Sau khi phân tích đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, nhiều giáo viên nhận định rằng phổ điểm môn này sẽ khoảng 6-7 điểm.
> Đề thi môn Văn THPT quốc gia 2019 'Ai đã đặt tên cho dòng sông'
> Gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia 2019
Thí sinh tại các điểm thi THPT Quốc gia 2019
Cô Nguyễn Kim Anh cho rằng, so sánh với đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm trước, có thể thấy rõ đề năm nay vừa sức với học sinh hơn, khoa học và khơi gợi sáng tạo. Tuy nhiên, với nhiều học sinh không say mê học môn ngữ văn thì sẽ luôn thấy ngại thể loại bút ký, vốn hiếm gặp trong chương trình ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông.
"Tôi nghĩ với học sinh của tôi hay học sinh Hà Nội thì việc đạt yêu cầu là chắc chắn. Với những học sinh học ban D, là những em cả 3 năm theo học chú trọng các môn khoa học xã hội và có nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH khối có sử dụng điểm môn ngữ văn, thì phổ điểm khoảng từ 6 - 7 điểm", cô Kim Anh nói.
Về kiến thức tổng thể, theo cô Kim Anh, đề thi môn ngữ văn đảm bảo được tính sáng tạo và khoa học. Trong một đề văn, học sinh đã được “gặp” đủ các thể loại: câu đọc hiểu là thơ và câu nghị luận văn học là văn xuôi. Đoạn văn xuôi thuộc thể ký nhưng đó lại là đoạn mang chất văn sâu đậm, bởi sự sáng tạo và tài hoa. Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường không những là những ghi chép mang tính nghệ thuật mà con mở ra những vùng tưởng tượng và xúc cảm với phương thức biểu đạt miêu tả và biểu cảm hòa quyện. Đúng như nhà văn Nguyễn Tuân đã nhận xét: “Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa”.
Nói về "khát vọng" không cần dài
Ở câu đọc hiểu, theo cô Kim Anh, độ mở của đề đều có ở các câu hỏi với các mức độ khác nhau, trong phần đọc hiểu thì ở câu 3 có thể thấy câu: “Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng/ Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm” sẽ mở ra nhiều tầng suy nghĩ của học sinh. Các em có thể nhìn thấy dưới lớp sóng khơi là mồ hôi công sức lao động, là máu xương bảo vệ lãnh hải, là lịch sử bao đời để gìn giữ chủ quyền của Tổ quốc. Khẳng định không thế lực nào, dù ngang ngược đến đâu cũng không thể đổi thay sự thật lịch sử.
Câu 4, theo cô Kim Anh, đề yêu cầu viết suy nghĩ của thí sinh về hành trình theo đuổi khát vọng. Đây cũng là một câu rất mở, vì cái khó của câu 4 là nói chuyện lớn lao trong một dung lượng nhỏ. Học sinh có thể viết cả trang về khát vọng mà không đạt yêu cầu nếu không có được những ý thuyết phục. Trong khi đó, chỉ cần viết khoảng 7-8 dòng lại có thể đạt điểm tối đa 1 điểm cho câu này. "Bởi vì nói về khát vọng từ những ai không thật hiểu khát vọng là gì, và không có khát vọng thực thì sẽ rất nhạt. Câu này dễ sa đà vào sáo rỗng", cô Kim Anh lý giải.
Về câu nghị luận xã hội, theo cô giáo dạy ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, trong phần làm văn, câu 1, đề yêu cầu viết đoạn luận xã hội, học sinh còn cần có những liên hệ thực tế để thấy được sức mạnh và ý chí của con người trong cuộc sống. Cảm thụ một tác phẩm văn học nhưng lại có kết nối với cuộc đời khiến tác phẩm có một đời sống nữa trong tâm trí người tiếp nhận. Học sinh khi học mà có thói quen suy luận bài học cuộc sống từ nội dung văn học sẽ dễ dàng làm thành công yêu cầu liên hệ của đề. Như vậy, so sánh liên hệ từ câu thơ về biển cả với đời sống của con người, của cả dân tộc, nối bao đời.
Học sinh có thể liên hệ ứng chiếu với hành trình rèn luyện của một con người trong đời sống, cần phải có sức mạnh và ý chí vượt qua gian truân thử thách, để trưởng thành, hoàn thiện và thành công.
Yêu cầu dễ hơn đề minh họa
Với câu nghị luận văn học, cô Kim Anh cho rằng đề thi ngữ văn năm nay nằm trong nội dung học sinh được học trong cấp THPT và đặc biệt là lớp 12. Học sinh không bất ngờ nội dung và cấu trúc cơ bản khá sát với đề minh họa. Trong phần nghị luận văn học, ngữ liệu khai thác không ở thế yêu cầu so sánh hai ngữ liệu như đề minh họa nên có phần đỡ khó hơn.
Thí sinh là học sinh học ở mức độ trung bình sẽ không bị thử thách nhiều về khả năng ghi nhớ, vì đã được đề cung cấp sẵn và đủ để có thể dựa vào đó viết được những dòng cảm nhận của mình. Tuy nhiên, đó là yêu cầu ở mức đơn giản.
Về mặt nội dung, học sinh có thể lần lượt phân tích các chi tiết trong đoạn trích, đó là việc cần hiểu được sâu sắc nội dung và ý nghĩa của đoạn văn thông qua diễn tả dòng sông Hương ở trường đoạn từ trong rừng già chảy về đồng bằng.
"Đề không khó nhưng cũng không thể nói là dễ. Đề đạt được tính phân hóa rõ ràng. Vì học sinh chỉ học máy móc mà không có kỹ năng suy luận và liên hệ về nghệ thuật cũng như liên hệ với cuộc sống thì cũng khó có thể đạt điểm khá, giỏi", cô Kim Anh nhận xét, đồng thời cho rằng, về mặt nghệ thuật, học sinh cần chỉ ra được những nét đặc sắc nghệ thuật của thể loại bút ký, phong cách tài hoa với những liên tưởng, tưởng tượng độc đáo của nhà văn. Đặc biệt là nghệ thuật nhân hóa nhuần nhuyễn và thống nhất để có thể thấy được hành trình dòng sông được ẩn dụ cho hành trình cuộc đời.
Theo Thanh niên