Thuế và những thủ tục du học sinh Úc cần biết
Vài nét về thuế ở Úc
Úc là một trong những quốc gia đánh thuế cao nhất trên thế giới. Theo một báo cáo của OECD 2015, Úc xếp hạng 5 trong top 10 quốc gia nộp thuế cao nhất thế giới. Chính vì lý do thuế cao như vậy, trung bình người dân Úc chỉ làm việc 36 giờ/ tuần. Họ biết làm nhiều thì phải đóng thuế nhiều. Cũng theo báo cáo, mức lương trung bình ở đây vào khoảng $31,588 USD/ năm sau khi trừ đi mức thuế thu nhập là 27,7%. Với mức thuế cao như vậy, Chính phủ phải đảm bảo các lợi ích về y tế và giáo dục cho người dân.
Úc phân loại người đóng thuế (taxpayer) thành 2 nhóm:
-
Người sống ở Úc (Australian residents)
Là thường trú nhân, hoặc là đối tượng sinh sống 6 tháng liên tiếp tại Úc (gồm du học sinh Úc, du khách, lao động tự do,…). Những người này khi đã được Cục thuế coi là “Australian residents” thì sẽ bị đánh thuế trên tất cả nguồn thu nhập (ở Úc cũng như toàn thế giới, nếu có). Điều này có nghĩa, nếu bạn nhập cư vào Úc mà vẫn có tài sản ở Việt Nam thì thu nhập từ tài sản này cũng sẽ bị Úc đánh thuế (nếu họ truy ra được, thường thông qua tài khoản ngân hàng).
-
Người nước ngoài (Non-resident/ Foreign residents)
Là người sinh sống ngắn hạn tại Úc (nếu là khách du lịch dài hạn, thì phải “rày đây, mai đó”, không gắn kết với một cộng đồng dân cư Úc nào). Đối tượng này chỉ cần trả thuế cho phần thu nhập kiếm được tại Úc. Nhưng họ sẽ bị áp một mức thuế cao hơn hẳn “Australian residents”.
Tại sao du học sinh Úc phải khai thuế?
Nếu du học sinh có đi làm ở Úc và được trả lương (nhất là được chuyển khoản) thì cần phải khai thuế, nếu bạn không khai thì sẽ mang tội trốn thuế, đó là 1 tội nặng ở Úc và bạn có thể bị hủy visa du học Úc, trục xuất về Việt Nam. Nếu bạn khai thuế, thì có khả năng bạn sẽ được trả tiền lại vì đã đóng nhiều hơn mức qui định.
Vì vậy, du học sinh Úc có thu nhập, đi làm, đầu tư kinh doanh đều phải khai thuế sau mỗi năm tài khóa (bên Úc từ 01/07 năm này đén 30/06 năm sau). Ví dụ khi người ta nói năm tài khóa 2016 có nghĩa là từ 01/07/2015 -30/06/2016. Các bạn đi làm vào tháng 8/2015 -12/2015 thì chờ sau 01/07/2016 đi khai thuế. Vì nếu chúng ta không khai hoặc khai muộn có thể bị phạt. Đã có trường hợp sinh viên du học Úc bị phạt mỗi năm không khai là $550. Tất nhiên cái này giải trình sẽ được xóa đi, nhưng nếu không bị phạt là tốt nhất, vì khi đã bị phạt sẽ căng thẳng và mất tiền oan cho luật sư.
Sinh viên du học Úc khai thuế như thế nào?
Các trường hợp sinh viên du học Úc phải khai thuế
Vì có nhiều du học sinh Úc thắc mắc trường hợp của mình có phải nộp thuế không, vậy nên những gợi ý phổ biến như sau sẽ áp dụng cho các trường hợp đi làm chính thức (có cung cấp mã số thuế cho employer):
- Nếu thu nhập của bạn trên 18200 chắc chắn bạn phải nộp khai báo thuế.
- Nếu thu nhập của bạn dưới 18200 và employer có giữ lại dù chỉ là $1 tiền thuế PAYG (kiểm tra trong phần Total tax withheld của annual payment summary) thì chắc chắn bạn phải nộp tờ khai thuế.
- Nếu thu nhập của bạn được trả qua ABN thì 100% là bạn phải nộp tờ khai thuế dù bạn kiếm được bao nhiêu đi chăng nữa.
- Nếu thu nhập của bạn dưới 18200 và bạn chắc chắn rằng employer không giữ lại 1 đồng thuế nào (kiểm tra trong phần Total tax withheld trong annual payment summary) thì có thể bạn không phải nộp (chỉ là có thể thôi nhé, xem link dưới đây để biết chính xác). Nếu bạn rơi vào trường hợp này và không phải nộp tờ khai thuế thì nên nộp non-lodgement advice.
