, chạy hết tốc lực mởi đảm bảo tăng cường giãn cách cho học sinh", bà Anh Thư, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói.
TP.HCM ghi nhận nhiều ca nhiễm trong các cơ sở giáo dục khi dạy học trực tiếp (Ảnh: ZING News)
2. Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch
Trao đối với Zing, ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết hiện tại, trường ghi nhận 20 học sinh mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà. Những trường hợp này đều có biểu hiện nhẹ, các em vẫn tham gia học trực tuyến.
Trong bối cảnh nhà trường gia tăng số lượng học sinh F0, THPT Thanh Đa đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch hơn trước. Dựa trên văn bản ngày 22/2 của Bộ Y tế gửi Bộ GD&ĐT, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp, nhà trường thay đổi quy trình xác định F1, không thực hiện theo nguyên tắc cũ “lớp có một học sinh F0, cả lớp là F1”.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng THPT Thanh Đa cũng thông tin nhà trường đã đôn đốc giáo viên, cán bộ quản lý luân phiên kiểm soát ở cổng trường. Buổi sáng, trước cổng trường sẽ có 4 thầy cô đo thân nhiệt, khử khuẩn và kiểm tra việc khai báo y tế của học sinh.
Về công tác phòng, chống dịch, trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tăng cường giãn cách ở lớp học, đặc biệt ở khu vực ăn uống và ngủ nghỉ của học sinh bán trú.
Trước đây, học sinh bán trú sẽ cùng ăn vào một thời gian nhất định. Hiện tại, nhà trường quy định chia các khung giờ và khu vực ăn khác nhau cho từng khối. Theo đó, học sinh khối 6, 7, 8 sẽ ăn trước, sau đó mới tới khối 9. Một số lớp học sẽ được ra chơi tại chỗ, đồng thời có xe của nhà ăn phục vụ riêng tại lớp, không ăn uống tập trung.
Số lượng học sinh đông nên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc giãn cách ở khu vực ngủ trưa khi ở bán trú. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nhà trường quy định sau khi ăn uống, học sinh lên phòng nghỉ ngơi và ngủ, thay vì có thời gian vui chơi tự do như trước.
Bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay nếu lớp học có từ 5 ca F0 trở lên sẽ chuyển sang hình thức dạy online. Học sinh F0 được miễn học online các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Theo bà Trâm, đây là những môn học khó tổ chức online, học sinh được miễn để những em F0 có thời gian nghỉ ngơi thêm.
> TP.HCM: Xuất hiện F0 trong lớp học, học sinh không phải F1 vẫn học trực tiếp
> TP.HCM vẫn tổ chức dạy và học trực tiếp
Theo ZING News