Quản lý thời gian hiệu quả là một trong những hành trang không thể thiếu để con trẻ có thể vững vàng phát triển trong tương lai. Vậy thì làm sao để dạy con quản lý thời gian hiệu quả?
1. Tạo cảm giác vui vẻ
Người lớn có cách liên kết và quản lý thời gian của bản thân, nhưng đôi khi các mốc chồng chéo lên nhau sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Trẻ cũng sẽ cảm thấy như vậy khi bắt đầu học cách quản lý. Vì vậy, bạn hãy giúp việc này trở nên vui vẻ.
Bạn có thể chuẩn bị cho bé một cuốn sổ hoặc cuốn lịch, hướng dẫn bé dùng bút màu, nhãn dán để trang trí, đánh dấu những ngày đặc biệt. Hoặc tạo ra các trò chơi thi xem ai sử dụng thời gian được giao để hoàn thành nhiều việc nhà nhất mà vẫn đảm bảo sạch sẽ.
TOP 10 cách giáo dục con quản lý thời gian hiệu quả
2. Hướng dẫn con cách đo thời gian
Ngay cả những đứa trẻ biết xem giờ cũng chưa chắc biết cách đo thời gian. Hãy giúp con bạn bằng cách đặt hẹn giờ trong khi chúng phải hoàn thành nhiệm vụ. Giữ đồng hồ ở gần, đặt đếm ngược để trẻ cảm nhận sự thay đổi của thời gian.
Hướng dẫn con cách đo không có nghĩa là để con sống theo đồng hồ. Mục tiêu của phương pháp chỉ đơn giản là giúp trẻ hiểu một giờ, 15 phút hoặc thậm chí 5 phút là thế nào. Lần tới khi bạn nói "Chúng ta sẽ rời đi sau năm phút nữa", trẻ sẽ biết rằng chúng không còn thời gian để chơi đồ chơi, xem TV hay dọn phòng.
3. Tạo lịch gia đình cùng nhau
Lịch gia đình sẽ giúp các thành viên nắm bắt được lịch chung của cả nhà và lịch riêng của mỗi người, giúp trẻ hiểu cách thành viên khác quản lý giờ giấc để tham gia vào sinh hoạt chung của gia đình đúng tiến độ. Từ đó trẻ sẽ rút ra kinh nghiệm kiểm soát thời gian cho riêng mình.
4. Sử dụng đồng hồ đeo tay để trẻ biết quý trọng thời gian
Thời gian là một tài sản quý giá đối với mỗi người, mỗi người sẽ có cách sử dụng tài sản này khác nhau, nếu không biết cách sử dụng hợp lí thời gian sẽ trôi đi một cách lãng phí. Vì vậy, dạy trẻ tiết kiệm thời gian là một công việc hữu ích mà các phụ huynh có thể làm cho con cái của mình. Cha mẹ hãy tận dụng thời gian của mình để bồi dưỡng cho trẻ ý thức thời gian bằng việc mua cho trẻ một chiếc đồng hồ đeo tay, nó sẽ giúp trẻ kiểm soát thời gian của mình đồng thời giúp trẻ biết quý trọng thời gian hơn.
5. Đừng ép buộc trẻ
Một trong những sai lầm phổ biến của phụ huynh khi hướng dẫn trẻ quản lý thời gian là đảm bảo trẻ tham gia vào mọi hoạt động được lên lịch. Phụ huynh chỉ nên quan sát và nhắc nhở trẻ tuân theo lịch trình mà không ép buộc chúng nhất định phải thực hiện các hoạt động đã lên lịch.
6. Lên lịch thời gian rảnh
Tạo lịch trình và gắn bó với nó là quan trọng nhưng phụ huynh cũng nên dành cho trẻ những khoảng rảnh. Những khoảnh khắc không làm gì là cơ hội tuyệt vời để học cách quản lý thời gian. Nó giúp trẻ hiểu rằng việc đó không chỉ để hoàn thành công việc đúng thời hạn mà quan trọng hơn chúng có nhiều giờ để chơi.
7. Mang theo một quyển sổ nhỏ
Trẻ thường hay có những ý tưởng bộc phát, vì thế phụ huynh nên chuẩn bị cho trẻ một cuốn sổ nhỏ để khi đi tới đâu trẻ cũng có thể ghi lại được những suy nghĩ, ý tưởng của mình. Đó cũng là một cuốn sổ nhắc việc của trẻ, trẻ sẽ không bao giờ bỏ sót hay quên công việc của mình phải làm trong ngày, trong tuần.
8. Sử dụng giấy ghi nhớ
Giấy ghi nhớ là những mẫu giấy nhỏ có thể dán lên bất cứ đâu để nhắc trẻ làm việc gì đó. Phụ huynh có thể khuyến khích trẻ tự sáng tạo nên những mẫu giấy, bảng ghi nhớ cho riêng mình. Giấy ghi nhớ không chỉ làm nhiệm vụ nhắc việc mà còn giúp trẻ đánh dấu những việc quan trọng cần phải làm.
9. Thưởng cho trẻ
Bạn hãy thưởng cho trẻ khi chúng quản lý tốt thời gian. Đây là động lực để chúng tiếp tục duy trì công việc này. Những món quà có thể trao theo tuần hoặc tháng, đảm bảo có sự bàn bạc của cả gia đình.
10. Hướng dẫn trẻ thiết lập những ưu tiên hàng ngày
Hầu hết trẻ em không nhìn xa được đâu là công việc nên ưu tiên để giúp ích cho tương lai. Chúng chỉ dành thời gian ưu tiên cho những công việc nằm trên thang hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng giờ.
Phụ huynh nên dạy trẻ quản lý theo nguyên tắc: đầu tiên, tiếp theo và cuối cùng. Các bé nhỏ tuổi có thể không biết công việc ưu tiên là gì nhưng phụ huynh có thể từ từ giảng giải, làm mẫu, bắt đầu nhỏ với các ưu tiên hàng ngày trước khi chuyển sang các ưu tiên hàng tuần và hàng tháng.
Thực hiện ưu tiên hàng ngày sẽ giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ quan trọng hàng ngày, hàng tuần trong khi cũng thiết lập lộ trình để đạt mục tiêu dài hạn.
> Phương pháp dạy trẻ tự bảo vệ bản thân trong các tình huống nguy hiểm
> TOP 4 cách dạy trẻ làm chủ cảm xúc mà cha mẹ nên biết
Theo Kênh tuyển sinh tổng hợp