Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, học đường
Rút kinh nghiệm việc đưa “Bà Tưng”, Ngọc Trinh vào đề thi
Ngày 16-10, Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết vừa có tổng kết kết quả làm bài thi văn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố và tổ chức rút kinh nghiệm trong việc đưa những phát ngôn gây “sốc” của hai cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (Bà Tưng) và người mẫu Ngọc Trinh vào đề thi.
Theo ông Đỗ Thế Hùng - giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, đề thi theo dạng mở, bám sát các vấn đề, sự kiện thời sự, đồng thời có tính định hướng, bàn về lối sống của giới trẻ, quan niệm về hạnh phúc và đảm bảo các tiêu chí mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Tuy nhiên đề thi nhận được nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến ủng hộ, nhưng cũng có ý kiến phản đối việc đưa phát ngôn gây “sốc” vào đề thi gây phản cảm. Sở GD-ĐT Hải Phòng đã tổ chức rút kinh nghiệm, đồng thời yêu cầu tạm dừng việc ra đề đối với tổ ra đề trong các vòng thi tiếp theo.
Kết quả chấm bài thi cho thấy 100% các bài thi đều không ủng hộ quan điểm sống theo phát ngôn của hai cô gái được đưa ra làm dữ kiện trong đề thi. Các bài thi đều đạt điểm trung bình trở lên, nhiều bài đưa ra những quan điểm, phân tích lối sống của giới trẻ khá hay. Kết quả, có 4/82 bài đạt điểm giỏi (từ 8,5 điểm trở lên), 44/82 bài đạt điểm khá (từ 6,5 điểm trở lên).
Chấn chỉnh việc cắt dép, thu điện thoại học sinh
Ngày 16-10, ông Trần Hoàng Nhân - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An - cho biết đã yêu cầu ông Phan Văn Toàn - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức - kiểm điểm trước toàn thể cán bộ, giáo viên vì đã ban hành nội quy có nhiều điểm không đúng với tiêu chí giáo dục. Sau đó sở sẽ họp quyết định hình thức kỷ luật đối với ông Toàn.
Ban giám hiệu trường này đã ra nhiều nội quy như: học sinh sử dụng điện thoại trong phạm vi nhà trường phải tự niêm phong giao nhà trường giữ đến cuối năm học; mang dép kẹp vào khuôn viên nhà trường, học sinh phải tự cắt bỏ; nữ sinh không mặc đồ mỏng, lưu ý không mặc nội y màu... Những quy định này đã khiến phụ huynh và học sinh bất bình.
Khi có thông tin phản ảnh, Sở GD-ĐT tỉnh Long An đã tổ chức thanh tra và xác định chuyện này là có. Trong năm học 2012-2013, nhà trường đã niêm phong điện thoại của nhiều học sinh đến cuối năm học mới trả lại, và năm học 2013-2014 đã tiếp tục thu và niêm phong điện thoại của một số học sinh khác. Bên cạnh đó, nhà trường còn những quy định tự phát như bắt học sinh phải mua đến sáu phù hiệu của nhà trường, bắt buộc mua bảo hiểm thân thể thay vì chỉ khuyến khích mua, buộc các nữ sinh phải về nhà thay đồ khác khi mặc nội y màu...
Sở GD-ĐT đã yêu cầu ban giám hiệu nhà trường trả lại tiền mua phù hiệu không cần thiết cho học sinh, tổ chức xin lỗi phụ huynh có học sinh bị cắt dép, niêm phong điện thoại.
Theo: tuoitre