Mới đầu mùa tuyển sinh năm 2013, sự chủ động của các trường được thể hiện khá rõ với nhiều quy định linh hoạt, nhanh nhạy trong công tác tuyển sinh: từ việc giảm chỉ tiêu những ngành bão hòa do "khủng hoảng thừa" điều chỉnh khối thi cho tới việc sớm công bố các chính sách ưu đãi để thu hút thí sinh.
Giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế
Mùa tuyển sinh năm 2012 kết thúc khá chật vật với nhiều trường thuộc khối kinh tế khi tình trạng không tuyển đủ thí sinh diễn ra phổ biến. Bộ GD-ĐT đã chính thức lên tiếng cảnh báo về tình trạng bão hòa nhân lực của một số ngành như tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh... và tạm dừng mở mới các ngành đào tạo nói trên.
|
Trường Đại học FPT có chương trình học bổng lớn cho những học sinh THPT có thành tích xuất sắc. Ảnh: Trọng Hải |
Trước tình trạng này, hàng loạt trường đã nhanh chóng giảm mạnh chỉ tiêu những ngành có nguy cơ ế thừa nhân lực. Trong đó, các trường phía Nam tỏ ra nhanh nhạy hơn cả. Trường ĐH Sài Gòn dự kiến chỉ tiêu cho năm 2013 là 3.900, giảm 1.400 so với năm 2012, lượng giảm nhiều nhất nằm ở các ngành tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh. Mùa tuyển sinh trước, đây là ba ngành chiếm nhiều chỉ tiêu nhất - 1.090 chỉ tiêu; năm nay, tổng chỉ tiêu ba ngành này giảm 40%, chỉ lấy 600. Nhà trường cũng tạm dừng tuyển hệ CĐ của ba ngành này.
Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh giảm 1.200 chỉ tiêu so với năm trước, trong đó các ngành tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán có mức giảm mạnh nhất, khoảng 30-40%, từ 1.900 xuống còn 1.250 chỉ tiêu. Hệ CĐ ngành tài chính - ngân hàng chỉ còn 250 chỉ tiêu so với 500 chỉ tiêu trong năm 2012.
Năm ngoái, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu có chỉ tiêu ngành kế toán bậc ĐH và CĐ lần lượt là 240 và 220; năm 2013, chỉ số này là 70 và 100. Ngành quản trị kinh doanh cũng giảm từ 230 (ĐH) và 220 (CĐ) xuống còn 70 (ĐH) và 100 (CĐ). Trường ĐH Bạc Liêu cũng giảm chỉ tiêu ngành kế toán từ 180 xuống 120 và quản trị kinh doanh từ 120 xuống 60.
Ở phía Bắc, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông giảm chỉ tiêu ngành kế toán từ 250 (năm 2012) xuống còn 150 chỉ tiêu trong năm 2013; ngành quản trị kinh doanh giảm từ 200 xuống 140.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tuyển sinh, xu hướng chọn trường của thí sinh sẽ khó có thể theo kịp những cảnh báo về nhân lực và sự thay đổi chỉ tiêu của các trường. Vì vậy, ít nhất trong mùa tuyển sinh tới đây, lượng hồ sơ vào các trường khối kinh tế sẽ vẫn còn rất cao, có thể tạo ra áp lực lớn về tỷ lệ thí sinh dự thi và trúng tuyển.
Hỗ trợ cho ngành khó tuyển
Trong khi một số ngành học được dự kiến sẽ thu học phí ở mức đủ bù chi phí do nhu cầu của thí sinh rất lớn, thì nhiều ngành học khác đang được các trường tăng ưu đãi để khuyến khích thí sinh đăng ký. ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Kỳ tuyển sinh 2013, sinh viên thi vào 14 ngành đào tạo khoa học cơ bản của trường sẽ được hỗ trợ chi phí tối thiểu bằng mức học phí sinh viên phải đóng theo chương trình đào tạo, dự kiến khoảng 4,2 triệu đồng/năm học. 14 ngành này bao gồm: máy tính và khoa học thông tin, khoa học vật liệu, địa lý tự nhiên, kỹ thuật địa chất, hải dương học, thủy văn học, quản lý tài nguyên và môi trường, khoa học đất, triết học, lịch sử, văn học, Hán Nôm, nhân học và Việt Nam học. Riêng trường thành viên là ĐH Khoa học tự nhiên, ngoài hình thức hỗ trợ trên, sinh viên theo học các ngành khó tuyển còn được hỗ trợ về tài liệu học thuật và có điều kiện thực hành tốt hơn những ngành khác.
Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam giảm 50% học phí cho sinh viên trúng tuyển 8 ngành hệ ĐH là hệ thống thông tin, lâm sinh, kỹ thuật cơ khí, khuyến nông, lâm nghiệp, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ chế biến lâm sản (công nghệ gỗ). Những thí sinh dự thi vào trường (khối A, A1, B, D1) thuộc đối tượng 1, khu vực 1 mà không trúng tuyển thì sẽ được xét tuyển vào hệ dự bị. Sau 8 tháng học dự bị ĐH (không phải đóng học phí và được cấp học bổng) sẽ được xét vào học ĐH chính quy.
Năm nay, Trường ĐH FPT có chương trình học bổng rất lớn, gồm 100% học phí cùng mức hỗ trợ 100 triệu đồng chi phí ăn ở trong suốt 4 năm học. Đối tượng xét chọn là học sinh giỏi toàn diện năm học lớp 11, là thành viên đội tuyển các tỉnh, thành phố tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn toán, lý, hóa, sinh, tin học năm 2012 hoặc 2013. Trường ưu tiên cho các ứng viên đoạt từ giải 3 trở lên trong kỳ thi này, và thành viên đội tuyển quốc gia dự thi các kỳ thi Olympic quốc tế. Trong khi đó, Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà sẽ dành nhiều suất học bổng đầu vào cho những thí sinh có kết quả thi ĐH đạt từ 15 điểm trở lên, hoặc có kết quả thi CĐ đạt từ 12 điểm trở lên.
Trường ĐH Dân lập Hải Phòng thông báo ưu tiên học sinh đạt học lực khá và giỏi ở THPT, có nguyện vọng 1 thi vào trường, đạt từ 21 hoặc 24 điểm trở lên sẽ được hưởng học bổng tương đương 80% hoặc 100% học phí. Sinh viên sẽ tiếp tục nhận học bổng suốt 4 năm nếu duy trì được thành tích. Sinh viên khá, giỏi được thưởng học bổng hằng năm. Đối tượng nghèo được miễn giảm học phí 10-50%.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội hằng năm vẫn cấp hàng nghìn suất học bổng khuyến khích học tập và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 5-6 tỷ đồng; xét chọn các sinh viên nhận học bổng đi du học tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Năm nay, trường đưa ra chính sách gây được sự chú ý rất lớn: Sinh viên học xong học kỳ thứ nhất có thể đăng ký học đồng thời 2 chương trình để được cấp 2 bằng sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh sự hạn chế đầu vào của khối ngành kinh tế, năm nay các thí sinh có nhiều sự lựa chọn hợp lý nhờ vào chính sách tuyển sinh linh hoạt của các trường.