Hà Nội: đề thi vừa sức với thí sinh, xâm nhập mặn vào đề thi
Tại điểm trường ĐH Thủy Lợi, lúc 9g35, những thí sinh đầu tiên rạng rỡ bước ra cổng trường sau khi hoàn thành môn thi Địa lí. Nhiều thí sinh nhận định đề thi vừa sức với thí sinh, không quá đánh đố với các thí sinh tốt nghiệp, dễ ăn điểm.
Thí sinh Phạm Quang Hậu, quê ở Hải Dương, dự định thi ngành quân sự cho hay, em thấy đề thi dễ, phù hợp với thí sinh. Đề có tất cả có 4 câu, khó nhất ở câu hạn mặn ĐBSCL nhưng Hậu vẫn dự đoán đạt 80%.
Còn em Nguyễn Văn Quân, quê ở Hải Phòng cũng nhận định đề thi năm nay vừa sức và thấy khó nhất ở câu xâm nhập mặn.
Thí sinh Mai Thùy Linh, học trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho hay Địa lí không phải là sở trường của em nên chỉ nhận định đạt 50%, đề thi khó hơn năm ngoái nhưng lại vừa sức với thí sinh. “Em chỉ làm những câu em ôn được. Trải qua 3 ngày thi, em thấy hạnh phúc do trải qua một quá trình ôn tập căng thẳng”, Linh chia sẻ.
9g30 rất nhiều thí sinh tại trường HV Báo chí và Tuyên truyền đã hoàn thành và ra khỏi phòng thi với nét mặt vui tươi. Các thí sinh nhận định đề Địa năm nay khá dễ, thi tốt nghiệp điểm 5 cũng dễ. Nhiều thí sinh học khối B, D cũng cho rằng đề địa năm nay dễ, làm được nhiều và thời gian ngắn.
Thí sinh Nguyễn Công Thành, trường Đoàn Thị điểm, học khối D cho biết em làm được hết bài, đề năm nay vừa sức với học sinh.
Tại điểm thi Đại học Lâm nghiệp Hà Nội,em Nguyễn Lệ Quyên ra khỏi phòng thi từ khá sớm. Quyên cho biết: "Dù làm được hết nhưng em thấy đề thi năm nay khá khó. Em thấy khó nhất là câu cuối cùng về Đồng bằng sông Cửu Long. Em nghĩ là mình chỉ được tầm 7-8 điểm".
Khác với Quyên, một số thí sinh khác lại cho rằng đề thi khá dễ. Có em còn nói vui "chắc là Bộ GD-ĐT năm nay cho gỡ điểm"
Phú Quốc: môn Địa tự tin lấy 5 điểm
Thí sinh cho biết đề thi Địa lí sáng nay nội dung trong Atlat đã chiếm 2 điểm, 3 điểm liên quan đến đồng bằng sông Cửu Long. Các em đã ôn khá kỹ phần này nên khi vừa ra khỏi khu vực thi đã rất tự tin tuyên bố mình trên 5 điểm. Ở Phú Quốc, phần lớn thí sinh chỉ chọn môn Địa để xét tốt nghiệp.
Thí sinh Vũ Cao Cường nhận định đề thi môn Địa khá dễ, có những câu không cần phải học bài, chỉ cần có kiến thức xã hội là làm được. (HOÀNG TRUNG)
Huế: Đề nằm trong chương trình ôn luyện
Sáng nay 3-7, nhiều điểm thi ở cụm thi THPT quốc gia tại Huế tạm đóng cửa vì lượng thí sinh đăng kí dự thi môn này không nhiều.
Tại điểm thi Trường ĐH Y dược - ĐH Huế, ngay sau thời điểm 2/3 thời gian làm bài, gần như nhất loạt thí sinh làm xong bài và rời khỏi phòng thi. Hầu hết các thí sinh nhận xét đề địa lý khá dễ và làm nhanh xong.
Bạn Hoàng Anh, thí sinh tại Trường ĐH Y dược - ĐH Huế, cho biết: "Em làm xong cả bốn câu hỏi, đề khá dễ, khả năng em đạt điểm 8 khá cao".
Đề thi môn địa lý gồm 4 câu hỏi trong đó câu số 4 nhấn mạnh về tình trạng xâm thực mặn ở vùng dồng bằng sông Cửu Long và câu hỏi khác xoay quanh vấn đề đô thị hóa của đất nước được nhiều thí sinh cho biết có chú ý ôn bài trong thời gian luyện thi.
TP.HCM: Thí sinh nói đề dễ
Tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn, đúng 9g30, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng thoải mái. Đa số các thí sinh đánh giá đề vừa sức, thậm chí dễ ở câu biểu đồ và đọc atlat.
