Thuê nhà trọ tại Úc, du học sinh nên quan tâm đến vấn đề gì?
Thuê nhà chung là loại nhà trọ học sinh thường thuê ở chung với nhau. Loại nhà trọ này thường được đăng trên báo và các bảng thông báo trong trường. Học sinh có thể phải tự mua sắm đồ đạc trong nhà. Giá thuê nhà khoảng từ 70 – 200 AUD /tuần. Khi du học Australia, mọi sinh hoạt phí đều rẻ hơn ở Anh hay Mỹ, nhất là chuyện thuê nhà ở. Hầu như ở các bang của Úc, những nhà có 3 phòng ngủ bao giờ cũng rẻ hơn những nhà chỉ có 1 phòng ngủ, nên các bạn du học sinh thường rủ nhau thuê chung 1 nhà hoặc ở ghép với những người khác.
6 tiêu chí quan trọng khi tìm nhà trọ ở Úc
1. Chi phí
Chi phí du học Úc về chỗ ở của bạn sẽ thay đổi tùy theo loại hình nhà ở, địa điểm (tùy vào thành phố, tiểu bang, thậm chí là cả đường phố) và cả những tiện nghi kèm theo. Có nơi cho thuê với giá đã gồm cả điện, nước, Internet, chi phí cống/rác và những đồ đạc sẵn có trong nhà, nhưng có nơi chỉ giao cho bạn mỗi một căn nhà trống! Giữa một căn hộ một phòng ngủ không có tiện nghi với giá 400 đô la Úc và một căn hộ tương đương 525 đô la Úc đã gồm điện, internet, và nước / cống / rác cũng đã có sự khác biệt rất lớn.
Cho nên, trước khi ký hợp đồng, bạn cần dám chắc rằng đây là một mức cho thuê hợp lý với điều kiện tài chính cá nhân để giảm thiểu chi phí xuống mức thấp nhất. Hãy đảm bảo rằng bạn có thể “trụ” được tại đây trong một thời gian nhất định. Một số trang web cho thuê nhà tại Úc cũng đưa lời khuyên về thỏa thuận giữ nhà vào kỳ nghỉ. Hãy thử hỏi xem họ có đồng ý giảm giá (có chủ nhà tốt bụng đã giảm đến ½ tiền thuê nhà cho kỳ nghỉ hè) khi bạn đi du lịch dài ngày không.
2. Địa điểm
Chỗ trọ cách trường học bao nhiêu cây số? Nếu nó xa đến mức không thể đi bộ hay đạp xe, bạn sẽ phải cộng thêm các khoản chi hàng tháng và mất nhiều thời gian cho vấn đề đi lại. Lưu ý là nếu thuê nhà ở nơi quá xa thì bạn càng gặp trở ngại trong chuyện làm thêm. Kinh nghiệm du học Úc khi thuê nhà là càng gần trường học và khu trung tâm, cũng như các địa điểm như trạm xe bus, cửa hàng bách hóa, chợ, phòng khám bác sĩ… thì càng có lợi.
3. Đồ đạc
Đối với sinh viên quốc tế thì đây là điều cần cân nhắc kỹ. Bạn phải biết mình đang muốn một chỗ thuê có đồ đạc hay là không. Tuy giá thuê những căn trống thường rẻ hơn, nhưng liệu bạn đã nghĩ đến khoản chi dành cho những món đồ mình phải mua để “đắp” vào chưa? Liệu những khoản này có xứng đáng không, khi mà bạn chỉ học ở đây có một năm, và sau khi rời đi thì bạn định sẽ “xử lý” chúng thế nào. Bạn cũng cần lường trước trường hợp hỏng hóc đồ đạc. Có những chủ nhà tốt bụng chịu lãnh trách nhiệm sửa sang đồ đạc hay chi trả cho vấn đề sửa chữa (máy móc, thiết bị, điện, nước…) nhưng cũng có người “bỏ lơ” vấn đề này. Cách tốt nhất là ghi rõ trách nhiệm của hai bên khi có hỏng hóc đồ dùng để dễ bề phân xử.
Những chú ý quan trọng khi thuê nhà tại Úc?
