Thay đổi thi mà SGK vẫn cũ là vênh nhau

Trước thông tin chương trình - sách giáo khoa mới nhiều khả năng sẽ không thể bắt đầu từ năm học 2018 - 2019 theo kế hoạch như Thanh Niên thông tin trên số báo ngày 26.10, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó khăn khi Bộ GD-ĐT sốt sắng thay đổi thi nhưng chưa kịp đổi mới chương trình.

Thi cử tác động trở lại dạy học


GS Hà Huy Bằng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng có 2 điều mâu thuẫn trong các động thái chỉ đạo của Bộ GD-ĐT trong thời gian gần đây. “Một bên đẩy rất nhanh hình thức thi mới trong khi học sinh (HS), phụ huynh và thầy cô giáo chưa kịp chuẩn bị, một bên thì trì hoãn việc thực hiện chương trình - sách giáo khoa (SGK) mới. Tự dưng cả xã hội đang chạy đua với thời gian để thích ứng với phương thức thi mới (trắc nghiệm các môn sử, địa, toán), thì chương trình - SGK lại bị đẩy lùi. Đây sẽ là cơ hội “làm ăn” cho các trung tâm luyện thi trong khi thầy cô giáo hoang mang, tìm tài liệu, tìm cách thức dạy học để đáp ứng với phương thức thi mới. Lẽ ra Bộ càng cố gắng sớm càng tốt để có chương trình mới, từ đó sớm có SGK để cho giáo viên, HS, và cả những người quan tâm tới giáo dục có thể lấy đó làm tài liệu chuẩn và tài liệu tham khảo”, GS Bằng phát biểu.

Cũng theo GS Bằng, dù thi kiểu gì thì HS vẫn phải học những kiến thức cơ bản đó, nhưng hình thức thi thay đổi thì bài tập cũng phải thay đổi, và đó là lý do Bộ cần khẩn trương thúc đẩy tiến độ để sớm có chương trình - SGK mới. “Thi cử là tác động trở lại quá trình dạy học, thay đổi thi cử thì dạy học phải điều chỉnh để có hiệu quả tích cực hơn. Thay đổi thi mà SGK vẫn cũ đã là vênh nhau”, ông Bằng nhấn mạnh.

Còn ông Đặng Minh Tuấn, giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, nhận định việc Bộ chậm tiến độ trong việc công bố chương trình tổng thể, từ đó chậm có SGK sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống nhà trường và xã hội. “Gần đây, Bộ có những động thái đổi mới thi cử mạnh mẽ và xã hội thấy có thể chấp nhận được những thay đổi đó với suy nghĩ nó chỉ là tạm thời, mọi việc sẽ ổn thỏa khi có chương trình SGK mới. Nhưng giờ lại nghe nói là trì hoãn khiến HS các lớp học dưới, phụ huynh và cả giáo viên khá hoang mang. Đã vậy thông tin hiện nay chưa rõ ràng, chỉ biết là lùi lại nhưng chưa biết lùi lại đến bao giờ?”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Đổi mới phải đồng bộ


Nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở các địa phương cho rằng đổi mới giáo dục căn bản toàn diện ở bậc phổ thông sẽ không quá lệ thuộc vào tiến độ xây dựng chương trình tổng thể cũng như việc biên soạn SGK mới. Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, chỉ cần Bộ ban hành chương trình tổng thể và các chương trình môn học là đủ. Từ chương trình từng môn học, các trường sẽ tổ chức xây dựng chương trình dạy học cho trường mình và các giáo viên sẽ căn cứ vào các tài liệu sẵn có, kể cả SGK hiện hành, để soạn giáo án cho mình hoặc viết thành những tài liệu có tính chất SGK. Ông Dũng nói: “Không nhất thiết phải có một bộ SGK dùng chung như hiện nay. Bộ chỉ cần đặt chuẩn đầu ra, rồi mỗi trường xây dựng một bộ tài liệu cho mình”.

Một cán bộ quản lý của Sở GD-ĐT Phú Thọ cũng cho biết dù có chương trình - SGK mới hay chưa thì các địa phương vẫn bắt buộc phải đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết 29. Tuy nhiên, các địa phương vẫn rất mong Bộ sớm ban hành chương trình và xã hội sớm có các bộ SGK.

