Đà Nẵng: Học sinh THPT thi trắc nghiệm từ học kỳ 1 năm học này
Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng vừa chỉ đạo thông báo đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh về phương án thi trắc nghiệm.
Theo đó, ngay trong học kỳ 1 năm học này, khối trung học phổ thông tổ chức kiểm tra học kỳ bằng phương pháp trắc nghiệm. Sau đó, toàn ngành sẽ tổ chức sát hạch bằng phương pháp trắc nghiệm.
Sở Giáo dục thành phố Đà Nẵng cũng đã mời đội ngũ giáo viên cốt cán xây dựng bộ đề thi để sử dụng trong kiểm tra học kỳ 1, học kỳ 2. Riêng đối với học sinh lớp 12, kiểm tra 1 tiết cũng bằng phương pháp trắc nghiệm để học sinh làm quen với phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi xét thấy các môn vật lý, hóa học, ngoại ngữ, sinh học từ nhiều năm qua đã được tổ chức thi dưới hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên dù thi dưới hình thức trắc nghiệm hay tự luận điều có tính chất tiên quyết là chúng ta phải dạy đầy đủ chương trình, bám sát chương trình và hướng dẫn các em học sinh thuần thục kiến thức và kỹ năng trắc nghiệm”.
35% học sinh cấp 2 - 3 tại TP.HCM đi học thêm
Theo số liệu công bố mới đây của UBND TP.HCM, TP hiện có khoảng 100.000 học sinh tiểu học (chiếm 20%) học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa.
Khoảng 190.000 học sinh trung học (THCS-THPT) đang học thêm trong trường và 30.000 học sinh học thêm ngoài nhà trường. Chủ yếu các em học các môn Toán, Lý, Hóa (chiếm 35%)
Ngoài ra, khoảng 50% học sinh toàn thành phố tham gia các hoạt động văn nghệ (học đàn, hát, …), các hoạt động thẩm mỹ, các hoạt động TDTT, kỹ năng sống, phương pháp phát triển tư duy (học Toán tư duy…). Gần 50.000 học sinh học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh (chiếm tỷ lệ 50%), khoảng 10.000 học sinh học ngoại ngữ khác (Pháp, Nhật, Hàn, TBN, Trung Quốc…) tại các Trung tâm Ngoại ngữ sau giờ học chính khóa, thường là vào buổi tối và các ngày thứ bảy, chủ nhật.
Chỉ tính riêng năm học 2015 - 2016, TP đã kiểm tra 14 trường trung học phổ thông và phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm trong việc tổ chức và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường cho đúng với các quy định thanh tra chuyên đề.
Bên cạnh đó, TP còn thanh tra 5 điểm dạy thêm ngoài nhà trường, 3 điểm dạy thêm trong nhà trường. Trong năm học qua, đã xử lý 3 trường hợp ở mức phê bình, kiểm điểm, không cho dạy học sinh đã dạy chính khóa và không xem xét thi đua.
Trong khi đó, rất nhiều thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự thi vào khối trường công an, quân đội lại rất lo lắng. Nguyễn Ngọc An ở Nam Định cho biết, năm tới em dự tính nộp hồ sơ vào một trường khối công an, nên khá băn khoăn. “Năm 2016, em thấy các anh chị thi khối trường công an gặp.
Trường thu học phí vượt quá quy định?
Một số sinh viên khóa K55 Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM phản ảnh đầu năm nay sinh viên đã đóng 7,8 triệu đồng học phí học kỳ 1 (đã bao gồm 760.000 đồng học phí môn giáo dục quốc phòng).
Nay sinh viên lại nhận được thông báo từ nhà trường, yêu cầu phải đóng thêm 2.440.000 đồng học phí giáo dục quốc phòng phát sinh, và 1.125.000 đồng tiền ăn, ở.
