Bộ cấm thi sắc đẹp trong trường, teens bất bình

Quyết định mới này của Bộ Giáo dục và đào tạo khiến nhiều bạn trẻ bức xúc, cho rằng 'rất vô lí'.

Giữa tháng 12 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra một văn bản gây sự chú ý của dư luận đó là cấm các cuộc thi sắc đẹp trong trường học. Giải thích cho quyết định này, ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng vụ công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT nói: "Trường học là nơi trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức, kỹ năng để vào đời chứ không phải là sàn catwalk. Hơn nữa, những cuộc thi đó không giúp sinh viên học hỏi được gì mà còn ảnh hưởng đến kết quả học tập. Sau khi đăng quang, sinh viên còn bị giới truyền thông thổi phồng nên rất dễ ảo tưởng về bản thân rồi mất định hướng, làm ảnh hưởng đến tương lai sau này".

Quy định mới này của Bộ Giáo dục ngay lập tức làm dấy lên cuộc tranh cãi trong đông đảo học sinh, sinh viên. Không ít teens bức xúc cho rằng quyết định của Bộ là vô lý, phiến diện, một chiều. Bởi lẽ, Bộ mới chỉ dựa vào ý kiến của một số cử tri nói về một vài điểm xấu của thi Miss mà chưa tham khảo ý kiến của chính "người trong cuộc" - các học sinh, sinh viên, nhà trường. Việc cấm thi Miss còn khiến teens thấy rằng, Bộ không hiểu tâm lý thanh thiếu niên lắm.

"Mình hoàn toàn không đồng tình với quyết định này và thấy nó rất vô lý. Việc có tiêu cực hay không tuỳ thuộc vào mục đích tổ chức và việc quản lý của mỗi đơn vị. Các trường tổ chức thi Miss như một truyền thống mang tính bản sắc thì mục đích luôn là động viên các cá nhân có thành tích, tạo ra phong trào thi đua trong trường. Bỏ các cuộc thi như thế đi vừa khiến cuộc sống học đường nhàm chán, vừa mất đi một hướng thi đua trong môi trường học tập", Linh Mai, THPT chuyên Hà Nội Amsterdam chia sẻ.

Thi Miss lợi nhiều hơn hại

"Lật lại" quan điểm của Bộ về việc "thi Miss ảnh hưởng đến học tập" Thanh Tâm, sinh viên cao đẳng Truyền hình Hà Nội phân tích: "Các cuộc thi Miss chỉ diễn ra khoảng một tuần hoặc vài ngày của tháng, trong khi học tập là cả quá trình nhiều năm. Vậy, tham gia những hoạt động đó sẽ ảnh hưởng là bao đến kết quả học tập?".

Là thí sinh tham gia Miss Việt Đức 2012, Nguyễn Phương Chi cho biết cuộc thi này không ảnh hưởng đến kết quả học tập của mình. Bằng chứng là bạn ấy đã vượt kì thi học kỳ I vừa qua với kết quả 2 môn công bố đầu tiên vẫn giữ được phong độ: Vật lý 7 điểm, tiếng Anh 8 điểm.


hoa khoi hoc duong, miss teen, cam thi, ione


Nguyễn Phương Chi, lớp 12, THPT Việt Đức, Hà Nội - thí sinh của cuộc thi Miss Việt Đức 2012 rất hụt hẫng, bất ngờ với quyết định cấm thi của Bộ. Theo bạn ấy, những hoạt động thế này rất bổ ích và không ảnh hưởng nhiều đến học tập.


Quan điểm thi Miss "vô bổ không giúp sinh viên học hỏi được gì" của Bộ bị teens phản ứng nhiều nhất. Bởi lẽ, bên cạnh phần thi sắc đẹp, các thí sinh còn phải trải qua thử thách ở nhiều lĩnh vực khác như: hồ sơ ấn tượng, trả lời phỏng vấn thuyết phục, tài năng đặc sắc... Không chỉ trong các hoạt động thế này, học sinh còn là nòng cốt tạo dựng và trực tiếp tổ chức chương trình từ khâu: lên kịch bản, lịch trình, tuyển thí sinh, xin tài trợ, chạy chương trình…(dưới sự cố vấn, chỉ đạo của thầy cô). Đó là những trải nghiệm thú vị, sống động - điều mà không một bài giảng trên lớp nào có thể đem lại cho học trò. Hơn nữa, những thử thách ở các lĩnh vực như thế cũng có thể giúp teens định hướng tốt hơn cho tương lai.

"Mình đã học được rất nhiều khi tham gia ban tổ chức của cuộc thi Mr&Ms tại trường như: biết cách phân bố thời gian sao cho hợp lí để vừa không ảnh hưởng đến việc học tập mà vẫn hoạt động ngoại khóa được bình thường; rèn thêm cách làm việc tập thể, giao tiếp, lãnh đạo… Đặc biệt, sau cuộc thi ấy, mình cảm thấy năng động lên rất nhiều", Phúc Phạm, sinh viên ĐH Sân khấu điện ảnh nói.

