TP.HCM đã có thông báo cho phép các trường học ở địa bàn cấp độ dịch Covid-19 1, 2, 3 được mở cửa. Theo đó, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết thời gian đi học trở lại là vào đầu tháng 12.

hoạt động giảng dạy

Học sinh xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) đang học trực tiếp

Trong cuộc tiếp xúc cử tri trực tuyến ngày 16/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sở giáo dục và các ngành liên quan sẽ hoàn thiện kế hoạch dạy học trực tiếp trong thời tuần này và gợi ý vùng xanh ở huyện Hóc Môn, Củ Chi có thể cho học sinh tới trường sớm hơn những địa phương khác.

Người dân mong thành phố sớm đưa học sinh trở lại trường do học trực tuyến bộc lộ nhiều bất cập. Học sinh tiểu học khó tập trung học online, hiệu quả không cao, chưa kể những nguy hiểm tiềm tàng trên môi trường Internet với những học sinh bậc THCS, THPT.

Trường học thuộc địa bàn cấp độ dịch 1, 2, 3 trên toàn thành phố được mở cửa 

Về kế hoạch cho học sinh trở lại trường, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết thành phố đã ban hành quyết định 3900 vào ngày 16/11 cho phép mở thêm các hoạt động xã hội, ngành nghề kinh doanh theo 4 cấp độ dịch, trong đó có giáo dục.

Theo đó, ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1, 2, các trường được tổ chức dạy học trực tiếp nhưng phải đảm bảo hoạt động phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT. Địa bàn dịch cấp độ 2 phải có điều kiện thời gian, số lượng học sinh, ngừng một số hoạt động theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, kết hợp dạy học trực tiếp và cả trực tuyến. Địa bàn cấp độ 3 được phép dạy học trực tiếp nhưng hạn chế với những điều kiện tương tự như trên. Địa bàn cấp độ 4 không được cho học sinh đến trường.

"Thành phố đã có quyết định cho trẻ em đến trường thì các địa phương và ngành giáo dục phải thực hiện, không còn gì chần chừ nữa. Vấn đề chỉ là sớm có hướng dẫn cụ thể để các trường căn cứ thực hiện. Không chỉ vùng xanh của Hóc Môn, Củ Chi mà tất cả vùng an toàn của thành phố đều như thế", ông Dũng nói.

Phó giám đốc sở cho hay cấp độ dịch của mỗi địa bàn sẽ được thành phố, địa phương đánh giá hàng tuần. Ngành giáo dục có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan, nhất là y tế, xây dựng hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện quyết định 3900 trong lĩnh vực giáo dục.

"Vùng dịch cấp độ 1 được hoạt động như thế nào, khối nào đến trường trước, khối nào đến trường sau; cấp độ 2 được hoạt động nhưng phải có điều kiện, điều kiện đó là gì; cấp độ 3 hoạt động hạn chế vậy cần hạn chế cái gì; nếu như có F0 trong trường xử lý ra sao; sở cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất cho các trường làm căn cứ", ông Dũng giải thích.

Ông Dũng nói thêm hướng dẫn sẽ cơ bản dựa trên quy định của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và bộ tiêu chí an toàn trường học mà TP.HCM đã ban hành. Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể để các trường học có căn cứ chuẩn bị cho việc đón học sinh. Sở sẽ trình kế hoạch sớm nhất có thể.

Học sinh quay lại trường vào ngày 10/12 là hợp lý

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho rằng việc mở lại hoạt động giáo dục theo quyết định 3900 về cơ bản trùng hợp với những đề xuất trước đó của sở.

Trước đó, sở đề xuất ngày 10/12 có thể cho học sinh vùng dịch cấp độ 1, 2, 3 đến trường trực tiếp với một số điều kiện tùy từng địa bàn. Ông Dũng cho rằng mốc thời gian này hợp lý vì từ nay đến ngày 10/12 là đủ thời gian để đánh giá việc tổ chức dạy học trực tiếp thí điểm ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ). Cơ sở vật chất, vệ sinh trường học ở những trường được trưng dụng đã được tu sửa xong. Học sinh 12-17 tuổi đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

"Hiện nay, Sở Y tế TP.HCM đã dự kiến ngày 22/11 sẽ bắt đầu tiêm vaccine mũi 2 cho học sinh 12-17 tuổi. Như vậy đến ngày 10/12, học sinh đã có miễn dịch, an tâm để đến trường. Khi hướng dẫn mở cửa trường được thành phố được thông qua, cùng tiến độ tiêm vaccine, việc đón học sinh trở lại trường nhiều khả năng đúng như dự kiến ngày 10/12", ông Dương Trí Dũng nói.

Ông Dũng cho biết tinh thần mở cửa trường phải thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới. Để đón học sinh tới lớp, các trường xây dựng phương án phòng chống dịch rất cụ thể, lường trước tất cả trường hợp, tương ứng với đặc điểm của đơn vị mình. Trường ở khu dân cư đông đúc khác với cơ sở ngoại thành, trường cao tầng khác với trường thấp tầng, nơi đông, thưa học sinh khác nhau.

Ông cũng nhắc lại việc xử lý khi có F0 trong trường học và coi đây là một tình huống mà tất cả các trường phải lường trước. Các trường không được để xảy ra tình trạng lúng túng, không biết báo ai rồi cho học sinh nghỉ hàng loạt. Do đó, một trong những chi tiết quan trọng trong các hướng dẫn, phương án mở cửa trường là cách xử lý khi có F0 phải báo ai, phối hợp với cơ quan nào, khoanh vùng, truy vết ra sao, em nào phải nghỉ học, em nào vẫn đến trường.

Tình huống trường hợp có nhiều F0 thì ngành y tế sẽ đánh giá yếu tố, nguy cơ lây lan trong trường như thế nào để quyết định phong tỏa cả trường hay không. Nhưng nguyên tắc là sẵn sàng, chủ động, thích ứng linh hoạt.

"Mở cửa phải an toàn, ổn định thì phụ huynh mới yên tâm, không thể cứ mở ra một vài tuần rồi đóng lại. Khi triển khai dạy học trực tiếp, với đầy đủ các phương án chuẩn bị, hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất cho các vấn đề phát sinh", ông Dũng cho biết.

TP.Thái Bình: Tạm dừng dạy học trực tiếp vì nhiều ca nhiễm Covid-19

TP.HCM: Mở cửa trường là vấn đề lớn, khó và quan trọng

Theo Zingnews