Để biết chính xác mình có phải nộp tờ khai thuế năm nay không, du học sinh Úc vào trang này, trả lời một vài câu hỏi theo trường hợp riêng của các bạn, ATO sẽ cho bạn biết bạn có phải nộp tờ khai thuế hay không. http://calculators.ato.gov.au/scripts/axos/axos.asp?CONTEXT=&KBS=Lodge14.XR4&go=ok
Thủ tục liên quan đến thuế dành cho du học sinh Úc
Lấy mã số thuế
Việc đầu tiên cần làm khi bạn nghĩ đến việc kiếm việc làm ở Úc là phải xin mã số thuế thu nhập cá nhân (Tax File Number – TFN). Cái này nói nôm na như là 1 cái ID của sinh viên du học Úc nhưng mà về thuế. TFN khá là quan trọng tại nếu bạn không có nó thì bạn sẽ phải trả thuế cao hơn mức bình thường rất nhiều.
Bạn có thể đăng kí TFN free online một cách dễ dàng. Các bước làm được hướng dẫn chi tiết tại trang này :
https://www.ato.gov.au/Individuals/Tax-file-number/In-detail/How-to-use-the-online-TFN-registration-(Permanent-migrants-and-temporary-visitors)/?page=2#Step_2__Complete_the_application
Sau khi đăng kí xong thì ATO sẽ gửi 1 bức thư trong đó chứa TFN của bạn.
Có những lựa chọn nào để nộp khai báo thuế?
1. Nộp bản giấy (paper copy):
Trước đây tờ khai thuế bản cứng được free tại các quầy bán báo, nhưng hiện nay muốn nộp bản cứng bạn phải tự in ra (địa chỉ filehttps://www.ato.gov.au/uploadedFiles/Content/MEI/downloads/TP40269NAT13712014.pdf) hoặc gọi điện đến sở thuế xin họ gửi về địa chỉ cá nhân của bạn, hoặc bạn khai vào etax/my tax rồi in ra, ký và nộp bản cứng. Lý do bạn phải nộp bản cứng mà không sử dụng được my tax/etax là bởi vì bạn có thể là người vừa đến Úc, mới nộp tờ khai thuế đầu tiên. Hệ thống không thể verify identity cá nhân của bạn nên bạn sẽ có thể điền được toàn bộ thông tin vào mytax/etax nhưng bạn sẽ không thể nộp online mà phải in ra và nộp bản cứng.
Nộp bản cứng sẽ mất nhiều thời gian xử lý tờ khai thuế của bạn hơn, nhiều khi lên đến 50 ngày. Nếu bạn đã khai thuế 1 lần trước đây, bạn hoàn toàn có thể sử dụng cách nộp online dưới đây miễn là bạn giữ lại các thông tin đã khai trước đây.
2. Nộp tờ khai thuế online qua Mytax hoặc Etax
Mytax là cách nộp thuế đơn giản và nhanh chóng nhất đối với các cá nhân. Nếu thu nhập của bạn chỉ từ lương, lãi ngân hàng, cổ phần và các khoản chi trả của chính phủ thì bạn có thể sử dụng My tax để nộp khai báo thuế một cách nhanh chóng tiện lợi. Nhưng lưu ý nếu bạn có các khoản thu nhập qua ABN dù chỉ rất ít thôi, bạn cũng phải sử dụng Etax. Có rất nhiều công việc yêu cầu bạn làm việc dưới tư cách là contractor, trả lương qua ABN. Nếu bạn có các khoản thu nhập như thế thì bạn phải sử dụng Etax để khai.
3. Nộp thông qua đại lý khai thuế (Tax Agents)
Lựa chọn thứ 3 là bạn có thể nhờ đại lý khai thuế khai và nộp tờ khai thay mặt cho bạn. Với trường hợp này bạn sẽ phải cung cấp đầy đủ thông tin về thu nhập cho đại lý, họ sẽ thay mặt bạn nộp tờ khai. Tất nhiên bạn cũng sẽ mất một khoản phí kha khá cho họ, tùy thuộc vào mức độ phức tạp của tờ khai thuế năm nay của bạn. Nếu bạn hoàn toàn không quan tâm tìm hiểu việc khai thuế hoặc các khoản thu nhập của bạn quá phức tạp thì nên sử dụng đại lý khai thuế để đảm bảo độ chính xác trong tờ khai.
