Thi trắc nghiệm toán: Phải trả giá đắt
Hình thức thi sẽ kéo theo phương pháp dạy và học. Để thi trắc nghiệm, học sinh không cần hiểu vấn đề một cách thấu đáo và sâu sắc. Một phần khả năng tư duy, lý luận và biện luận sẽ bị thui chột đi. Học sinh sẽ kém hơn về khả năng lập luận chặt chẽ, trình bày rõ ràng, hợp lý, có logic và thuyết phục. Thực chất và cốt lõi của việc học toán là rèn luyện nội lực. Nội lực thâm hậu giúp chúng ta phát huy một cách hiệu quả các chiêu thức đã học. Khi chúng ta học toán một cách bài bản thì trí tuệ và tư duy sẽ phát triển một cách thầm lặng và vô hình.
Ở nước Úc, đề thi tú tài về môn toán, học sinh phải làm 2 bài thi vào hai ngày khác nhau. Lần thứ nhất là một bài bài thi tự luận gồm 9 câu tự luận ( 22 điểm) trong thời gian 75 phút. Lần thứ hai là một bài thi gồm 22 câu trắc nghiệm ( 22 điểm) và 5 câu tự luận ( 58 điểm) trong thời gian 135 phút. Như vậy, một đề thi toán của Úc, thực chất chỉ có khoảng 1/5 là phần trắc nghiệm khách quan (22/ 102điểm).
Thí sinh thi THPT quốc gia tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
Để làm đúng một câu trắc nghiệm, học sinh không cần trình bày, lý giải, chứng minh, và thậm chí đánh “lụi” vẫn có thể chọn đáp án đúng.
Để đối phó với hình thức thi trắc nghiệm, cách dạy và học sẽ khác. Năng lực tư duy toán học sẽ giảm sút và trong tương lai đội ngũ giáo viên dạy toán sẽ có nhiều khiếm khuyết về mặt trí tuệ. Các ngành khoa học khác có sử dụng toán học như một công cụ, chẳng hạn như vật lý, kiến trúc, y khoa, kinh tế... sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ ít đi những nhà nghiên cứu hàn lâm, mà sẽ có nhiều chuyên gia bấm máy tính. Việt Nam sẽ bớt đi những nhân tài, và nguyên khí quốc gia sẽ sút giảm.
Nếu hỏi đáp số một bài toán, có 2 học sinh A và B cùng trả lời đúng. Nhưng nếu phải trình bày cách giải đầy đủ, có thể xảy ra tình huống một em chỉ được 2 điểm, còn em kia được 10 điểm. Em làm đúng đáp số nhưng chỉ có 2 điểm vì đã sai ở vài khâu trung gian và lý luận không chặt chẽ và kiến thức có nhiều lỗ hổng. Vì vậy, việc làm bài thi trắc nghiệm môn toán không thể hiện đúng vấn đề nội tại là khả năng và kiến thức của học sinh.
Thầy Văn Phú Quốc - giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam:
Giảm sự hấp dẫn, thú vị của môn toán
Năm 2007 phương án thi trắc nghiệm đã từng thất bại trước sự phản đối của dư luận và giới chuyên môn.Việc chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm đột ngột sẽ làm cho giáo viên lẫn học sinh hoang mang vì chưa có thời gian để giáo viên chuẩn bị bài giảng và học sinh luyện tập giải đề. Chương trình sách giáo khoa lớp 12 chưa phù hợp để làm một nội dung thi trắc nghiệm phong phú, phát huy năng lực học sinh. Một đề thi trắc nghiệm của nước ngoài thì có sự liên hệ kiến thức từ tiểu học đến phổ thông nên dễ dàng đánh giá năng lực học sinh.
Việc thi trắc nghiệm sẽ giảm đi rất nhiều sự hấp dẫn, thú vị của môn toán khi thiếu sự trình bày lời giải. Việc trình bày bài toán rèn luyện cho học sinh khả năng suy luận lô gic, lập luận bài toán sâu sắc hơn, phát huy tính thông minh, sáng tạo hơn. Học sinh dễ dàng liên hệ, mở rộng kiến thức và những ứng dụng; những hình vẽ, bảng biểu, đồ thị,... giúp học sinh rèn luyện đức tính cẩn thận, tỉ mỉ. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều sau này trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Vẻ đẹp, sự tinh tế của toán học thông qua việc bố cục một lời giải cho bài toán tự luận. Nó không nằm ở sự lựa chọn mang tính chất "may mắn" như bài toán trắc nghiệm.
TS Nguyễn Cam- nguyên giảng viên toán Trường ĐH Sư phạm TP HCM
Quá đột ngột
Thi trắc nghiệm môn toán cho kỳ thi THPT quốc gia là giải pháp tốt phục vụ cho kỳ thi có cả gần triệu thí sinh. Nói vậy, không phải tôi vô tư ủng hộ mà tôi quan tâm đến chất lượng của ngân hàng đề thi. Mục đích của kỳ thi như thế nào và chất lượng đề thi có phục vụ mục tiêu đó hay không? Đối với đề thi trắc nghiệm khách quan phải đảm bảo các quy trình và tôi cho rằng thi trắc nghiệm toán cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 là quá đột ngột.
Thi tốt nghiệp 2017, tuyển sinh 2017
Theo NLĐ, nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/thi-trac-nghiem-toan-phai-tra-gia-dat-2016091510150797.htm