Thi THPT quốc gia: Rối lại thêm rối

Việc UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Bộ GD&ĐT về đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TP.HCM từ năm 2017 đã khiến phụ huynh học sinh (HS) và các trường THPT không khỏi lo lắng cho kỳ thi tới đây.

Theo như đề án của UBND trình Bộ GD&ĐT, lộ trình thực hiện sẽ có hai giai đoạn.

Thi toán, ngữ văn và ngoại ngữ

Giai đoạn 1: Năm 2017, công tác thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức vào ngày 2 và 3-6. Thí sinh dự thi ba bài thi: ngoại ngữ (90 phút), ngữ văn và toán (120 phút). Đối với hệ giáo dục thường xuyên thì bài thi ngoại ngữ sẽ thi môn thay thế. Đề thi sẽ do Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm tổ chức ra đề.

Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu ở lớp 12 nhằm kiểm tra bao quát kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực tiễn của HS.

Điểm mỗi bài thi được quy về thang điểm 10. Điểm xét tốt nghiệp gồm điểm ba bài thi, điểm ưu tiên, khuyến khích và điểm trung bình cả năm lớp 12.

Xét công nhận tốt nghiệp THPT đối với các trường hợp được miễn thi và những thí sinh đủ điều kiện dự thi theo quy chế thi hiện hành của Bộ GD&ĐT, thi đủ các bài, không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên, các bài thi đạt trên 1 điểm và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 trở lên.

Ở giai đoạn 2, từ năm 2018 trở đi, ngoài ba bài thi như giai đoạn 1, thí sinh sẽ thi thêm môn tích hợp với thời gian làm bài 120 phút. Tuy nhiên, điểm xét tốt nghiệp sẽ không lấy điểm học bạ (trung bình cả năm lớp 12) như giai đoạn 1 nữa.

Chưa khả thi

Theo phó hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM, phương án của TP đưa ra vào thời điểm này chỉ gây thêm hoang mang cho các trường và phụ huynh HS. Bởi phương án này “chọi” với dự thảo mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra về số bài thi, đề thi và mục đích thi.

Phương án của Bộ thi 4-5 bài thi, đề theo hướng trắc nghiệm và đáp ứng cả xét tốt nghiệp lẫn xét lên đại học (ĐH), còn của TP thì ngược lại. TP chỉ thi ba bài thi (toán, văn, ngoại ngữ) trong khi gần như 100% HS ở TP thi để xét tuyển ĐH-CĐ là chính. Như vậy, liệu có xảy ra tình trạng cùng trong một TP nhưng HS chia thành hai nhóm, thi hai kiểu thi khác nhau vừa của Bộ vừa của TP, hoặc một em phải thi hai lần vì quan trọng vẫn là xét tuyển ĐH. Như vậy thì càng làm tăng áp lực và tốn kém thêm cho phụ huynh HS.

Các trường ĐH cũng sẽ tuyển sinh 2017 thế nào để công bằng cho cả HS TP và HS các tỉnh, thành khác. Ngay cả phương án của Bộ khi thi theo tổ hợp môn (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) đã khiến các trường ít nhiều lúng túng khi đưa ra phương án tuyển sinh sao cho phù hợp, giờ cộng thêm phương án này sẽ rắc rối thêm.

“Nhiều trường hiện nay đã rục rịch định hướng dạy và học theo hướng trắc nghiệm và tổ hợp của Bộ rồi, giờ thêm phương án của TP thì HS phải làm sao. Bộ nên có quyết định sớm để các trường yên tâm dạy và học” - vị này nói.

Cô ML, giáo viên môn hóa tại một trường THPT, cho hay phương án của TP chỉ hợp lý khi Bộ giao quyền thi và công nhận xét tốt nghiệp cho từng địa phương. Khi đó, các trường ĐH sẽ có cách tuyển sinh riêng sao cho phù hợp. Còn ở thời điểm này thì sẽ gây bối rối cho cả HS lẫn các trường ĐH.

Hạn chế cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ

Ngay sau khi Sở GD&ĐT TP.HCM có tờ trình gửi Bộ GD&ĐT về đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TP từ năm 2017, đại diện các trường ĐH cho rằng đề xuất này vội vàng và chưa đáp ứng yêu cầu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Trong đó, với ba môn thi toán, văn, ngoại ngữ chỉ đáp ứng xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển theo truyền thống khối D (toán, văn, ngoại ngữ), trong khi các khối A, A1, B lại phổ biến hơn để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng HS cuối cấp THPT (lớp 12) đã có định hướng các tổ hợp xét tuyển vào các ngành/trường ĐH,CĐ từ hai năm trước, nhưng đề xuất của Sở GD&ĐT TP.HCM vừa công bố là vội vàng. Theo TS Anh, phương án đề xuất này mới chỉ đáp ứng việc xét tốt nghiệp THPT, còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhận định: Có thể ý tốt của Sở GD&ĐT TP.HCM là giảm áp lực thi cử, giảm thời gian và chủ yếu đáp ứng mục đích xét tốt nghiệp cho HS. Tuy nhiên, nếu chỉ thi ba môn, tức chỉ được một tổ hợp xét tuyển thì đồng nghĩa với việc giảm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ của các em.

PHONG ĐIỀN

___________________________________

Theo đề án này, ngoài các trường hợp được miễn thi theo quy định của Bộ GD&ĐT, TP đề nghị mở rộng các trường hợp miễn thi THPT quốc gia như HS khuyết tật; HS đoạt giải nhất, nhì, ba (giải thưởng, huy chương) ở các môn của kỳ thi HS giỏi cấp TP, cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; HS đạt giải cao ở các kỳ thi thể dục thể thao và khoa học kỹ thuật...

 


Theo PLO, nguồn: http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-roi-lai-them-roi-654204.html