Thu hút Giáo sư, tiến sĩ giảng dạy ở trường đại học bằng cách nào?

Mỗi năm, Bộ GD-ĐT và Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đều tổ chức trao giấy chứng nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) cho hàng trăm nhà giáo đạt tiêu chuẩn. Với việc làm thường lệ như vậy chứng tỏ số lượng nhà giáo đạt trình độ cao tương đối lớn. Tuy nhiên, hiện các trường ĐH, CĐ vẫn đang thiếu giảng viên có trình độ cao.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT).

PV: Thưa ông, hàng năm, Bộ GD-ĐT và Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đều tổ chức trao giấy chứng nhận chức danh GS, PGS cho các nhà giáo đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hiện đang có ý kiến là việc trao giấy chứng nhận này nên thực hiện 5 năm/lần. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Anh Tuấn: Trước đây, có một thời gian dài chúng ta không trao giấy chứng nhận chức danh GS, PGS cho các nhà giáo đạt tiêu chuẩn theo định kỳ hàng năm như đang thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học đạt tiêu chuẩn ngày một nhiều và có nhu cầu được phong học hàm giáo sư, phó giáo sư ngày càng tăng.

Mỗi năm có đến hàng trăm nhà giáo đạt tiêu chuẩn được phong chức danh GS, PGS. Nếu chúng ta để 5 năm mới thực hiện việc trao giấy chứng nhận các chức danh trên thì e rằng, số lượng nhà giáo được phong học hàm sẽ rất lớn, lên đến hàng nghìn người. Như vậy, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước cũng không thể thực hiện được việc trao giấy chứng nhận với số lượng lớn như vậy.

PV: Hiện nay, số lượng lãnh đạo các cơ quan, công ty có học hàm, học vị cao tương đối lớn. Suy nghĩ của ông về việc thu hút họ vào giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ?

Ông Trần Anh Tuấn: Những người có học hàm, học vị, trình độ cao làm việc, công tác trong mọi lĩnh vực đều rất tốt. Có ý kiến cho rằng, họ chỉ nên giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ chưa thực sự hợp lý.

Theo quan điểm của tôi, những người có học hàm, học vị cao vẫn có thể quản lý tốt ở các cơ quan, công ty, chứ không phải là chúng ta nên chuyển họ sang giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ.

Điều quan trọng trong việc thu hút GS, PGS, tiến sĩ giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ là chúng ta phải có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở các trường tương xứng với trình độ đào tạo ở các nước trên thế giới.

PV: Trong những năm gần đây, nhiều trường ĐH, CĐ có những ngành nghề đào tạo đứng trước nguy cơ phải tạm dừng tuyển sinh vì không đủ giảng viên cơ hữu đạt trình độ cao. Theo ông, các trường cần phải làm gì để thu hút giảng viên có học hàm, học vị cao giảng dạy ổn định?

Ông Trần Anh Tuấn: Hiện nay, xu hướng trên thế giới là trình độ chuyên môn của giảng viên là phải nghiên cứu rộng.

Trong khi đó, ở Việt Nam, một số ngành nghề đào tạo bị chia quá nhỏ, quá sâu. Số lượng giảng viên đạt trình độ cao có thể đủ nhưng chia vào từng chuyên ngành nhỏ thì thiếu.

Để giải quyết thực trạng thiếu giảng viên trình độ cao ở các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường nên gộp các chuyên ngành lại để đủ rộng và có thể tận dụng trình độ chuyên môn của đội ngũ GS, PGS, tiến sĩ giảng dạy một cách phù hợp.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo VOV