Bộ GD-ĐT dự kiến dùng chung dữ liệu cả nước để tránh thí sinh “ảo” trong xét tuyển ĐH 2017
Tạo cạnh tranh công bằng
Đánh giá về những mặt tồn tại trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2016, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, hạn chế lớn nhất là tỷ lệ thí sinh “ảo” khá cao, thiếu sự công bằng cho thí sinh bởi các trường hạ điểm chuẩn ở nguyện vọng sau.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cơ sở dữ liệu của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đủ để tất cả các trường trên cả nước xét tuyển chung. Tuy nhiên, các trường vẫn muốn xét tuyển riêng, mặc dù Bộ GD-ĐT đã đưa ra ý tưởng sử dụng chung dữ liệu trên cả nước để xét tuyển vào từng trường.
Năm 2017, với việc tổ chức xét tuyển chung trong cả nước, những hạn chế, bất cập nói trên sẽ được giải quyết. Khi tất cả các trường đại học trên cả nước xét tuyển chung trên cơ sở dữ liệu do Bộ quản lý sẽ không còn tình trạng thí sinh “ảo”. Thí sinh điểm cao sẽ đỗ vào nguyện vọng cao hơn, không có chuyện điểm cao thì trượt còn người điểm thấp hơn lại đỗ như năm 2016, tạo cạnh tranh công bằng.
Tới nay, Bộ GD-ĐT đã họp với một số trường đại học phía Bắc, đưa ra phương án để lấy ý kiến. Với phương án xét tuyển chung này, tất cả các trường đại học đều sẽ tham gia, kể cả các trường khối quân đội, công an. Do đó, việc tổ chức xét tuyển theo nhóm GX như năm ngoái cũng sẽ không còn nữa.
Trước đó, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhóm này dự kiến tổ chức tuyển sinh riêng với nhu cầu mở rộng đối tượng tham gia nhóm để hạn chế tỷ lệ thí sinh “ảo”. Tuy nhiên, nếu Bộ chủ trương cả nước là một nhóm lớn thì không cần phải tồn tại nhóm GX. Vấn đề còn lại của Bộ GD-ĐT hiện giờ là khâu kỹ thuật.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, với phương án xét tuyển chung, các trường sẽ có lợi hơn khi không còn thí sinh “ảo”; đồng thời cũng không ảnh hưởng gì tới chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Các trường không tham gia sẽ không tuyển sinh được và phải có đề án tuyển sinh riêng.
Có thể đăng ký nhiều nguyện vọng hơn
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, với phương án tuyển sinh chung trong cả nước, năm 2017, thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng, nhiều trường hơn, chứ không chỉ 2 trường với 4 nguyện vọng như năm 2016. Tuy nhiên, với phương án xét tuyển chung, các thí sinh buộc phải lựa chọn từ khi đăng ký nguyện vọng.
Theo đó, thí sinh phải sắp xếp nguyện vọng của mình từ cao xuống thấp theo thứ tự ưu tiên. Thí sinh đủ điểm chỉ có thể trúng tuyển duy nhất vào nguyện vọng cao nhất mà mình đăng ký, không có chuyện trúng tuyển cùng lúc vào 2 nguyện vọng như năm 2016. Theo phương án này, năm 2017, thí sinh vẫn phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường để xác nhận nhập học. Các trường sẽ căn cứ trên kết quả xác nhận nhập học để tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung.
Thí sinh không lựa chọn nguyện vọng mà mình trúng tuyển trong đợt đầu có thể không nộp giấy chứng nhận kết quả thi và chờ các đợt xét tuyển bổ sung. Đồng thời, các trường cũng sẽ tham gia cùng Bộ GD-ĐT để điều chỉnh trong quá trình chạy phần mềm dữ liệu để chọn ra số lượng thí sinh trúng tuyển.
Sau khi chạy cơ sở dữ liệu, Bộ sẽ cung cấp kết quả để các trường tham khảo. Sau khi các trường điều chỉnh, đưa ra các tiêu chí, điều kiện, Bộ sẽ tiếp tục chạy cơ sở dữ liệu một lần nữa để đưa ra kết quả cuối cùng. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện quy chế thi, xét tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh đại học 2017 với dự kiến sẽ công bố các dự thảo ngay trong tuần này
Theo ANTĐ, nguồn: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/thi-dai-hoc-2017-xet-tuyen-chung-de-chong-thi-sinh-ao/708440.antd