Những khái niệm liên quan đến việc khai thuế cần nắm rõ
Sau khi du học sinh Úc có TFN và bạn đi làm, được chủ trả lương theo đúng luật pháp thì sẽ có những khái niệm sau bạn nên nắm qua.
- This Pay: lương trả cho bạn cho tuần này
- Year to Date: tổng số lương trả cho bạn từ đầu năm tới thời điểm hiện tại
- Tax (hay thường được gọi là PAYG= Pay As You Go): Số tiền mà employers trích từ lương của bạn để nộp cho ATO.
- Superannuation Contribution (thường được gọi tắt là Super) : 1 dạng đóng góp mà chính phủ Úc bắt mọi employers phải đóng cho employees của họ
- Gross earnings: Tổng số tiền lương của bạn
- Take home: Số tiền thật sự đi vào túi bạn sau khi trừ PAYG với Super.
Các lưu ý quan trọng khi khai thuế
-
Phải nhớ hạn khai thuế
Hằng năm sở thuế (ATO) đều cho download ETax để tự khai, nhưng hạn không quá 31/10 hằng năm nhé. Du học sinh Úc nào muộn phải ra gặp TAX AGENT. Đa số các bạn thu nhập thấp, không lấy tiền refund thì chỉ cần điền form Non Lodgement Advice của năm tài khóa cần khai và nộp lên ATO là được. Các bạn cũng nên nhớ, gửi cái gì đi đâu cũng cần copy cho mình một bản lưu lại.
-
Khai thuế phải chính xác
ATO là một cơ quan chính phủ mà người dân Úc e ngại nhất về mức độ nghiêm túc của họ khi thực hiện nhiệm vụ, du học sinh Úc phải đảm bảo sự chính xác đến hết mức có thể khi khai thuế. Nếu không rõ về khoản nào tốt nhất nên hỏi. Tất cả mọi giấy tờ và hồ sơ khai thuế bạn cần phải lưu giữ lại cho mình làm bằng chứng. ATO có thể sẽ random audit một số trường hợp nên các hóa đơn, giấy tờ bạn cần phải lưu giữ ít nhất 3 năm nếu bạn khai vào tờ khai thuế.
-
Nhờ sự hỗ trợ của ATO
Số điện thoại của ATO (13 28 61) là một số điện thoại của chính phủ, có dịch vụ phiên dịch trợ giúp miễn phí. Nếu bạn có thắc mắc và không tự tin tiếng Anh lắm cứ gọi điện đến số đó và yêu cầu nói tiếng Việt, họ sẽ chuyển máy cho bạn tới nhân viên nói tiếng Việt hoặc phiên dịch viên để du học sinh Úc có thể hỏi đáp mọi thắc mắc bạn cần trước khi nộp tờ khai thuế.
-
Chỉ có bạn mới được khai thuế
Việc khai thuế của sinh viên du học Úc thì chỉ có các bạn mới có quyền và nghĩa vụ làm, hoặc ủy quyền cho vợ chồng, anh em. Rất nhiều sinh viên có điều kiện du học Úc nói rằng anh chủ đã khai thuế cho em. Không có anh chủ nào khai cho các bạn được vì họ làm sao biết các thu nhập khác của du học sinh cũng như những deduction (khấu thuế). Họ chỉ thông báo lương và tiền thuế đã rút của các bạn lên sở thuế chứ họ KHÔNG KHAI THUẾ cho các bạn được. Do đó có rất nhiều du học sinh Úc đi làm bị phạt không khai bởi ATO đã có chi tiết lương của du học sinh mà không thấy khai báo. Thế nên các bạn nên có hiểu biết có bản về thuế vụ bên Úc, mọi thứ đều rất rõ ràng rành mạch.
-
Tìm hiểu về danh sách giảm trừ thuế
Danh sách giảm trừ thuế rất nhiều, để có thể đảm bảo quyền lợi đầy đủ, nếu xét thấy mình có thu nhập khá, cần nộp thuế (nhất là đối với những đối tượng thu nhập cao mà vẫn đang là du học sinh): nên đi gặp TAX AGENT. Lý do: họ sẽ giúp bạn xin miễn đóng nhiều khoản (Tax offsets and others). Ví dụ, du học sinh Úc không phải đóng Medicare Levy khi khai thuế (vì du học sinh chưa được hưởng lợi ích của Medicare sẽ không phải đóng tiền đấy).
Bạn đọc quan tâm tới các trường ĐH tại Úc có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp, tư vấn du học Úc bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.