PGS.TS Bùi Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: Với thí sinh muốn học liên thông chính quy mà thời gian tốt nghiệp trình độ đào tạo trước đó chưa đủ 36 tháng phải tham gia kỳ thi ĐH, CĐ chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm. Việc xét trúng tuyển của các thí sinh này được thực hiện như thí sinh thi ĐH, CĐ chính quy khác theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hiện hành, không có sự phân biệt.
Những điều thí sinh thi liên thông đại học nên biết
* Như vậy có thể hiểu thí sinh thi liên thông chính quy sẽ không có gì khác biệt so với thí sinh vừa tốt nghiệp THPT dự thi ĐH, CĐ một cách bình thường, thưa ông?
- Thí sinh dự thi liên thông lên trình độ ĐH chính quy không được cộng điểm ưu tiên nếu không thuộc đối tượng như quy định tại quy chế tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy hoặc hệ vừa làm vừa học hiện hành. Nhưng thí sinh có nhiều quyền lợi trong tuyển sinh hơn trước đây khi không bị giới hạn chỉ liên thông trong cùng ngành mà liên thông vào bất cứ ngành học nào.
Ngoài ra, thí sinh thi liên thông chính quy có thể sử dụng kết quả thi tuyển để đăng ký vào các trường có số điểm tuyển phù hợp trên phạm vi toàn quốc nếu không trúng tuyển tại cơ sở đăng ký trước khi dự thi. Trong hồ sơ đăng ký dự thi năm nay đã có bổ sung ô thi liên thông để các em đánh dấu, nhưng nếu trúng tuyển, các em không muốn học liên thông thì có thể đăng ký học ĐH chính quy bình thường nhưng không được hưởng quyền lợi của SV liên thông.
* Không được ưu tiên trong thi tuyển, nhưng quá trình đào tạo chắc chắn người học phải được miễn trừ để bảo đảm giá trị của hai chữ “liên thông”?
- Đúng là trong quá trình đào tạo, các em sẽ được hưởng những quyền lợi cần thiết. Các em được miễn trừ và bảo lưu kết quả học tập đã tích lũy ở giai đoạn trước, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí đào tạo. Số học phần, số lượng tín chỉ được miễn trừ, bảo lưu do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định trên cơ sở xem xét đề nghị của hội đồng tuyển sinh đào tạo liên thông. Bộ yêu cầu tất cả các trường có tổ chức đào tạo liên thông chính quy phải tổ chức hội đồng xét liên thông. Thay vì cách miễn trừ hàng loạt để xếp chung tất cả SV liên thông vào một lớp như trước đây, nhà trường sẽ phải xem xét từng trường hợp để có sự miễn trừ cụ thể.
Đặc biệt, nếu trước đây bảng điểm SV liên thông chỉ ghi phần kết quả học tập của liên thông thì từ khóa SV tuyển sinh năm 2013 sẽ được ghi cả kết quả học tập từ trình độ đào tạo trước đó và được tính vào khối lượng miễn trừ. Điều này rất quan trọng cho quá trình xin việc vì hiện nay nhiều trường hợp bảng điểm của SV liên thông chính quy rất đơn giản và thể hiện có ít khối lượng kiến thức được học, có thể gây những e ngại đối với nhà tuyển dụng.
>> Quy định mới về đào tạo liên thông đại học và cao đẳng 2013
Nâng cao trình độ người học liên thông sau khi tốt nghiệp
* Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định chính đối tượng phải thi chung với ĐH chính quy sẽ có nền tảng theo học ĐH chính quy vững vàng hơn những người tốt nghiệp sau 36 tháng dù không thi chung nhưng vẫn phải theo học chung lớp, chung chương trình đào tạo, chung cách thức đánh giá, xét tốt nghiệp... Bộ có những hướng dẫn cụ thể nào hơn đối với các trường trong việc áp dụng học chung hay không?
- Việc học chung, thi tốt nghiệp chung với SV chính quy nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và giá trị văn bằng được cấp tất nhiên sẽ khiến thí sinh có lực học kém gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu thí sinh đã thi đỗ kỳ thi “ba chung” thì không có khó khăn gì. Người học liên thông chính quy học chung một chương trình với ĐH chính quy nên bộ không hướng dẫn gì thêm. Đối với các cơ sở giáo dục ĐH có thể có thêm các giải pháp để SV theo kịp chương trình như bổ túc hoặc hoàn thiện thêm mặt bằng kiến thức đã học ở trình độ trung cấp hoặc CĐ.
Với thí sinh đã tốt nghiệp sau 36 tháng trình độ trung cấp, CĐ đã đi làm khi dự thi liên thông sẽ có lợi thế về mặt kinh nghiệm tích lũy, về nhận thức. Tuy nhiên, nếu không cố gắng, các em sẽ không dễ dàng khi học chung với các bạn SV hệ chính quy thi đầu vào từ học sinh THPT. Do đó, các em phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn việc thi tuyển liên thông chính quy hoặc liên thông vừa làm vừa học. Bộ vẫn có cơ chế mở để các em khi theo học đào tạo liên thông chính quy thấy nặng nề, quá sức có thể chuyển sang hình thức đào tạo vừa làm vừa học phù hợp hơn nếu cơ sở giáo dục ĐH đó chấp nhận.
* Nhận định của ông về khả năng trúng tuyển của SV trung cấp nghề, CĐ nghề khi phải thi chung với chính quy để được học liên thông chính quy? Lời khuyên của ông với thí sinh sẽ thi liên thông chính quy năm 2013?
- Khả năng trúng tuyển của SV trung cấp nghề, CĐ nghề khi phải thi chung với chính quy để được học liên thông chính quy không cao. Song đó là con đường duy nhất, bình đẳng nhất trong giáo dục: đầu vào thế nào, đào tạo thế nào thì đầu ra thế đó. Quy định mới đã mở cánh cửa cho tất cả những thí sinh nào muốn học lên trình độ cao hơn, tùy kiến thức, năng lực và kinh tế của bản thân, gia đình.
Bạn đọc có thể để lại ý kiến và câu hỏi về nội dung bài viết tại ô bên dưới! |
Theo: Tuổi trẻ