Thí sinh Nguyễn Thế Thư, THPT Võ Văn Tần, tỉnh Long An, cho biết mình làm được 60%. Thư mất thời gian ở câu đầu tiên về bảo tồn và phát triển nền sinh học ở Việt Nam.
“Mới vô đọc câu 1 em thấy lạ quá, chưa từng làm bao giờ nên cũng hoang mang. Nhưng 3 câu còn lại khá đơn giản, đặc biệt là câu đọc atlat vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và ven biển miền Trung em đã ôn rất kỹ. Đề như vậy là quá dễ!”, Thư cho biết.
Thí sinh Trần Thanh Tâm, THPT Đông Thạnh, tỉnh Long An, cho biết câu vẽ biểu đồ tròn và câu vùng kinh tế trọng điểm là hai câu dễ lấy điểm. Bên cạnh đó, câu cuối về vấn đề ngập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long khiến em phải trình bày kỹ lưỡng một chút. Tuy nhiên, Tâm tự tin mình được 5 - 6 điểm.
Tại hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng có nhiều thí sinh ra về sớm. Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề tương đối dễ, bám sát chương trình học, có thể đạt từ 7 điểm trở lên.
Thí sinh Huỳnh Thị Mỹ Linh, học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, cho biết: "Trong đề có nhiều câu thiên về kỹ năng sử dụng Atlat nên nếu quên bài, thí sinh vẫn có thể làm được. Câu biểu đồ đề cũng cho sẵn là biểu đồ tròn nên không sợ vẽ nhầm. Em nghĩ mình làm được 80%".
Nhiều thí sinh cũng chia sẻ rất thích câu cuối cùng là về vấn đề xâm nhập mặn ở ĐBSCL vì mang tính thời sự và nằm trong dự đoán của nhiều học sinh.
"Câu cuối này khá hay, gần gũi với thực tế, em cũng đã tham khảo một số thông tin thời sự gần đây về vấn đề này nên em khá tự tin", thí sinh Hoàng Minh, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Định, nói.
Vừa hết 2/3 thời gian làm bài thi, nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Gia Định ra về với vẻ mặt hớn hở, vừa cười đùa vừa bàn luận sôi nổi và kết luận đề địa lí năm nay dễ.
“Em thấy đề dễ, tất cả câu hỏi đều có trong đề cương ôn tập của tụi em, biểu đồ và các câu hỏi kĩ năng đều không quá khó”, thí sinh Phương Thanh, học sinh Trường THPT Phước Triển, huyện Nhà Bè, ra gần như sớm nhất chia sẻ.
“Đề rất dễ, sát với thực tế. Các câu hỏi trong đề gắn với tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, tình trạng ô nhiễm môi trường trên trái đất và phương pháp bảo vệ môi trường hiện nay”, thí sinh Tạ Đăng Nhật Dương, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi vui vẻ nói.
Tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) đã có đông thí sinh hoàn thành bài thi môn địa với gương mặt rạng rỡ tươi cười. Các thí sinh này hồ hởi cho biết đề thi môn địa ra trúng dự đoán về vấn đề xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL.
Thi sinh Trương Thị Diệu Trúc, THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, cho biết: "Đề thi đúng như thầy cô em dự đoán. Các câu hỏi thú vị và biểu đồ không khó lắm nên em làm chắc 90%".
Còn thí sinh Nguyễn Văn Hùng, THPT Phú Hoá, huyện Củ Chi, hào hứng nói: "Đề rất hay khi đề cập đến những vấn đề thời sự hiện nay. Khi đọc đề em vô cùng hứng thú và tự tin làm bài. Em làm hết nhưng chỉ dám chắc sẽ đạt 8 điểm"
9g35, những thí sinh đầu tiên tại tại điểm thi Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (thuộc cụm thi của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã rời khỏi khu vực thi sau khi kết thúc bài thi môn địa lý. Các thí sinh hầu hết đều phấn khởi và cho rằng đi thi khá dễ.
“Em làm được chắc khoảng 80%. Đề thi khá dễ. Em thấy câu liên quan đên bảo vệ môi trường sinh thái khá hay”, Tuấn Hưng, học sinh Trường TH-THCS-THPT Việt - Úc, cho biết.
Hết 2/3 thời gian thì Địa lí, nhiều thí sinh tại điểm thi trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã phấn khởi rời khỏi phòng thi. Các em cho biết đề Địa lí dễ
Thí sinh Trần Ngũ Quang Huy, học sinh trung tâm giáo. dục thường xuyên Q.2, hào hứng: "Em làm gần hết đề, em học tủ phần hạn mặn và đề ra trúng luôn. Bài này em được khoảng 9 điểm."
Thí sinh Bùi Thị Lệ, Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Thủ Đức, tâm sự: "Phần biểu đồ tròn em làm tốt nhất, chắc đúng trọn vẹn. Em dự đoán làm chính xác 90%."
