Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2021 tại TP.HCM dự kiến diễn ra vào tháng 6. Để đạt kết quả tốt, học sinh cần lưu ý tránh lỗi mà thí sinh các năm trước mắc phải.
> Giảm nội dung và bài kiểm tra chưa làm giảm áp lực việc học
> Tuyển sinh lớp 10: Những kỹ năng quan trọng khi làm bài ở ba môn thi
Các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2020 tại TP.HCM
Những lưu ý về cấu trúc và lỗi kiến thức
Theo kế hoạch công tác năm học 2020 - 2021 đã được phê duyệt, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cho năm học tới vào tháng 6.2021.
Trong buổi họp giao ban với trưởng phòng giáo dục 24 quận, huyện về công tác chuyên môn mới đây, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT, đã có những thông tin đầu tiên về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cho năm học tới.
Theo ông Lê Duy Tân, về cơ bản kỳ thi tuyển sinh năm 2021 sẽ giữ ổn định từ hình thức thi cho đến định hướng đề thi, cấu trúc và nội dung. Để xét tuyển vào lớp 10 của khoảng 100 trường THPT công lập, thí sinh phải tham dự 3 môn Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán nếu đăng ký nguyện vọng lớp 10 thường và dự thi thêm môn chuyên nếu đăng ký nguyện vọng vào trường, lớp chuyên.
Lãnh đạo phòng chuyên môn giáo dục trung học nói thêm về đề thi. Ở môn Ngữ văn, cấu trúc đề sẽ gồm 3 phần: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (NLXH) (3 điểm) và 4 điểm còn lại dành cho phần nghị luận văn học (NLVH). Trong đó, phần đọc hiểu các văn bản được đề cập có thể là văn bản thông tin, văn bản NLXH, văn bản nghị luận, văn bản khoa học… với các câu hỏi được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ nhận biết đến vận dụng. Câu hỏi có thể yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã, phân tích, đánh giá, liên hệ so sánh sáng tạo nội dung. Phần NLXH sẽ có yêu cầu viết một bài văn ngắn có sự phối hợp giữa các thao tác lập luận vào bài làm, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân. Phần NLVH, thí sinh sẽ có 2 lựa chọn và đây cũng là câu phân loại trình độ, đánh giá cao sự sáng tạo, mở rộng liên hệ của thí sinh.
Ở môn Toán, đề thi bao gồm các dạng toán cơ bản thuần túy về đồ thị, hàm số, phương trình, các dạng toán thực tế, toán hình học. Ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên phụ trách môn toán của Sở, cho hay trong đề thi, các yêu cầu về kiến thức cơ bản sẽ chiếm 5,5 điểm trên thang điểm 10, phần còn lại là các bài toán thực tế.
Ông Lộc cũng lưu ý với học sinh lớp 9 năm nay về những lỗi sai mà thí sinh các năm trước còn mắc phải. Chẳng hạn trong quá trình học và ôn tập, cần rèn kỹ năng đọc hiểu và làm tròn số, xử lý số gần đúng.
Ở môn Tiếng Anh, đề thi cũng sẽ được tăng cường theo hướng ứng dụng ngoại ngữ trong các tình huống thực tế đời sống, tăng cường từ vựng, ngữ nghĩa của câu. Ngữ pháp chiếm khoảng 30 - 40% đề thi.
Học sao cho hiệu quả?
Từ những định hướng về đề thi nói trên, ông Đặng Hữu Trí, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết sẽ chủ động đổi mới cách dạy lồng ghép kiến thức thực tiễn phù hợp với từng chủ đề, bài dạy.
Học sinh cần phải chủ động hệ thống những kiến thức cơ bản ở các lớp dưới (chẳng hạn quy tắc làm tròn số). Rèn luyện kỹ năng đọc và phân tích đối với những đề bài tương đối dài, chọn lọc các ý chính để nhanh chóng tìm ra hướng đi cho bài toán. Luyện tập nhuần nhuyễn các dạng toán cơ bản sẽ dễ lấy điểm, phần này học sinh hay chủ quan vì bài dễ nên trong quá trình ôn tập thì không làm, đợi đến khi thi sẽ làm, rất dễ mất điểm. Không nên tập trung ôn quá nhiều vào những bài toán thực tế quá khó, mà nên ôn từ mức độ cơ bản trước, sau đó nâng cao dần lên.
Theo ông Trí, để tránh cách học nhồi nhét, học sinh nên ôn luyện theo chuyên đề, chẳng hạn các chuyên đề quan trọng như hệ phương trình, phương trình bậc hai, đồ thị parabol, các bài toán về góc, góc với đường tròn, tứ giác nội tiếp. Chủ động hệ thống những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao qua các bài giảng của thầy cô.
Với môn Ngữ văn, thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), chia sẻ trọng tâm kiến thức tập trung ở chương trình Ngữ văn lớp 9, tuy nhiên học sinh cần củng cố lại kiến thức ở các lớp dưới. Trong đó chú ý nội dung quan trọng như phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ, từ vựng.
Ở phần làm văn, trước tiên học sinh cần nắm chắc phương pháp làm 2 dạng bài NLXH, đó là nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lý. Tương tự với bài NLVH cũng cần nắm chắc 2 dạng bài cơ bản là nghị luận về một tác phẩm truyện hoặc đoạn trích và nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. Trong quá trình học, ôn tập cần nắm những lưu ý riêng trong thơ và truyện.
Ông Bảo còn nhấn mạnh để viết văn hay, các em cần phải rèn luyện nhiều. Tài liệu tham khảo tốt nhất là đề thi tuyển sinh các năm trước đây.
Theo Thanh Niên