Từng là thí sinh của cuộc thi tài sắc, Amser Linh Mai chia sẻ: "Khi tham gia thi mình có cơ hội làm những việc chưa từng được thử như mặc váy dạ hội long lanh, đi catwalk, có bộ ảnh áo dài ở phố cổ làm kỷ niệm, cầm bảng đi kêu gọi bảo vệ môi trường ở Bờ Hồ mà không còn ngượng". Theo Linh, hoạt động thi thố ngày giúp học sinh mạnh bạo, biết khiêm nhường hơn, thậm chí khôn ngoan hơn để sau này ra đời không còn sợ va vấp.

Được tung hô là động lực để sống tốt

Bàn về việc ăn mặc thí sinh ăn mặc, biểu diễn không phù hợp lứa tuổi hay bệnh ảo tưởng sau đăng quang, teens thừa nhận có thực trạng này. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít trong rất nhiều gương mặt Hoa khôi đã thành công và được yêu mến khác.

"Các Miss của trường mình như chị Thụy Vân, chị Thu Hà VTV1… cũng nổi nhưng đâu mắc bệnh Ngôi sao và thành tựu đáng nể họ đạt được cũng chẳng phải vin vào cái vương miện Miss đó mà có", Ftuer Nhật Trọng chia sẻ.

"Đăng quang, được tung hô, nhiều người biết đến chính là một áp lực với các Hoa khôi. Nó là động lực giúp các bạn ấy sống tích cực, có ý thức hơn trong mọi ứng xử, học hành. Trước đây bị điểm kém cũng kệ, bị nhắc nhở kỷ luật cũng không sao nhưng giờ ai cũng biết, nếu không ý thức, mọi cười sẽ cười "Hoa khôi mà thế à" và điều đó cũng sẽ làm thầy cô sẽ đánh giá sai về các cuộc thi tài sắc này", Phương Thúy, lớp 11, THPT Việt phản biện thêm về "bệnh ngôi sao" của các Miss.

Amser Linh Mai cũng tâm sự rằng, nhờ việc thi Miss, được nhiều thầy cô, học sinh biết đến mà bạn ấy "tự nhiên học giỏi, chăm ngoan hơn".

Không nên bỏ mà cần đầu tư chất lượng

Phải thừa nhận rằng thi Miss đã trở thành một "trào lưu" mà trường nào cũng "đua theo" nhưng không phải nơi nào cũng đầu tư chất lượng. Vì thế, nhiều cuộc thi trở nên nhàm chán, chưa có tính giáo dục, nâng cao kĩ nâng cho thí sinh nhiều… Tuy nhiên, trong môi trường học tập còn quá ít hoạt động để teens được thử sức, rèn luyện kĩ năng mềm như hiện này, Miss vẫn là một sân chơi mang lại nhiều bổ ích. Đây cũng là truyền thống của nhiều trường, được teens mong đợi. Vì thế, thay bằng cấm đoán, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ nên cho phép nhưng giám sát chặt hơn khâu tổ chức, tăng thời gian được tổ chức thi cho các trường lên 2, 3 năm để tập trung đầu tư nguồn lực, tài chính làm một event lớn, chất lượng, hấp dẫn.

Một số du học sinh Việt ở Sing, Mỹ cũng cho rằng, Bộ nên chú trọng đầu thư cho nhiều hoạt động nghệ thuật, thể thao khác trong trường học để n hơn cho học sinh được va vấp, thể hiện mình nhiều hơn, tăng tính sáng tạo và mọi kĩ năng mềm khác.

"Trong 6 năm đi học ở Sing và Mỹ, mình chưa thấy trường cấp 3 hay ĐH nào ở đây tổ chức các thi sắc đẹp. Nhưng, họ đầu tư rất nhiều tiền vào việc xây dựng các CLB ca kịch, đặc biệt là thể thao để các trường thi đấu với nhau. Những cuộc thi này đều rất rầm rộ, được tổ chức ở các rạp hát và sân vận động lớn, nên học sinh cảm thấy những nỗ lực của mình được xã hội tôn trọng và hưởng ứng. Việc tham gia biểu diễn, thi đấu, tổ chức các cuộc thi này đều có giá trị giáo dục rất cao. Bản thân mình cũng là một "sản phẩm" được trau dồi từ các events này", Ppan - đạo diễn 9X của vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam Góc phố danh vọng tâm sự.

Với các ý kiến trên từ cộng đồng teens Việt các cấp, hi vọng rằng Bộ sẽ có cái nhìn khách quan hơn về quyết định cấm thi Miss này của mình.



Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: IONE