4. Những người bạn chia nhà chung
Một vấn đề chung mà không hiếm du học sinh tại Úc gặp phải đó là việc bị sống trong một căn hộ/căn nhà nhồi nhét. Lí do là vì họ đã không hỏi rõ chủ nhà khi ký hợp đồng về số người mà họ sẽ sống cùng. Thậm chí, có người đã vào ở rồi mới biết mình không chỉ chia nhà mà còn phải chia phòng ngủ với một người khác và chia tiện ích (bếp, toilettes, phòng tắm, máy giặt, tủ lạnh) với… gần chục người khác! Quan trọng là không dễ gì khi phải sống chung với những người bạn mà bạn không hề quen biết trước nên có thể sẽ xảy ra những mâu thuẫn do khác biệt văn hóa.
5. Vấn đề an ninh
Vì bạn sẽ phải đi học, đi làm thêm liên tục và có thể phải trở về nhà muộn nên cũng cần thận trọng với khâu an ninh. Trước khi thuê nhà tại Úc, hãy lên mạng tìm kiếm thông tin trị an của khu vực đó, liên hệ bạn bè Úc hay nhà trường để có được lời khuyên của dân bản xứ và hay nhất là lân la hỏi thăm những ai sống trong khu vực này. Vấn đề an ninh còn liên quan đến các yếu tố an toàn tư trang (nhà có khóa riêng cho từng thành viên không, hệ thống cửa có chắc chắn không) hay vấn đề phòng cháy chữa cháy (có lối thoát hiểm không, có hệ thống điện an toàn không).
6. Hợp đồng
Lời khuyên đọc kỹ hợp đồng trước khi ký là không hề thừa. Trước hết, hãy rà lại các thông tin quan trọng như họ tên chủ nhà, thời hạn thuê nhà, thời gian đóng tiền nhà mỗi tháng, số tiền, những khoản bao gồm và không bao gồm trong tiền thuê nhà cũng như khoản tiền đặt cọc và người bảo đảm (trong trường hợp bạn không thể trả tiền nhà đúng hạn). Bản hợp đồng thuê nhà càng chi tiết bao nhiêu, càng thuận tiện hơn cho bạn khi rời đi. Hãy viết ra giấy bất kì điều gì mà bạn nghĩ ra được để tiện “nói có sách mách có chứng”, gồm cả những điều khoản như bạn có được nuôi thú cưng không, chủ nhà có cần bạn mua bảo hiểm nhà ở không, hoặc là những dụng cụ cụ thể nào là thuộc về chủ nhà (bao nhiêu chén, bao nhiêu ghế…)
Có thể bạn cho là hoang đường, nhưng thực tế đã có những du học sinh đồng ý thuê nhà bằng hợp đồng miệng. Đây thật sự là một cách làm dại dột cho chính bạn sau này nên tốt nhất là hãy né xa!
Các thỏa thuận cần có trong hợp đồng thuê nhà ở Úc
Nhằm tránh những rủi ro khi mướn nhà, du học sinh Úc nên tham khảo luật thuê mướn nhà ở nơi mình đến. Dưới đây là một số điều khoản căn bản trong thuê mướn nhà ở bang Victoria, Úc để du học sinh tham khảo:
Bắt đầu việc thuê mướn
- Yêu cầu xem văn bản chứng minh người cho du học sinh thuê có quyền sở hữu/quyết định/thuê mướn lại.
- Kiểm tra phòng, nhà thật kỹ càng. Kiểm tra các khu vực khác trong nhà và xung quanh nhà.
- Nếu bạn đồng ý mướn, khi trả tiền Bond (đặt cọc) phải làm một “Condition Report” (bản báo cáo hiện trạng nhà) liệt kê những hư hại sẵn có trong nhà/phòng có chữ ký của chủ nhà. Và mỗi bên cần giữ lại một bản.
- Ký hợp đồng “Bond Lodgement” (hợp đồng tạm trú) và giữ một bản photocopy. Sau 10 ngày, yêu cầu chủ nhà cho du học sinh photocopy một receipt (giấy biên nhận) của RTBA (The Residential Tenancies Bond Authority) (để sau này đòi lại Bond).
- Ký hợp đồng “Residential Tenancy Agreement” (thỏa thuận mướn nhà), đọc kỹ các điều khoản như luật lệ trong nhà, thời gian thuê mướn và thời hạn…
Khi thuê mướn nhà
- Chủ nhà không được đòi sinh viên du học Úc đóng tiền nhà trước quá một tháng.
- Tháng cuối cùng, dọn ra cũng phải trả tiền nhà, đừng nói là trừ vào tiền Bond, vì làm như thế du học sinh sẽ bị phạt 1.000 USD nếu ra tòa.
