Chia sẻ quan điểm của mình trong buổi tọa đàm, GS Toán học Phùng Hồ Hải - Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam – cho rằng trắc nghiệm môn Toán chỉ chấm được kết quả, chứ không chấm được quá trình tư duy.
Ông đánh giá đề thi Toán những năm gần đây đã bao phủ được kiến thức căn bản môn Toán, tình trạng lò luyện thi giảm bớt. Tuy nhiên, ông khẳng định đề thi chưa chuẩn hóa.
Là một giáo viên đứng lớp, ông Phan Văn Thái – giáo viên Toán Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nêu ý kiến trả lời cho băn khoăn của ông Hải.
Ông Thái cho rằng, khi bắt tay vào làm trắc nghiệm mới biết tự luận dù hay nhưng độ phủ không hết, bài thi trắc nghiệm có độ phủ kiến thức rộng hơn. “Thi trắc nghiệm đòi hỏi kiến thức rộng hơn, những phần kiến thức trước đây học sinh lờ đi bây giờ phải học bài bản, chi tiết, học kỹ hơn mới làm được bài. Giáo viên cũng phải dạy kỹ hơn”.
Trước đây, bản thân ông Thái cũng băn khoăn về nhiều nội dung khá hay trong SGK mà không hỏi đến được vì ưu tiên phần khác.
“Nếu năm nay thi trắc nghiệm mà chỉ trong chương trình lớp 12 như Bộ dự định thì sẽ hỏi được. Khắc phục được học tủ. Thi tự luận chắc chắn có học tủ. Bây giờ trắc nghiệm không lo học tủ nữa, hoàn toàn có thể hỏi được cả độ rộng và độ sâu.
Có bài thi tự luận trình bày cả trang 15’, trong khi nếu thi trắc nghiệm chỉ cần nháp ra kết quả mất 3 - 5 phút. Khối lượng công việc giải quyết được rất nhiều, dù trình bày không bài bản được. Không viết ra nhưng học trò cũng nháp trong tư duy và làm việc với tốc độ rất nhanh” – ông Thái khẳng định.
Thi trắc nghiệm vì không cần sáng tạo?
Trong buổi tọa đàm này, phản biện về việc bài thi trắc nghiệm sẽ làm hạn chế sức sáng tạo của học sinh trong việc đưa ra những cách giải đa dạng, PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam) khẳng định, môn Toán thi tốt nghiệp THPT không đòi hỏi sự sáng tạo, mà cũng không thể sáng tạo được.
“Sáng tạo là cách giải mới. Bài thi Toán bao nhiêu năm nay chỉ có câu 10 để học sinh sáng tạo, nhưng rất hiếm em làm được điều đó. Một đề thi có 10 bài, các em được học kỹ năng về các bước đi, đường giải. Gặp bài toán đó là giải theo cách đó”.
Bà Nga cho rằng học sinh lớp 12 phải kiểm tra kiến thức cơ bản đầu tiên, chứ không đi sâu. Vì vậy mục tiêu của Toán là kiểm tra được nhiều kiến thức cơ bản nhất, sau mới phân hóa. Với 50 câu là đủ từ dễ đến khó để phân hóa học sinh.
Trong khi đó, ông Hải nhận định, kỳ thi này không chỉ là tốt nghiệp. “Theo tôi quan sát, đa số các trường đại học hiện nay vẫn sử dụng kết quả thi này để xét tuyển đại học, và cuối cùng tiền vẫn đổ vào kì thi, nên kì thi này vẫn là kì thi quan trọng. Nếu như kỳ thi SAT của Mỹ một năm có 7 lần, thì chúng ta mỗi năm chỉ có một cơ hội cho thí sinh”.
Ông Hải cũng cho rằng giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng của Pháp và Liên Xô cũ và hiện nay, cả hai nước này vẫn dùng đề thi tự luận, mỗi đề thi kéo dài khoảng 4 tiếng.
