Mang sổ hộ nghèo tới trường xin rút hồ sơ

Sáng nay, thí sinh N.K Duy, quê ở huyện Lục Nam, Bắc Giang tới Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để xin rút giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia đã nộp vào trường từ ngày 19/8.

Thí sinh đang chơi canh bạc đầy rủi ro

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tai Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Lê Văn

Duy cho biết, đây là năm thứ 2 em thi ĐH. Năm ngoái, em thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự và đạt mức điểm 24,75 (tính cả điểm ưu tiên) nhưng không đỗ nên quyết định ở nhà ôn thêm một năm để thi lại.

Năm nay, em lại tiếp tục thi vào hệ Kỹ sư quân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự và đạt mức điểm bằng năm ngoái là 24,75. Với mức điểm này, Duy không đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự đồng thời trượt cả nguyện vọng 1 vào ngành CN2 của Trường ĐH Bách khoa.

Theo đăng ký nguyện vọng 2, Duy được gọi vào ngành Kỹ thuật hạt nhân của Trường ĐH Bách khoa HN và đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia để xác nhận nhập học vào ngành này của trường.

Tuy nhiên, tới nay, khi thấy trường Học viện Kỹ thuật quân sự xét tuyển bổ sung, Duy muốn rút lại giấy chứng nhận kết quả thi để nộp hồ sơ tuyển bổ sung vào Học viện Kỹ thuật quân sự hệ kỹ sư dân sự.

Hệ này của Học viện Kỹ thuật quân sự năm nay tuyển bổ sung tới 560 chỉ tiêu. Mức điểm chuẩn năm 2016 trúng tuyển đợt 1 cũng không cao, chỉ từ 19,25 - 22,5 tùy từng tổ hợp khối thi.

Duy cho biết, nếu nhà trường không cho em rút giấy chứng nhận kết quả thi thì em cũng không nhập học vì ngành Kỹ thuật hạt nhân không phải là ngành em yêu thích.

Một số phụ huynh khác cũng đến Trường ĐH Bách khoa HN với lý do tương tự và mặc dù cán bộ của hội đồng tuyển sinh đã giải thích quy định của Bộ GD-ĐT năm nay là không cho thí sinh rút lại giấy chứng nhận kết quả thi, song nhiều phụ huynh không đồng tình vì cho rằng, quyền học ở trường nào là việc của thí sinh chứ trường không thể ép buộc.

Thậm chí, phụ huynh của em N.K Duy còn cho biết, ông đã xin địa phương giấy chứng nhận hộ nghèo để chứng minh gia đình không có điều kiện cho con theo học ở trường để xin được rút hồ sơ.

Không chỉ có Trường ĐH Bách khoa HN, trong 2 ngày vừa qua, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mặc dù không xét tuyển bổ sung song vẫn có thí sinh tới trường để xin rút giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia.

Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, một số thí sinh cũng tới trường xin rút hồ sơ với lý do có nguyện vọng nộp trường khác. Tuy nhiên, cán bộ nhà trường đã phải giải với các em và phụ huynh rằng quy chế năm nay không cho phép thí sinh rút giấy chứng nhận kết quả.

Tương tự, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết trong ngày hôm qua và hôm nay cũng có một số trường hợp đến rút hồ sơ. Tuy nhiên, nhà trường không giải quyết vì theo quy định thí sinh không được rút hồ sơ khi đã trúng tuyển.

Thí sinh đang chơi một canh bạc đầy rủi ro

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa HN cho biết, 2 hôm nay, Trường ĐH Bách khoa tiếp nhận một số trường hợp thí sinh tới xin rút hồ sơ để nộp xét tuyển bổ sung các trường quân đội. Tuy nhiên, ông Điền cho biết, theo quy định, trường không thể giải quyết cho các thí sinh.

"Kể cả trường có trả lại giấy chứng nhận kết quả thi và các em đi nộp vào trường khác thì giấy chứng nhận này không thể nhập lên hệ thống của Bộ GD được nữa vì mã số tuyển sinh của các em đã bị vô hiệu hóa" - ông Điền giải thích.

Cũng theo ông Điền, đa phần thí sinh đều nghèo nên đều có mong muốn vào các trường quân đội, công an để không phải đóng học phí vì thế, hy vọng của thí sinh rất lớn nhất là năm nay, các trường quân đội lại hạ điểm chuẩn và tuyển bổ sung.

Năm nay cũng là năm đầu tiên sau nhiều năm, 18 trường quân đội đều tuyển bổ sung. Tổng số chỉ tiêu tuyển bổ sung của các trường quân đội lên tới hơn 1.000 chỉ tiêu, chưa kể hệ dân sự.

Trong khi đó, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng việc thí sinh đến xin rút hồ sơ là hiệu ứng tất yếu của quy định cho phép các trường hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung trong quy chế tuyển sinh năm 2016.

"Chẳng hạn một em nộp nguyện vọng 1 vào ngành A lấy 25 điểm, ngành B lấy 24 điểm. Nếu thí sinh trượt ngành A vì chỉ được 24 điểm phải vào ngành B. Nhưng đến nay ngành A hạ điểm xuống 24 điểm để tuyển bổ sung thì với điểm của thí sinh lại đủ trúng tuyển nên nhiều em mới có nguyện vọng muốn rút hồ sơ" - ông Triệu dẫn dụ.

Tuy nhiên, ông Triệu cho rằng, đây là luật chơi đã đặt ra và thí sinh buộc phải chấp nhận để đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác. "Sẽ không có một phương pháp tuyển sinh nào hoàn hảo nhất là trong bối cảnh hiện tại" - ông Triệu nói.

Bên cạnh đó, ông Triệu cũng cho rằng, các thí sinh cũng đang phải chơi một canh bạc đầy rủi ro vì, hầu hết đều có tâm lý cho rằng, tuyển bổ sung thì điểm sẽ thấp xuống. Tuy nhiên, nếu nhiều thí sinh cùng nộp hồ sơ thì điểm chuẩn đương nhiên sẽ cao lên và nguy cơ trượt của thí sinh cũng rất cao.

Ông Nguyễn Phong Điền cũng khẳng định rằng Trường ĐH Bách khoa HN sẽ không hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung. "Hiện trường đã tuyển 5.500 chỉ tiêu, việc trường tuyển bổ sung thực chất là để tìm kiếm những thí sinh điểm cao nhưng đã trượt nguyện vọng 1 chứ không phải vì thiếu thí sinh" - ông Điền khẳng định.

Theo Vietnamnet, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/322792/thi-sinh-dang-choi-canh-bac-day-rui-ro.html