“Như vậy, một tháng học giáo dục quốc phòng sinh viên phải đóng tổng cộng 4.325.000 đồng. Tổng học phí học kỳ 1 là 10.240.000 đồng, đã vượt quá giới hạn nhà trường được phép thu theo nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Hơn nữa, nhà trường mới thông báo hôm 16-11, nhưng hạn nộp là ngày 30-11, nếu sinh viên không đóng sẽ bị xử lý theo quy định. Gia đình chúng tôi quả thật không kham nổi và không thể xoay xở kịp số tiền” - một sinh viên lo lắng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc này, PGS.TS Nguyễn Xuân Minh - giám đốc cơ sở 2 Trường ĐH Ngoại thương - cho biết nhà trường quy định mức học phí năm học 2016 - 2017 đối với sinh viên ĐH hệ chính quy theo quy chế tín chỉ, với mức 400.000 đồng/tín chỉ (mức học phí này thấp hơn so với mức trần học phí quy định tại nghị định 86 và quyết định 751).
Sinh viên sẽ đóng học phí theo học kỳ, và số tiền học phí phải đóng được xác định bằng mức học phí mỗi tín chỉ nhân với số tín chỉ sinh viên đăng ký học. Nếu số tín chỉ đăng ký của sinh viên trong một kỳ/một năm học thấp thì học phí của một kỳ và một năm học sẽ thấp, và ngược lại số tín chỉ đăng ký cao thì học phí sẽ cao.
Tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo không thay đổi. Riêng học phần giáo dục quốc phòng là học phần bắt buộc đối với sinh viên ĐH hệ chính quy, có thời lượng là tám tín chỉ. Sinh viên phải nộp học phí học phần này là 3,2 triệu đồng (400.000 đồng x 8 tín chỉ).
“Việc sinh viên phản ảnh phải đóng thêm 1.125.000 đồng cho nhà trường là không chính xác. Đây là chi phí sinh hoạt (tiền ăn) của cá nhân sinh viên trong thời gian học giáo dục quốc phòng, không nằm trong học phí, và trường không thu khoản tiền này.
Riêng học phần giáo dục quốc phòng, năm học này cơ sở 2 bố trí học vào cuối học kỳ 1 và đầu học kỳ 2. Do vậy, nếu sinh viên chưa nộp học phí vào học kỳ 1 thì học phí đối với học phần này có thể nộp vào học kỳ 2.
Theo quy định về thu nộp học phí của trường ĐH, sinh viên gặp khó khăn có thể làm đơn xin gia hạn nộp học phí để được xem xét giải quyết, hoặc tham gia chương trình học bổng tín dụng (lãi suất bằng 0)” - ông Minh cho biết.
Toàn bộ sinh viên khoa y khóa 1 được chuyển trường
Trường ĐH Tân Tạo vừa có quyết định cho phép toàn bộ sinh viên khoa y năm thứ 4 (khóa 1) được chuyển trường. Quyết định này căn cứ trên đơn thư khiếu nại tập thể của sinh viên khoa y khóa 1 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT vào ngày 8-11.
Theo đó, trường cho phép sinh viên chuyển trường mà không phải bồi thường chi phí đào tạo. Thời gian nộp đơn xin chuyển trường cho phòng đào tạo hạn chót ngày 1-12 và trường sẽ trả hồ sơ đến hết ngày 30-12-2016. Quá thời hạn trên, sinh viên chuyển trường sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo cho nhà trường.
Quyết định cũng đưa ra yêu cầu nếu không chuyển trường, năm học sau sinh viên học kém bị đuổi học sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo (trường đưa ra chi phí đào tạo 21.000 USD/năm - PV).
Được biết ngày 8-11, 86 sinh viên khoa y, trong đó có 40 sinh viên khóa 1, số còn lại là sinh viên khoa y khóa 2 đã đến cơ quan Bộ GD-ĐT tại TP.HCM nộp đơn kêu cứu, phản ảnh những bất hợp lý trong việc tăng học phí, trù dập sinh viên, giảng viên nghỉ việc... và đề nghị bộ giải quyết.
Tổng hợp