Thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2016, một trong những trường tự chủ ĐH - Ảnh: NHƯ HÙNG
“Cần sớm bỏ quy định phân tầng ĐH, bỏ quy định cơ quan quản lý nhà nước xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH. Các trường ĐH cần được quyền xác định định hướng phát triển và thay đổi hướng phát triển phù hợp vào điều kiện và nhu cầu mỗi giai đoạn |
GS Nguyễn Minh Thuyết |
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, từ năm 2005 Luật giáo dục đã ghi nhận quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH tương tự quan niệm các nước phát triển, được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và theo điều lệ nhà trường trong một loạt các hoạt động về xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức bộ máy, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhà giáo, hợp tác quốc tế...
Nhà nước vẫn đóng vai trò kiểm soát rất lớn
Tuy nhiên, cũng ngay trong chính Luật giáo dục lại vẫn có những quy định hạn chế quyền tự chủ ĐH. Theo đó, về học thuật, cơ sở giáo dục ĐH không được tự quyết định chương trình đào tạo mà phải theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT.
Về tổ chức, người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH không phải do tập thể giảng viên, viên chức hoặc hội đồng trường bầu mà do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm với trường công lập hoặc công nhận với trường ngoài công lập...
Đến khi Luật giáo dục ĐH ra đời với những quy định cụ thể hơn về tự chủ ĐH thì lại càng thấy Nhà nước vẫn đóng vai trò kiểm soát rất lớn. Theo GS Thuyết, việc xác định sứ mạng đóng vai trò rất quan trọng với các trường ĐH vì đó là lý do tồn tại, quyết định hướng phát triển và khả năng cạnh tranh của mỗi trường.
Tuy nhiên, ngay từ việc phát triển theo định hướng nào (nghiên cứu, ứng dụng hay vừa nghiên cứu vừa ứng dụng) cũng do những nhân tố ngoài trường quyết định là chính. Bởi lẽ Luật giáo dục ĐH quy định ĐH phân thành ba tầng: ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng, ĐH thực hành và mỗi tầng lại gồm các hạng cụ thể.
Căn cứ kết quả xếp hạng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ quyết định kế hoạch ưu tiên đầu tư, giao nhiệm vụ, cơ chế quản lý đặc thù với trường công lập và với trường tư thục sẽ quyết định hỗ trợ đất đai, tín dụng... Nghĩa là ĐH “tầng trên”, “tầng dưới” có quyền lợi rất khác nhau.
Ngoài ra, Luật giáo dục ĐH quy định cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng theo khung xếp hạng của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng đối với trường ĐH, bộ trưởng Bộ GD-ĐT công nhận xếp hạng với trường CĐ cũng được xem là một quy định tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với chính... cơ quan quản lý nhà nước.
“Việc cơ quan nhà nước gánh lấy trách nhiệm xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH vừa tước bỏ quyền tự chủ của cộng đồng ĐH vừa ảnh hưởng tới thanh danh của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này dễ xảy ra nếu kết quả xếp hạng theo cách này lại không được cộng đồng ĐH khu vực công nhận - nhất là khi với giới chuyên môn, kết quả xếp hạng từ những tổ chức xếp hạng có uy tín mới thực sự có giá trị” - ông Thuyết nhận định.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Anh Linh Duy, Trường ĐH Tài chính - marketing, cho rằng Luật giáo dục ĐH VN cho thấy tự chủ không được xem là quyền đương nhiên của cơ sở giáo dục ĐH, mà phụ thuộc vào năng lực tự thân, đồng thời dựa trên kết quả xếp hạng và kiểm định mà cả hai việc này đều do Nhà nước kiểm soát.
Ngoài ra, mặc dù việc kiểm định độc lập đã được đặt ra từ lâu, nhưng theo Luật giáo dục ĐH thì việc kiểm định chất lượng hoàn toàn do Bộ GD-ĐT kiểm soát, từ khâu ban hành chuẩn đối với cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục... Nói cách khác, quyền tự chủ của các trường phụ thuộc hoàn toàn vào những quyết định của Nhà nước, liên quan đến việc xác định xem cơ sở giáo dục xứng đáng được trao quyền tự chủ đến đâu.
Đổi cơ chế phân bổ ngân sách
Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng phải chuyển đổi cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước, cách chuyển đổi tốt nhất là chuyển từ cơ chế phân bổ theo các tiêu chí đầu vào sang phân bổ theo các tiêu chí đầu ra gắn với kết quả kiểm định chất lượng và xếp hạng.
Từ cơ chế ưu tiên đầu tư cho cơ sở giáo dục ĐH theo thứ hạng cố định trong luật sang cơ chế ưu tiên theo kết quả xếp hạng, từ cơ chế phân bổ ngân sách theo tỉ lệ đồng đều đối với tất cả ngành học sang cơ chế Nhà nước đặt hàng với một số ngành mũi nhọn, đặc thù.
Theo TS Nguyễn Trường Giang - phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính, việc phân bổ ngân sách không có sự ưu tiên, cào bằng giữa các ngành học có chi phí đầu tư khác nhau khiến cho cơ cấu đào tạo ngành các trường ĐH không hợp lý, không phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển cụ thể của đất nước.
Theo đó, tính đến năm 2014, quy mô đào tạo nhóm ngành kinh tế vẫn chiếm đến gần 1/3 quy mô đào tạo ĐH, CĐ nói chung, trong khi nông lâm ngư ở một đất nước vốn coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu chỉ chiếm chưa đến 3% quy mô đào tạo.
Còn ThS Trương Minh Trí, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết sau khi xem xét tất cả các điều khoản trong Luật giáo dục ĐH “càng thấy quyền tự chủ thực sự của các trường ĐH khó trở thành hiện thực” vì có quá nhiều điểm hoàn toàn trái với tinh thần tự chủ ĐH hoặc mơ hồ đến mức không thể thực thi.
“Thường xuyên xảy ra tình trạng quyền tự chủ vừa được giao ở điều này lại bị hạn chế ở một điều khác, thậm chí mâu thuẫn gay gắt giữa hai khoản trong cùng một điều luật. Khái niệm tự chủ chưa được hiểu đúng, làm cho từng khía cạnh của quyền tự chủ đều bị hạn chế hoặc chỉ được trao một cách hình thức và thường xuyên bị thu hẹp thêm bởi các điều khoản khác” - ThS Trí nhận định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết bộ đang xây dựng và hoàn thiện nghị định về tự chủ đối với cơ sở giáo dục ĐH với nhiều điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Theo đó, khi nghị định này ra đời, điều lệ trường ĐH do Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20161002/sua-luat-de-dai-hoc-tu-chu/1181160.html