Sự kiện: GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH

Chọn nghề hơn chọn trường!

Học sinh cần được định hướng chọn công việc để làm chứ không phải chọn trường để học.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, thông tin tại buổi tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm hướng nghiệp 2013” do báo Tuổi Trẻ cùng Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức ngày 6-1: “Tỉ lệ học sinh (HS) chọn sai ngành học chiếm 60%, chỉ có 5% HS có hiểu biết về ngành mình chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề mà bản thân mình chọn học”.

Giáo viên giữ vai trò số một

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, hệ thống giáo dục sau THPT của ta hiện rất phức tạp, Bộ GD&ĐT chỉ quản lý 30% các trường TCCN, CĐ, ĐH, 70% còn lại là do các bộ, ngành khác quản lý dù văn bằng do Bộ  GD&ĐT cấp. Vì vậy, giáo viên THPT cần nắm rõ hệ thống giáo dục sau THPT để  hướng nghiệp, giải thích cho HS, phụ huynh.

Cô Dương Thu Trang, giáo viên Văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, phân tích: Giáo viên phải nắm rõ HS mình muốn gì, vì sao muốn điều đó và định hướng cho HS làm gì để đạt được điều đó. HS cần được định hướng chọn công việc để làm chứ không phải chọn trường để học. Với sự đam mê nghề nghiệp phù hợp với bản thân, HS chọn ngành học mới thành công. Sau đó giáo viên khơi gợi, HS lên kế  hoạch tìm hiểu các trường có đào tạo ngành mình muốn làm, chọn lấy một trường mà mình có khả năng đáp ứng với năng lực của mình (khối thi, điểm chuẩn, địa điểm học, phương thức đào tạo, học phí…) và lên kế hoạch thực hiện.

tu van, giao vien tu van, tu van tam ly, giao duc, tuyen sinh, truong hoc, giao vien, hoc sinh, phu huynh, phap luat thanh pho

 

Ngay tại TP.HCM, HS còn thiếu thông tin, định hướng về nghề nghiệp tương lai. Trong ảnh: HS TP.HCM được tư vấn chọn nghề trong mùa tuyển sinh 2012. Ảnh: Q.VIỆT



“Chỉ có giáo viên mới tác động mạnh mẽ đến lựa chọn nghề nghiệp của HS vì phần lớn phụ huynh dân trí chưa cao, họ tác động đến nghề nghiệp tương lai của con cái mình còn cảm tính, theo phong trào, số đông…” - cô Trang nói.

TS Lê Thị  Thanh Mai, Trưởng ban Công tác HS-SV ĐHQG TP.HCM, cho rằng: Trước nay chúng ta làm sai phương pháp hướng nghiệp thay vì tư vấn định hướng nghề nghiệp tương lai cho HS theo sơ đồ chọn nghề, chọn ngành rồi mới đến chọn trường nhưng lâu nay chúng ta cứ tư vấn cho HS chọn trường, chọn ngành rồi mới chọn nghề, điều này là sai lầm nghiêm trọng. Vì vậy, công tác hướng nghiệp của giáo viên THPT cần sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin, một công cụ hết sức gần gũi, thiết thực. Giáo viên cập nhật hệ thống danh mục nghề nghiệp, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và ngành nghề đào tạo của các trường cho các em HS qua email cá nhân của HS, hay website của trường, của lớp để các em HS phân tích, lựa chọn. Đương nhiên là các thông tin này giáo viên phải cập nhật từ các Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT, các website của các trường ĐH và các phương tiện thông tin đại chúng báo, đài…

Những rào cản trong tư vấn hướng nghiệp

Một giáo viên Trường THPT Gia Định nêu: Công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông, giáo viên làm rất đơn độc, hiệu trưởng thì không quan tâm, chỉ làm theo phong trào khi có cấp trên chỉ đạo, đương nhiên là không có hiệu quả.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TP.HCM, góp thêm: Các trường CĐ, ĐH bây giờ tuyển sinh bừa bãi, hầm bà lằng, tên trường thì loạn xạ, thậm chí một trường hai, ba tên gọi… khiến giáo viên, phụ  huynh, HS hoa cả mắt thì làm sao mà tư vấn, hướng nghiệp cho chính xác.

ThS Phạm Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biế t: Đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp chuyên nghiệp chưa có. Thông thường giáo viên chủ nhiệm kiêm luôn công tác này, chưa kể giáo viên làm công tác chủ nhiệm không xuyên suốt ba năm lớp 10-11-12 liền một lớp thì công tác hướng nghiệp càng khó khăn hơn, cho nên giáo viên chủ nhiệm chưa đầu tư đúng mức cho công tác này. Cạnh đó, phụ huynh và HS vẫn chưa xem trọng công tác hướng nghiệp trong nhà  trường, HS chủ yếu theo đuổi “nghề  hot”, bạn bè lôi kéo hoặc do bị cha mẹ ép buộc. Tâm lý trọng bằng cấp, thích làm thầy hơn làm thợ vẫn còn ảnh hưởng mạnh vào quyết định chọn nghề của HS.

Cha mẹ đừng áp đặt nghề nghiệp cho con

Có nhiều cha mẹ không quan tâm đến việc hướng nghiệp cho con, số khác thì lại hướng nghiệp theo chủ quan. Họ “đặt lệnh” cho con vì “con chọn ngành nghề  theo bạn bè chứ chưa biết gì”. Nhiều bậc cha mẹ hướng nghiệp cho con theo sự  quen biết, mối quan hệ xã hội của mình để sau này dễ xin việc. Chính ý muốn chủ  quan và kỳ vọng của cha mẹ đã làm HS quên mất nghề đó có phù hợp với mong muốn, sở thích, sức khỏe, tâm lý… của mình hay không.

Một nam sinh thuộc đội tuyển HS giỏi Văn của tôi có thiên hướng nghệ thuật rất rõ ràng nhưng ba mẹ em buộc theo học ngành kỹ thuật. Sau một tháng làm sinh viên ngành cơ khí Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, em quyết định nghỉ  học vì không thể “sống cuộc sống không phải của mình”. Nhìn con bức xúc đến đau khổ, ba mẹ em quyết định để em lựa chọn nghề nghiệp mà mình yêu thích. Và  em đã chia sẻ với tôi: “Con sẽ thi lại vào năm tới…”.


Cô DƯƠNG THU TRANG
giáo viên Văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi


Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo Pháp luật Thành phố