Nữ sinh 17 tuổi bất ngờ giành học bổng nghìn đô từ ông chủ Facebook
Một nữ sinh 17 tuổi ở Singapore đã bất ngờ nhận được học bổng 250.000 USD từ cuộc thi được đồng sáng lập bởi ông chủ Facebook Mark Zuckerberg qua video diễn giải hiện tượng kháng sinh.
Vừa qua, The Straits Times đưa tin nữ sinh Deanna đến từ Viện Raffles (RI) là một trong hai thí sinh chiến thắng cuộc thi Breakthrough Junior Challenge. Đây là cuộc thi video khoa học toàn cầu, thu hút hơn 6.000 bài dự thi từ 146 quốc gia.
Deanna See - người giành học bổng 250.000 USD của nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg.
Với cuộc thi này, thí sinh phải giải thích lý thuyết hay khái niệm khó nào đó trong môn Toán, Khoa học đời sống hay Vật lý bằng video. Video dự thi của Deanna dài 5 phút với tên gọi "Siêu khuẩn! Và cuộc chiến của chúng ta chống lại thuốc kháng sinh". Đáng chú ý, trong video này Deanna đã làm rõ hiện tượng kháng sinh một cách hấp dẫn, sinh động bằng các đạo cụ giống như những nhân vật Lego.
Ngoài Deanna, người còn lại giành giải thưởng này là Antonella Masini, sinh viên 18 tuổi đến từ Peru.
Giải thưởng có tổng giá trị 400.000USD bao gồm một học bổng 250.000USD cho người chiến thắng, 50.000USD cho giáo viên hướng dẫn và 100.000USD cho phòng thí nghiệm khoa học.
Giải thưởng Breakthrough Junior Challenge được tài trợ bởi vợ chồng Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, vợ chồng nhà vật lý người Nga Yuri Milner và người đồng sáng lập Google Sergey Brin.
Trường ĐH An Giang sẽ là thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM
Theo trang tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển Trường ĐH An Giang là trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trường ĐH An Giang được thành lập từ cuối tháng 12.1999, tiền thân Trường CĐ Sư phạm An Giang, là trường ĐH công lập chịu sự quản lý chuyên môn của Bộ GD-ĐT, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh An Giang.
Vào tháng 8.2015, trước tình trạng UBND tỉnh An Giang không đủ ngân sách để duy trì hoạt động, có thông tin một công ty đề nghị mua lại hoặc nếu trường cổ phần hóa thì sẽ tham gia với tư cách là cổ đông lớn nhất. Lúc bấy giờ, nhiều ý kiến phản đối và đề nghị nên giao Trường ĐH An Giang về lại Bộ GD-ĐT.
Không có sinh viên, trường vẫn \'nhận\' gần 2 tỉ đồng tiền kinh phí đào tạo
Ngày 7.12, Thanh tra tỉnh Nghệ An cho biết đơn vị này vừa phát hiện Trường ĐH Kinh tế Nghệ An sai phạm trong việc kê khai số lượng sinh viên để quyết toán kinh phí ngân sách cấp.
Cụ thể, trong hai năm 2014 và 2015, ngành lâm nghiệp và ngành khoa học cây trồng không có sinh viên nào nhưng nhà trường vẫn quyết toán kinh phí đào tạo 164 sinh viên bậc ĐH và 16 sinh viên bậc CĐ, gây thất thoát cho ngân sách hơn 1,9 tỉ đồng.
Theo đó, Thanh tra tỉnh Nghệ An yêu cầu Trường ĐH Kinh tế Nghệ An nộp lại số tiền sai phạm trên cho ngân sách nhà nước đồng thời kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chỉ đạo kiểm điểm sai phạm của trường.
TP HCM tạo điều kiện cho giáo viên dạy thêm đúng quy định
Ngoài các biện pháp quản lý tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, TP HCM sẽ tạo điều kiện cho giáo viên tham gia hoạt động này đúng quy định.
Trong văn bản chỉ đạo về dạy thêm học thêm mới đây, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu giao Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chủ trương trước đó của lãnh đạo thành phố, nhằm khắc phục tình trạng tràn lan, tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội.
Các cơ quan liên quan được giao nghiên cứu, đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cải thiện thu nhập cho giáo viên. Còn các trường sẽ tạo điều kiện để giáo viên tham gia dạy thêm đúng quy định.
Báo cáo về tình hình quản lý dạy thêm học thêm hồi cuối tháng 11, UBND TP HCM cho rằng, với một số giáo viên dạy thêm là công việc để tăng thu nhập một cách chính đáng khi lương chưa đủ trang trải cuộc sống. Quan trọng hơn, dạy thêm tạo động lực để giáo viên trau đồi chuyên môn, giúp thầy cô đi sâu vào các dạng bài tập phong phú mà giờ chính khóa không đủ điều kiện để triển khai.
Hiện, TP HCM có khoảng 100.000 học sinh tiểu học học thêm văn hóa ngoài giờ, 190.000 học sinh THCS và THPT tham gia học thêm tại cơ sở trong trường và 30.000 em học ngoài trường.
Ngoài trách nhiệm của Sở Giáo dục, UBND TP HCM đề nghị Chủ tịch UBND các quận huyện tăng cường kiểm tra, không để xảy ra các sự việc tiêu cực trong hoạt động này.
Trước đó, trong thông báo về công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn, Thành ủy TP HCM khẳng định "chủ trương chấm dứt dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay là đúng đắn", song cần có lộ trình và cách làm phù hợp.