Quảng Ninh: đề thi gắn thực tiễn, thí sinh...thở dễ
9g45, tại điểm thi trường THPT Văn Lang, TP Hạ Long, nhiều thí sinh ra khỏi trường thi khá sớm. Các thí sinh cho biết, đề thi môn địa năm nay tương đối dễ thở và có thể giành được điểm cao.
Thí sinh Nguyễn Trương Phương Anh tự tin cho biết em làm bài thi chỉ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, còn lại là soát bài mà vẫn dư thời gian. “Đề thi năm nay gắn với thực tiễn nên dễ cho thí sinh. Trong đó câu về xâm nhập mặn là khá hay. Em dự đoán được khoảng 8 điểm”.
Trong khi đó, thi sinh Vũ Thị Mai Phương cho biết, dù em dự đoán trật đề sang phần phân tích khí hậu Việt Nam nhưng cũng dễ dàng đạt 6 điểm, đề thi năm nay khá vừa sức.
Đà Nẵng: trúng "tủ", nhiều thí sinh ra sớm
Tại điểm thi trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ngay khi tiếng trống báo hiệu hết 2/3 giờ thi địa lí, nhiều thí sinh đã nộp bài rời khỏi phòng thi. Theo các thí sinh, đề thi năm nay dễ đoán, những câu hỏi tập trung vào kiến thức cơ bản nên khá dễ.
Thí sinh Trần Văn Xinh cho biết đã đoán trúng được 2 câu trong đề thi này. Đó là câu hỏi về đa dạng sinh học và câu hỏi về vấn đề xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.
“Em không thi khối C nên ngay khí kết thúc bài thi là ra liền. Đề năm nay dễ hơn năm ngoái và xoay quanh vấn đề kinh tế ven biển và vấn đề nóng ở đồng bằng sông Cửu Long nên em nhiều bạn kết thúc bài thi sớm. Với đề thi năm nay thí sinh rất dễ lấy điểm trung bình vì câu hỏi ra những vấn đề thiết thực trong sách, có học là làm được”, Xinh nhìn nhận.
Còn thí sinh Lê Thị Thanh thì nhận định cả bốn câu hỏi trong đề thi đều dễ bởi câu 1 và câu 4 nhiều người đoán được. Riêng câu 2 dựa vào Atlat thí sinh nào cũng làm được. Thanh nói: “So với đề thi các năm em tham khảo thì đề năm nay là dễ nhất. Riêng câu hai dựa và Alat coi như biếu không cho thí sinh hai điểm”.
Nghệ An: thí sinh “thở phào” vì đề Địa lý dễ kiếm điểm 6, 7
Nhiều thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, Nghệ An “thở phào” sau khi kết thúc môn địa lí sáng 2-7. Phần lớn thí sinh đều phấn khởi cho biết đề thi dễ kiếm điểm 6, 7.
Rời phòng thi sớm nhất tại điểm thi này, thí sinh Cao Minh Quang, Trường THPT Diễn Châu 3 cho biết đề thi năm nay vừa với học sinh, đề thi nằm trong chương trình học, không có nhiều câu đánh đố, phần vẽ biểu đồ hình tròn nói về cơ cấu ngành.
“Đề thi có tính phân loại giữa học sinh thi lấy điểm xét tuyển ĐH, CĐ và thí sinh chỉ lấy điểm tốt nghiệp, đặc biệt là ý hai của câu 4 nói về xâm nhập mặn giành cho học sinh khá, giỏi”, Quang nói.
Thí sinh Nguyễn Thị Phương Thảo, học sinh lớp 12C6, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cũng nói đề dễ, học sinh ôn tập kỹ dễ kiếm điểm 6, 7. “Em nghĩ đề thi địa năm nay tương đối dễ, chỉ sau 2/3 thời gian em đã làm được bài. Em thấy câu Atlat nói về GDP của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên 9 tỉ đồng và các tỉnh ven biển miền Trung rất dễ…Nhiều bạn trong phòng em cũng làm được bài và ra sớm”, Thảo nói.
Ghi nhận thời tiết tại TP Vinh tương đối mát mẻ, dễ chịu. Do môn địa có số thí sinh đăng ký dự thi ít hơn so với các môn thi trong hai ngày đầu tiên nên lượng thí sinh, phụ huynh không đông nên không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông trên các tuyến phố. (DOÃN HÒA)
Quảng Ngãi: ôn cho Văn lại trúng tủ Địa lí
"Câu các khu kinh tế biển ở Miền Trung khá hay. Em đã “trúng tủ” câu này”, thí Sinh Phạm Phương Khánh nói.