Nhiều cán bộ quản lý cũng lo ngại nếu thiếu sự đồng bộ trong đổi mới thì HS và giáo viên sẽ khổ. Bà Cao Tố Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng cho biết nếu như chưa có chương trình - SGK mới thì việc dạy học vẫn sẽ phải tiến hành trên cơ sở chương trình SGK hiện hành, theo đó thi cử vẫn phải theo phương thức tổ hợp các môn thi như Bộ dự định làm năm 2017. “Trì hoãn việc thay SGK thì đổi mới thi phải từ từ lại, nghĩa là giữ phương thức thi năm 2017 cho đến khi nào HS được học theo chương trình SGK mới”, bà Nga cho biết. Ông Chử Xuân Dũng cũng bày tỏ: “Nếu với chương trình hiện hành thì Bộ tổ chức thi theo phương thức tổ hợp, bao giờ có chương trình mới sẽ thi tích hợp sau vì đổi mới phải hợp lý, đồng bộ, đã trì hoãn chương trình SGK thì phải trì hoãn đổi mới thi”.

Lo ngại địa phương hóa SGK


Trước ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng không khuyến khích các sở viết SGK và lo ngại sẽ địa phương hóa, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM tán thành ý kiến này và cho rằng nếu như 63 sở GD-ĐT đều viết SGK và giáo viên phải sử dụng bộ sách do sở soạn thì khi đó địa phương hóa là điều không thể tránh được. Vì vậy, việc viết SGK chỉ nên cho phép một số thành phố lớn thực hiện và để cho NXB chủ trì, các sở giữ vai trò phối hợp, tham gia cùng làm.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng chủ trương cho phép thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu các sở đều soạn SGK theo kiểu đại trà thì sẽ sai với chủ trương của Quốc hội. Việc soạn sách này nên để các cá nhân và tập thể đứng ra làm và phải bám theo chương trình khung do Bộ quy định. Giáo viên các trường phổ thông sẽ quyết định có sử dụng sách đó hay không.

Ý kiến

Cải cách phải từ chương trình rồi mới đến thi cử


Đến thời điểm này, Bộ chưa ban hành chương trình khung trong khi kế hoạch 2018 - 2019 cả nước sẽ sử dụng SGK mới là điều không thể thực hiện, vì trong chưa đầy 2 năm khó lòng xây dựng được một bộ sách. Muốn cải cách phải bắt đầu từ chương trình - SGK, sau đó mới đến thi cử vì nội dung học sẽ quyết định hình thức thi.

Phải công bố rõ ràng


Cách tiếp cận mới khi xây dựng chương trình sẽ như thế nào và có bỏ dự thảo chương trình đã công bố trước đây hay không, dự thảo đó đúng hay sai? Hay giống như chương trình phân ban, xã hội cứ mổ xẻ, cứ góp ý Bộ không tranh cãi, không trả lời và để nó tự “chết”. Kinh nghiệm của Úc, để công bố một chính sách về giáo dục tương tự như thay đổi chương trình, họ phải dành thời gian chuẩn bị trước đó 5 năm. Khi đã công bố thì chỉ một năm sau là họ triển khai thực hiện với lộ trình cụ thể xuyên suốt. Như vậy, bây giờ lãnh đạo Bộ có cách tiếp cận mới so với trước đây thì phải công bố rõ ràng khi nào chính thức áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới chứ không thể tiếp diễn việc cứ công bố rồi xây dựng, biên soạn như hiện nay được vì tốn thời gian và tiền bạc.

Cần hướng dẫn cụ thể


Nếu như năm 2018 có SGK mới để đồng bộ với việc đổi mới chương trình thì sẽ rất tốt, nhưng nếu vì để kịp mà làm vội, chuẩn bị không kỹ thì không nên. Nếu không kịp có SGK ngay trong năm 2018 thì Bộ cũng sẽ có những hướng dẫn cụ thể để các trường thực hiện nên các trường phổ thông cũng không cần quá lo lắng, vì các trường và giáo viên bộ môn vẫn sẽ chủ động soạn chương trình học phù hợp cho HS.


Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/thay-doi-thi-ma-sgk-van-cu-la-venh-nhau-759121.html