Theo ông Hải, hình thức thi trắc nghiệm là chịu ảnh hưởng của Mỹ. “Nếu chuyển sang trắc nghiệm có ai khẳng định sẽ không học tủ? Theo quan sát của tôi, hiện nay ở trên mạng đề luyện thi rất nhiều, nhưng cũng có nhiều đề sai. Đến đề thi tự luận đã làm năm bảy chục năm nay vẫn còn sai thì chuyển sang trắc nghiệm sẽ thế nào? Học sinh sẽ không biết đâu mà lần, đi học thầy nhưng thầy cũng chưa biết như thế nào. Các thầy cũng phải học từ đầu” – ông Hải nêu một thực tế.
Trái ngược với ý kiến của ông Hải, bà Nga cho rằng giáo dục của ta không còn ảnh hưởng gì của giáo dục Pháp hay Nga nữa. “Trắc nghiệm khách quan cũng không phải chỉ của Hoa Kỳ, mà của cả thế giới. Hoa Kỳ có SAT, GMAT nên được nhiều người biết tới. Các nước khác cũng thi trắc nghiệm rất nhiều, như Úc” – bà phản biện.
Về tâm lý hoang mang của giáo viên và học sinh như ông Hải nói đến, thì ông Thái thừa nhận “Tâm lý giáo viên chưa đặt bút làm thì hoang mang thật, nhưng khi đặt bút làm sẽ thấy bình thường, cũng chỉ gấp gáp vài tháng đầu. Tôi nghĩ là tâm lý sẽ giải tỏa được”.
Theo ông Thái chia sẻ, chỉ có giáo viên là hoang mang, còn học sinh của ông hầu hết đều thích thú với hình thức thi trắc nghiệm môn Toán.
Những câu hỏi chờ Bộ giải đáp
Tại buổi tọa đàm, vấn đề làm đề thi được cả ông Thái và ông Hải băn khoăn nhất.
Theo ông Hải, trên cơ sở giả định là có đề thi tốt và học sinh học nghiêm túc, nếu Bộ muốn mỗi học sinh có đề riêng và không thể quay cóp, thì trong một phòng thi sẽ có 30 đề thi và có 1500 câu.
“1500 câu hỏi này sẽ phải lấy từ ngân hàng. Để chọn ra được 1500 câu thì ngân hàng đề phải có gấp mươi lần số đó” - ông Hải đặt vấn đề “Sang năm 2017 chúng ta có đủ thời gian để chuẩn bị hay không?”.
Ông Thái cho biết bản thân ông cũng đang chờ đợi đề thi mẫu của Bộ sẽ công bố trong một vài ngày tới.
Trong khi đó, theo bà Nga, dù chưa biết hiện tại Bộ GD-ĐT đã làm đến đâu nhưng việc Bộ chọn lọc câu hỏi từ ngân hàng đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội là phù hợp.
Tuy nhiên, ông Hải lại cho rằng vì ĐHQG Hà Nội cũng chưa từng công bố đề thi đánh giá năng lực nên cũng chưa thể biết hay hay dở.
Về việc chuẩn bị cho ngân hàng đề thi, nhà báo Lê Hạnh đặt vấn đề, nếu Bộ có giải pháp huy động nguồn lực xã hội, Hội Toán học có thể tham gia như thế nào?
Với câu hỏi này, ông Hải cho biết “Nếu Bộ huy động với tư cách cá nhân thì có thể tham gia. Còn với tư cách của Ban chấp hành Hội thì chúng tôi sẵn sàng tham gia và thảo luận có thực sự cần thi trắc nghiệm không…”.
Các khách mời đều thống nhất rằng hiện đang chờ đợi phương án thi của Bộ, đặc biệt là công tác chuẩn bị ngân hàng đề thi.
Tuyển sinh 2017
Theo Vietnamnet, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/330030/thi-trac-nghiem-mon-toan-co-lam-duoc-trong-nam-2017.html