TP HCM cho phép các trường được dạy thêm, song hoạt động này phải dựa trên sự tự nguyện của học sinh. Các trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh. Danh sách lớp học thêm và nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng nhà trường quyết định.
Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm dạy thêm, học thêm
Ngày 7.12, UBND TP.HCM gửi văn bản về tăng cường công tác tổ chức, quản lý, xử lý vi phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm đến Sở GD-ĐT và 24 quận, huyện.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực gây bức xúc trên địa bàn trong thời gian qua.
Trong đó, TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp chuyên môn như các trường thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngay trong các giờ dạy trên lớp. Giáo viên không ra bài tập khó về nhà, đảm bảo để học sinh yên tâm về kiến thức đã được trang bị trong nhà trường. Đẩy mạnh công tác kiểm tra thường xuyên giờ dạy chính khóa nhằm ngăn chặn tình trạng dạy không đủ kiến thức, khiến học sinh phải đi học thêm.
Các trường phải xây dựng website hỗ trợ học tập hay sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm giúp học sinh giải đáp ngay các thắc mắc liên quan đến bài học. Hướng dẫn học sinh tự ôn tập, củng cố, mở rộng kiến thức tại nhà, tăng cường khả năng tự học cho học sinh.
Sở GD-ĐT TP.HCM có nhiệm vụ tập hợp bài giảng ở tất cả các môn học, các bài ôn tập để cung cấp cho học sinh tham khảo, củng cố kiến thức tại nhà. Ngoài ra, các phòng ban chuyên môn sẽ tập huấn, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tích hợp các nội dung dạy học, tập huấn chuẩn bị cho các kỳ thi... để học sinh có thể học tốt tại trường và tự học ngay tại nhà…
Ngoài ra, UBND TP.HCM đề nghị Chủ tịch UBND quận, huyện tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, không để xảy ra các vụ việc, vấn đề đối với hoạt động dạy thêm, học thêm thuộc địa bàn quản lý.
TP.Hồ Chí Minh sẽ tuyển giáo viên mầm non không có hộ khẩu ở thành phố
TP.Hồ Chí Minh sẽ tuyển dụng cả giáo viên mầm non không có hộ khẩu ở thành phố, cùng với hàng loạt các giải pháp khác nhằm thu hút người học.
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội của thành phố ngày 7/12, tại kỳ họp của HĐND thành phố lần thứ 3 – khóa IX.
Phát biểu tại phiên thảo luận này, nhiều đại biểu HĐND TP.Hồ Chí Minh đã bày tỏ ý kiến của mình về lượng giáo viên mầm non luôn tuyển không đủ chỉ tiêu, không đủ chính sách để thu hút và giữ chân lực lượng giáo viên mầm non, làm cho thành phố luôn thiếu giáo viên cấp học này.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.Hồ Chí Minh thông tin, cho đến nay, ngành giáo dục thành phố vẫn thiếu khoảng gần 800 giáo viên mầm non so với quy định 2 giáo viên mỗi lớp.
Mỗi năm, nguồn đầu vào tuyển sinh giáo viên mầm non của thành phố luôn xảy ra tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, 3 năm nay đã có gần 150 giáo viên xin nghỉ việc.
Để hỗ trợ cho ngành học mầm non, từ năm 2014, TP.Hồ Chí Minh đã có nghị quyết 01, với rất nhiều chính sách để hỗ trợ cho các cơ sở, giáo viên của mầm non.
Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân đã trích lời từ một cuộc hội thảo về giáo dục, khi cho rằng, giáo dục mầm non là một trong những nghề nặng nhọc nhất, y chang như thợ hồ, mà tiền lương thì không tương xứng, nhưng lại rất kén người.
Đa số chỉ là nữ giới làm giáo viên mầm non, còn nam giới học mầm non thì hầu hết không thể xin được việc làm khi học xong. Phần lớn phụ huynh không yên tâm khi gửi trẻ nếu gặp thầy giáo mầm non.
Ngoài ra, các chế độ đãi ngộ, thu hút giáo viên mầm non ở các trường ngoài công lập luôn cao hơn rất nhiều, nên dù đã áp dụng các chính sách thu hút, đãi ngộ cũng vẫn khó thu hút được người học.
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy thì đánh giá, xã hội vẫn chưa có sự nhìn nhận xứng đáng đối với giáo viên mầm non.
Theo vị đại biểu HĐND TP.Hồ Chí Minh này, hiện phải làm sao cho giáo viên mầm non được nhìn nhận cao hơn nữa trong xã hội, thì mới có khả năng thu hút học sinh phổ thông vào học ở các trường sư phạm mầm non.
Phát biểu giải trình thêm với các đại biểu HĐND vấn đề này, sau khi nêu ra rất nhiều hỗ trợ của thành phố cho giáo viên mầm non, bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố sẽ làm việc với Sở Nội vụ để tuyển dụng kể cả giáo viên mầm non không có hộ khẩu thành phố.
Theo đúng quy định, hiện nay, giáo viên mầm non không có hộ khẩu chỉ được ký hợp đồng 1 năm, rồi sau đó sẽ phải làm lại, nhưng tiến tới sẽ không còn quy định này.
Bà Nguyễn Thị Thu còn đưa ra thêm một giải pháp nữa là sẽ bao toàn bộ chi phí đào tạo giáo viên mầm non, đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cần được đào tạo nghề.
Cuối cùng, bà Thu nhấn mạnh rằng, cần một cơ chế đặc thù hơn nữa để thu hút giáo viên mầm non, và sẽ trình HĐND TP.Hồ Chí Minh quyết định trong kỳ họp giữa năm sau.
Tổng hợp