- Đối với hư hại trong nhà, du học sinh cần ngay lập tức liên hệ chủ nhà (người mà bạn ký hợp đồng thuê mướn nhà/phòng) trong các trường hợp khẩn cấp (hư hại về hệ thống nước, nhà vệ sinh, mái dột, sự cố điện nguy hiểm, cháy nổ…). Nếu chủ nhà không sửa liền, du học sinh có thể kêu thợ đến và chủ nhà có trách nhiệm trả hóa đơn (dưới 1.000 USD). Trong các trường hợp không khẩn cấp, chủ nhà có trách nhiệm sửa chữa trong 14 ngày, sau đó du học sinh nộp đơn lên VCAT, họ sẽ cho người xuống xem xét và nói cho du học sinh biết những thứ nào cần phải sửa chữa (trong 60 ngày). Trong bất cứ trường hợp nào, du học sinh đều phải trả tiền thuê mướn theo đúng hợp đồng.
- Tăng tiền thuê mướn: chủ nhà phải thông báo trước khi tăng tiền nhà 60 ngày. Chủ nhà không có quyền tăng tiền nhà quá một lần trong vòng sáu tháng.
Kết thúc việc thuê mướn
- Làm một đơn “Notice to landlord to vacate” (thông báo trả nhà) đưa chủ nhà một bản, du học sinh giữ một bản.
- Trả tiền những ngày cuối cùng thuê mướn.
- Dọn dẹp sạch sẽ nhà/phòng.
- Thủ sẵn “Condition Report” nếu chủ nhà bắt chẹt vào những hư hại trước khi du học sinh dọn vào.
- Làm văn bản “Bond Claim” (hợp đồng yêu cầu bồi thường) ghi rõ những khoản tiền bị trừ và lý do.
- Gửi “Bond Claim” đến RTBA.
Dọn ra
- Chủ nhà không có quyền ép buộc bạn dọn nhà ra bằng vũ lực hay những lý do vô lý. Chủ nhà sẽ bị phạt 2000$ nếu vi phạm. (Xem lý do trang 24. Nói chung bạn không vị phạm hợp đồng, đập phá, ồn ào, nợ tiền nhà, tồn trữ và thực hiện những thứ phi phạm luật pháp, bạn cứ vô tư)
- Nếu bạn để quên cái tài liệu cá nhân. Chủ nhà có trách nhiệm giữ trong 90 ngày hay bị phạt 2000$
- Những tài sản có giá trị (không phải thức ăn hay rác) cần phải giữ 28 ngày nều không sẽ bị phạt 1000$
- Đưa chủ nhà địa chỉ mới để chủ nhà gửi thư cho bạn hoặc chuyển thư giúp bạn
Tips hữu ích cho cuộc sống thuê chung nhà với sinh viên quốc tế
- Ông bà có câu: “chọn bạn mà chơi”, ở đây các bạn du học sinh Úc nên “chọn bạn mà cùng thuê nhà”. Bạn không nên chọn đại một bạn nào đó theo cảm tính lần đầu mới quen trong trường Đại học mà nên chọn bạn nào ham học hỏi, thân thiện, hòa đồng, như thế trong quá trình sống và học tập chung bạn sẽ không bị những phiền toái không đáng có.
- Khi ở chung nhà với nhau, việc tự có ý thức giữ sạch sẽ không gian bếp, phòng khách, phòng tắm, những khu vực sinh hoạt chung là điều rất quan trọng. Giữ gìn vệ sinh không chỉ là đối với căn phòng riêng của bạn và còn giữ sạch sẽ những khu vực sinh hoạt chung của cả nhà. Vì vậy hãy tự giác và lên lịch phân công công việc nhà chung.
- Dù ngôi nhà mà bạn đang sống chỉ là nhà thuê, những người bạn ở cùng bạn chỉ là bạn cùng nhà… nhưng hãy cố gắng tạo một không khí vui vẻ, ấm cúng như bạn đang sống trong chính ngôi nhà của mình, coi những người ở cùng là anh chị em – người thân trong gia đình mình.
- Khi bạn thuê nhà với người khác (sharehouse) thì tiền thuê nhà sẽ không bao gồm hóa đơn điện, nước, ga, internet mà những phí ấy sẽ tự trả, chia đầu người sau khi có hóa đơn tới … bạn nên học cách tiết kiệm, cân đối đặc biệt là sòng phẳng trong tiền bạc với những người bạn cùng thuê nhà.
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, việc làm thêm khi chọn du học Úc có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các trung tam tu van du hoc uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.