Sự kiện: Giáo dục / giáo dục quốc tế / trường quốc tế

Khi  đỗ đại học 3 thập kỉ trước, Hsu Chung-hsinnằm trong nhóm “thiểu số” tại Đài Loan. Nay thì mọi người đều có thể vào đại học và theo Hsu thì điều này mang ý nghĩa tiêu cực. “Vào đại học trở nên quá dễ. Bạn có tiền để đóng học phí là có thể học đại học. Điều đó không tốt” – nhận định của Hsu, tiến sĩ Luật tại ĐH Cambridge.

Điều đó không ảnh hưởng tới những trường đại học hàng đầu nhưng vấn đề nằm ở những trường đại học hạng thấp. Chất lượng đào tạo rất thấp. Việc giảng dạy không nghiêm túc và sinh viên cũng không nỗ lực học tập” – Hsu nói. Tỉ lệ sinh giảm cộng với bùng nổ trường đại học – có hơn 160 trường trong khi dân số Đài Loan chỉ có 23 triệu – đồng nghĩa với việc học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đều đã được mở rộng cánh cửa đại học.

Đài Loan có tổng cộng 1,35 triệu sinh viên tính đến cuối tháng 6/2012, theo cơ quan GD Đài Loan. Sự bùng nổ này đang gây ra mặt trái nghiêm trọng – với một hệ thống phân cực tạo ra nhiều cử nhân nhận sự giáo dục dưới chuẩn mà không đáp ứng được nhu cầu vĩ mô của nền kinh tế.

Sự phân cực trong hệ thống giáo dục đại học tại Đài Loan - Ảnh 1

Học sinh THPT Đài Loan hầu như không chịu áp lực thi đại học

Kì thi tuyển sinh đại học tiêu chuẩn – từng là một cuộc cạnh tranh quyết liệt – đã trở nên vô cùng dễ dàng. Năm 2011, 90,4% thí sinh dự thi đỗ đại học. So với năm 1975, chỉ ¼ số thí sinh dự thi được tuyển vào đại học.

Khi mà sức ép thi cử không còn, bầu không khí chuẩn bị thi cho kì thi tuyển sinh đại học trở nên vô cùng thư giãn ngay cả trong các trung tâm luyện thi. Chỉ còn một bộ phận rất nhỏ học sinh trung học vùi đầu vào đèn sách tới nửa đêm. “Học sinh THPT biết rằng vào đại học quá dễ và gần như ai muốn đỗ đại học cũng đều được toại nguyện” – Abby Yao, sinh viên tâm lí tại ĐH Fu Jen Catholic nhận xét - “Điều đó khác xa với thế hệ cha mẹ chúng tôi, thời mà chỉ 1 trong 4 người được vào đại học”.

Quản lí viên cao cấp Kuo Weng-chung tại Viện Giáo dục Yu Da, trường luyện thi nổi tiếng, chung quan điểm “Học sinh ít cạnh tranh hơn thế hệ trước thậm chí mặc dù phụ huynh chi nhiều tiền hơn cho chúng”.

Số ít học sinh dùi mài kinh sử là nhằm thi vào những trường đại học hàng đầu, nhưng chỉ tiêu của nhóm này cũng rất lớn khi tiếp nhận tới 1/3 tổng chỉ tiêu đại học.

Sự phân cực của hệ thống đại học

Điều đáng lưu ý là sự phân cực của hệ thống đại học quá chênh lệch về chất lượng đào tạo. 2/3 tổng số sinh viên phải học trong các trường đại học tư, chất lượng kém xa nhóm trường đại học công lập. “Nhiều trường tư để tuyển sinh viên hạ điểm tuyển hết mức vì nếu không có sinh viên họ sẽ phá sản” – Kenneth Lin, nhà kinh tế học Đại học quốc gia Chung Cheng, phân tích – “Nhưng sinh viên phải đối mặt với cơ hội việc làm khó khăn khi tốt nghiệp và trong thực tế họ tốt hơn nếu vào trường nghề và có công việc trong nhà máy”.

Theo Hsu thì hệ thống đào tạo đại học phân cực đang đi ngược lại với nhu cầu nhân lực  Đài Loan cần có thêm nhiều người đi học nghề như đã làm trong những năm đầu hậu chiến. Nhân lực nghề đã là nền tảng cho sự phát triển kinh tế thần kì của Đài Loan từ những năm 1960 tới 1990 khi cung cấp đủ lực lượng lao động cho ngành công nghiệp.

Tỉ lệ thất nghiệp của Đài Loan tính đến cuối 7/2012 là 4,31%. Trong khi lĩnh vực phi nông nghiệp có nhu cầu chưa được đáp ứng là 202.000 công nhân.

Theo Báo giáo dục thời đại