Nhiều thí sinh khác rất hứng khởi khi bước ra khỏi điểm thi. Nhiều thí sinh cho biết đã “trúng tủ” câu hạn mặn. “Phần nguyên nhân tụi em đã đọc báo nhiều thì cũng đã rõ, hiện sông Mê Kông đang bị nắn dòng, không chỉ Đồng bằng Sông Cửu Long mà Campuchia cũng đang thoi thóp. Ngoài ra còn có vấn đề cố hữu là do biến đổi khí hậu… Em đã chuẩn bị phần này cho môn Văn không ngờ lại trúng Địa”, thí sinh Hồ Hoàng Sơn cười tươi. (TRẦN MAI)T
Thí sinh Bến Tre dư cả tiếng để xem lại bài
Dù còn hơn 40 phút nữa mới hết thời gian chính thức làm bài thi môn địa nhưng rất nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THPT Mỹ Hóa, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã rời khỏi phòng thi với vẻ mặt hớn hở.
Em Huỳnh Thanh Nhã, học sinh trường THPT Trương Vĩnh Ký, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết đề môn địa rất dễ, đều đã được dạy trong trường nên làm nhanh, còn khoảng một tiếng đồng hồ dư để kiểm tra lại bài và ra sớm.
Em Mai Hải Trọng Tình, thí sinh tại điểm thi ở TP Bến Tre cho biết đề môn địa dễ và khá thú vị với câu hỏi có liên quan thiết thực với thực trạng của địa phương. Đó là câu hỏi về thực trạng tình trạng xâm nhập mặn, biển đổi khí hậu. Dù ít đọc báo, xem tivi nhưng ở trường cô giáo đã lưu ý về vấn đề này nên em đã làm rất tốt.
Thí sinh đồng bằng “trúng tủ” xâm nhập mặn
Tại cụm thi trường ĐH Cần Thơ, nhiều thí sinh hồ hởi đề thi năm nay vừa sức, ngắn gọn, chưa hết giờ làm bài nhưng nhiều thí sinh đã hoàn thành bài thi. Đặc biêt, nhiều thí sinh rất mừng khi “trúng tủ” vấn đề xâm nhạp mặn.
Thí sinh Lê Diễm Thúy, trường THPT Châu Văn Liêm nói đề thi dàn trải ở tất cả các vùng miền, Thúy tâm đắc nhất là câu hỏi mang tính rất thời sự hiện nay là vấn đề xâm nhập mặn ở ĐB SCL. “Mặc dù thầy cô không nói trọng tâm bài học, nhưng qua báo đài thời sự hiện nay, em tin chắc vấn đề biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn sẽ có trong bài thi dù ít hay nhiều”.
Còn thí sinh Phạm Thành Minh, THPT Thốt Nốt (huyện Thốt Nốt), cho biết câu hỏi về xâm nhập mặn, Minh vận dụng cả kiến thức trong sách giáo khoa, Atlat nhưng không nhiều, chủ yếu Minh dẫn chứng nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn trong thời gian qua từ nhiều nguồn sách và báo chí mà mình thu thập được.
Thái Nguyên: vui quá vì đề vừa tầm
Sau 2/3 thời gian làm bài, thí sinh tại điểm thi trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đã nộp bài kết thúc môn Địa lý. Nhiều thí sinh không xét tuyển vào các trường ĐH nhận định đề “vừa tầm, sử dụng Atlat cũng có thể kiếm điểm trung bình”. Ngoài ra câu về hạn, mặn cũng đã được nhiều thí sinh dự đoán trúng.
Thí sinh Phạm Trà My (thị trấn Hồng Sơn,huyện Đại Từ, Thái Nguyên) cho biết: "đề không khó, câu hỏi về xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long mang tính thời sự rất hay, đòi hỏi thí sinh phải nắm bắt được tình hình thực tế của đất nước."
Thí sinh Mai Tuấn Anh (xã Hòa Bình, huyện Hòa Bình, Thái Nguyên) cho rằng: "đề phù hợp với mặt bằng chung của các thí sinh. Dù em không phải học chuyên về môn Địa lý nhưng vẫn có thể hoàn thành hết các câu hỏi và ra khỏi phòng thi khi vừa hết 2/3 thời gian."
Thí sinh Nguyễn Minh Thư (P. Quang Trung, TP. Thái Nguyên, Thái Nguyên) có nguyện vọng đăng ký xét tuyển khối C vào Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng: "đề thi Địa lý năm nay ở mức trung bình. Em làm tốt tất cả các câu hỏi và tự tin với kết quả của mình.
Xem thêm:
-
Đáp án đề thi tốt nghiệp môn Anh văn THPT quốc gia 2016
-
Đáp án đề thi môn Văn THPT quốc gia năm 2016
-
Đáp án đề thi tốt nghiệp môn Toán THPT quốc gia năm 2016