Trong đó, phương án thi trắc nghiệm, kỳ thi giao về cho địa phương, bài thi tổng hợp, thời gian thi rút ngắn… đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao.
Khi địa phương thực thi quyền tự chủ
Theo chia sẻ của nhiều thầy cô giáo khi trao đổi với chúng tôi, phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH 2017 đã có sự điều chỉnh hợp lý ở nội dung và hình thức thi. Với cách làm này, đề thi sẽ mở rộng kiến thức để tránh học lệch, học tủ.
Các môn Toán, Ngoại ngữ, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên thi trắc nghiệm trên giấy, chấm trên máy sẽ không gây nên tình trạng nghi ngờ khi chấm thi theo barem hay sự “du di” khi giáo viên chấm theo cách cũ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chấm thi sẽ hạn chế tiêu cực, nhìn bài nhau.
Trong đó, thay đổi quan trọng nhất là trao quyền tự chủ trong khâu tổ chức thi về cho các địa phương. Phương án thi và tổ chức xét tuyển sẽ được điều chỉnh theo hướng chỉ còn một cụm thi, giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì, hạn chế huy động cán bộ các trường về địa phương… Cách làm này giảm tốn kém cho xã hội, không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh vì không còn cảnh phải khăn gói đi tỉnh khác dự thi như trước.
Nói về Dự thảo kỳ thi, thầy Hồ Văn Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu 1 (Hậu Giang), cho biết: Những thay đổi trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 là hợp lý và đảm bảo kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực và tăng quyền tự chủ về cho các địa phương.
“Tôi thấy thay đổi tích cực nhất là đề thi theo dạng bài thi tổng hợp với 5 bài thi và triển khai thi theo hình thức trắc nghiệm ở nhiều môn. Thời gian thi cũng được rút ngắn xuống còn 2 ngày, giảm chi phí cho Nhà nước, phụ huynh và giảm áp lực thi cử cho HS. Các em HS được thi tại trường, việc này như được “đá bóng trên sân nhà” nên các em yên tâm, ổn định tâm lý và đỡ tốn kém hơn rất nhiều...”.
Đối với việc thi trắc nghiệm ở nhiều môn, theo thầy Hồ Văn Luyến, cách thi này rất thuận lợi, không khó khăn vì HS hiện nay đã làm quen với kiểm tra, thi trắc nghiệm ở nhiều môn từ lớp học cấp dưới. Thi trắc nghiệm không phải là hình thức kiểm tra, đánh giá xa lạ với học sinh phổ thông. Trong những năm học phổ thông, các em đã được làm quen với hình thức này và cũng đã được ứng dụng trong các kỳ thi khác nhau.
Tuy nhiên, sự thay đổi nào ít nhiều cũng có bỡ ngỡ nên trường đang tập trung chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên yên tâm dạy tốt, bám sát chương trình và ổn định tâm lý HS. Trước những đổi mới của Kỳ thi THPT quốc gia 2017, thầy trò sẽ tiến hành cập nhật thông tin liên tục và dạy học theo hướng dẫn để đảm bảo đúng tiến độ và bắt kịp những đổi mới. Điều quan trọng là sự chủ động, linh động từ phía nhà trường và đội ngũ giáo viên.
Đồng tình với phương án thi THPT quốc gia 2016, ông Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang - đánh giá cao khi Bộ GD&ĐT đã mạnh dạn giao quyền tự chủ tổ chức thi cho Sở GD&ĐT. Kỳ thi được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực nhưng đảm bảo tính nghiêm túc.
Công tác tổ chức thi giúp giảm chi phí cho xã hội và không gây nhiều áp lực trong việc tổ chức thi theo cụm như trước. Trong đó, thời gian thi rút ngắn với số môn thi được phân bổ đều ở các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Dù số môn thi có nhiều hơn trước (6 môn) nhưng việc kiểm tra đánh giá sẽ toàn diện hơn và HS sẽ tập trung học các môn đều hơn.
Đề thi cũng dự kiến theo các dạng bài thi tổng hợp là cách đánh giá hay và khoa học. “Điều đáng ghi nhận của Kỳ thi 2017 là tổ chức thi trắc nghiệm, việc này sẽ giảm áp lực và chi phí trong việc huy động nguồn nhân lực làm công tác thi, chấm thi… Việc tổ chức thi đảm bảo tính khách quan hơn, chấm thi chính xác và nhanh hơn”.
Mong Bộ sớm công bố phương án thi
Đó là mong muốn của lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương cũng như nhiều thầy cô giáo và các em học sinh lớp 12. Đến nay, Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 đã được nghiên cứu, góp ý rất kỹ. Tất cả đang mong Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi chính thức với dạng đề thi và định hướng trong các dạng đề để thầy trò dạy, học và ôn luyện kịp thời.
Theo ông Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, thời gian thi được tổ chức vào tháng 6, khi HS vừa kết thúc năm học là hợp lý. Theo dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi vào tháng 10, thời điểm này lớp 12 đã học được khoảng nửa học kỳ 1. Thời gian còn lại để hoàn thành chương trình lớp 12 và ôn thi là không nhiều. Do đó thầy trò rất mong Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi chính thức và các dạng đề thi mẫu để giáo viên, học sinh biết. Từ đó có kế hoạch dạy, học và ôn luyện hợp lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới kỳ thi...
Một số cán bộ quản lý, thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp cũng nêu quan điểm việc thay đổi trong kỳ thi ít nhiều gây xáo trộn đối với thầy trò lớp 12. Trên phương án mà Dự thảo đưa ra, thầy trò đã đọc và nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, hiện nay rất cần thông tin định hướng chính thức từ Bộ GD&ĐT. Thầy Hồ Văn Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu 1 (Hậu Giang) - kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT sớm công bố thông tin chính thức về Kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Đặc biệt là công bố một số đề thi mẫu và cấu trúc đề thi để nhà trường, giáo viên và học sinh chuẩn bị kịp thời. Mỗi thay đổi dù ít hay nhiều sẽ gây nên xáo trộn, nên điều quan trọng nhất hiện nay là công tác tuyên truyền, chỉ đạo từ phía ngành Giáo dục để xã hội; nhất là giáo viên, học sinh và phụ huynh hiểu.
Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ cũng cần sớm công bố phương án tuyển sinh, xét tuyển hoặc cách khảo sát đầu vào. Từ đó giáo viên và học sinh tham khảo và định hướng tốt cho việc dạy, học và chọn trường, chọn ngành…”.
Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, theo ông Ninh Thành Viên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, HS khối 12 của tỉnh tựu trường sớm (đầu tháng 8) để học chương trình chính khóa và dành nhiều thời gian ôn thi. Bên cạnh đó, các trường còn tăng tiết ở các môn tự chọn khi có nhu cầu và tổ chức dạy 2 buổi tại trường. Tỉnh cũng đang quán triệt đến lãnh đạo các trường, giáo viên cần tập trung giảng dạy và yên tâm để chuẩn bị tốt cho Kỳ thi THPT quốc gia 2017. |
Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thay-doi-tren-co-so-ke-thua-nhung-thanh-cong-da-co-2317960-b.html