Năm nay là năm thứ 2 kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức với mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa lấy đó làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ thực hiện công tác tuyển sinh.
Nếu như năm 2015 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi, tình trạng thí sinh chầu trực ở các trường ĐH để rút-nộp hồ sơ và theo dõi bảng điểm liên tục thay đổi như theo dõi số liệu chứng khoán đã khiến dư luận xã hội hết sức lo ngại thì năm nay, những bất cập đó đã được khắc phục.
Có thể nói, việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 đã giảm áp lực đi lại cho thí sinh và người nhà ở các địa phương, vùng miền xa xôi khi phải lên các tỉnh, thành phố lớn tham dự kỳ thi. Đó là năm nay, Bộ GD-ĐT tiến hành tổ chức các cụm thi ĐH ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng cộng 120 cụm thi (50 cụm thi tốt nghiệp do Sở GD-ĐT chủ trì và 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì).
Công tác đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi đã được đảm bảo bằng việc các cụm thi tăng cường số lượng cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ phối hợp với các địa phương làm công tác coi thi như bố trí ít nhất 50% số cán bộ là giảng viên các trường ĐH, CĐ giám sát tại mỗi điểm thi.
Tại tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 vừa diễn ra ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT, các địa phương, các trường học tiếp tục đổi mới thi cử, đặc biệt là kỳ thi THPT Quốc gia để làm sao hiệu quả và tiết kiệm nhất cho xã hội.
Đóng góp vào việc đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia, PGS.TS Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Giao thông Vận tải) đánh giá cao việc ghép 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển ĐH vào làm kỳ thi THPT Quốc gia. Việc làm này góp phần giảm tình trạng thí sinh phải lên các thành phố lớn thi cử cũng như tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước.
Việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia vừa đảm bảo cho thí sinh chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp và cả thí sinh vừa xét tốt nghiệp cũng như vào các trường ĐH, CĐ.
Quy chế xét tuyển ĐH, CĐ cũng nói rõ việc giao tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH nên các trường có thể lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để tuyển sinh cũng như có các hình thức khác như: tổ chức thi riêng, thi thêm tiêu chí phụ, xét tuyển bằng học bạ… Điều này nhằm tạo thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ trong việc lựa chọn thí sinh tốt nhất vào trường.
Hiện nay, có ý kiến băn khoăn là việc ghép 2 kỳ thi vào làm 1 thì việc học tập của học sinh có thể sẽ bị lệch lạc do chỉ tập trung vào 4 môn thi THPT Quốc gia hoặc điểm thi không phản ánh đúng thực chất thí sinh có thể đỗ tốt nghiệp. Ví dụ như điểm trung bình các môn học lớp 12 có thể cao nhưng mỗi môn thi của học sinh đều có thể dưới điểm trung bình nhưng vẫn đỗ tốt nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Long cho ý kiến, tiêu chí công nhận học sinh có đỗ tốt nghiệp THPT không thể giống như xét tuyển vào ĐH, CĐ. Chúng ta chỉ lấy tiêu chí để thí sinh đảm bảo việc học tập ở một mức độ nào đó sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT, còn thí sinh có được xét tuyển vào ĐH, CĐ hay không thì phải đạt ở mức độ cao hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Long, thực tế là kết quả năm học lớp 12 có thể phản ánh năng lực học tập của thí sinh nhưng nếu Bộ GD-ĐT có thể lấy kết quả trung bình của cả 3 năm THPT và cộng với 4 môn thi để xét tốt nghiệp cho các em thì sẽ khách quan hơn.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì công tác xét tuyển 2016 phải thật sự thông suốt và minh bạch.
Việc ghép 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vào làm 1 kỳ thi THPT Quốc gia là phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam. Đó là ý kiến của PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội.
Việc tách ra làm 2 kỳ thi sẽ rất tốn kém về kinh phí và mất thời gian đi lại của thí sinh và người nhà từ các tỉnh lên thành phố dự thi. Hơn nữa không phải các trường trường ĐH, CĐ nào cũng tổ chức thi riêng được vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố đảm bảo công tác tổ chức, ra đề, chấm thi, phúc khảo, xét tuyển...
Nên giao địa phương tổ chức và kiểm tra kiến thức toàn diện của thí sinh
Năm 2016, Bộ GD-ĐT tiến hành tổ chức các cụm thi ĐH ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng cộng 120 cụm thi (50 cụm thi tốt nghiệp do Sở GD-ĐT chủ trì và 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì).
Nhiều trường ĐH phải về các địa phương để tổ chức thi nên phải cùng với địa phương lo chỗ ăn ở, đi lại cho các cán bộ coi thi. Điều này gây tốn kém và mất thời gian cho các trường ĐH.
Để khắc phục bất cập trên, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, việc tổ chức thi THPT Quốc gia nên giao cho các địa phương tổ chức thi nhưng phải dưới sự giám sát chặt chẽ, nghiêm túc.
Ngoài ra, kỳ thi này không thể theo hình thức cho thí sinh thi 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn như hiện nay vì như vậy sẽ khiến thí sinh “học tủ, học lệch”.
Kỳ thi THPT Quốc gia nên được tổ chức theo hình thức kiểm tra kiến thức toàn diện của thí sinh. Theo đó, việc tổ chức thi sẽ chia làm 2 bài gồm các môn khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh) và các môn khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).
Các môn học khác như: Giáo dục công dân, Tin học, Kỹ thuật thì thí sinh không phải thi nhưng bắt buộc các em phải đạt điểm trung bình theo quy định thì mới được dự thi THPT Quốc gia.
Còn việc xét tuyển ĐH nên giao cho các trường thực hiện dựa trên kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia hoặc tự chủ tuyển sinh riêng, tổ chức thi thêm tiêu chí phụ, xét tuyển bằng học bạ...
Đồng quan điểm với giao việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia cho Sở GD-ĐT và chính quyền các địa phương tổ chức thi, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có những giải pháp đổi mới thi cử cho các năm tiếp theo, đặc biệt là việc kịp thời điều chỉnh kỳ thi THPT Quốc gia nhằm giảm áp lực cho thí sinh và đỡ tốn kém cho xã hội, đồng thời tạo niềm tin trong nhân dân.
Một kỳ thi mà cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc thì cần có những giải pháp đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả và bền vững./.
Điểm chuẩn 2016
Theo VOV, nguồn: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/tiep-tuc-doi-moi-ky-thi-thpt-quoc-gia-theo-huong-nao-537775.vov