Sự đổi mới cần thiết trong dạy - học môn GD công dân

Sự đổi mới cần thiết trong dạy - học môn GD công dân

Thế nhưng, tâm lý coi đó là môn phụ khiến việc triển khai môn học ở các trường phổ thông vẫn còn nhiều bất cập. Việc Bộ GD&ĐT đưa môn GDCD thành một môn trong bài thi Khoa học Xã hội đã trả môn học về đúng vị trí của nó.

Cô Lê Thị Thanh Bình, giáo viên Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) chia sẻ: “Dù biết sẽ thêm áp lực vì đây là lần đầu tiên môn GDCD được chọn làm môn thi tốt nghiệp, lại theo hình thức trắc nghiệm, nhưng chúng tôi rất vui. Chắc chắn cách nhìn nhận về môn học sẽ khác, HS sẽ chú trọng hơn và giáo viên có thêm động lực để tìm tòi, xây dựng bài giảng tốt hơn, có chiều sâu hơn”.

Cùng chung niềm vui này, cô Nguyễn Thị Quỳnh Trâm – giáo viên môn GDCD Trường THPT Tôn Thất Tùng (Đà Nẵng) - cho biết: “Chương trình GDCD lớp 12 chủ yếu là về luật nên đây là môn học tương đối khó. Nếu trước đây, giáo viên chỉ cần dạy cho HS nắm được những kiến thức cơ bản, cần thiết thì giờ phải “chạy” hết các kiến thức, nội dung trong SGK rồi cả liên hệ với các tình huống thực tế để có thêm tính vận dụng. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị tâm lý cho HS, tránh những căng thẳng không cần thiết và cho HS làm quen với phương pháp làm bài trắc nghiệm”.

Đến thời điểm này, Trường THPT Tôn Thất Tùng đã cho HS đăng ký tạm thời tổ hợp môn tự chọn. Theo đó, có đến 9 trong tổng số 12 lớp của khối 12 có nguyện vọng đăng ký bài thi tự chọn theo tổ hợp môn Khoa học Xã hội. “Với một số lượng lớn HS đăng ký tự chọn là bài thi môn Khoa học Xã hội, trong đó có GDCD, chúng tôi chủ trương dạy - học theo phương châm “học đến đâu ôn thi đến đó” chứ không thể để nước đến chân mới nhảy vì khối lượng kiến thức khá nhiều. Giáo viên phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá với không chỉ HS khối 12” – cô Quỳnh Trâm trao đổi thêm.

Đáng chú ý, không chỉ chuyển sang đề thi trắc nghiệm ở bài kiểm tra một tiết, ngay đến kiểm tra bài cũ, cô Quỳnh Trâm cũng phát phiếu hỏi cho khoảng 5 – 10 HS: Như vậy, số lượng HS được kiểm tra sẽ nhiều hơn, HS cũng được tiếp xúc nhiều với dạng đề trắc nghiệm để tập làm quen dần. Hiện Trường THPT Tôn Thất Tùng đã áp dụng đề kiểm tra trắc nghiệm cho cả khối 10, 11 đối với môn học GDCD.

Một trong những băn khoăn của giáo viên là sách tham khảo theo dạng đề trắc nghiệm của môn GDCD gần như không có. Chính vì vậy, giáo viên bộ môn GDCD của các trường THPT đang gấp rút xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm của môn học. Theo cô Thanh Bình: Từ nhiều nguồn tham khảo khác nhau, trên cơ sở bám sát sách giáo khoa và chuẩn kiến thức kỹ năng, các GV trong tổ cùng chia sẻ và góp ý với nhau để xây dựng câu hỏi trắc nghiệm. Như bài một, hiện chúng tôi đã có 60 câu hỏi với 3 mức độ khác nhau theo đúng cấu trúc đề thi, bài 2 cũng khoảng 50 câu hỏi. Phương pháp này không chỉ để giúp các em làm quen với cách kiểm tra – đánh giá mới mà còn thay đổi cách dạy – học đối với môn học.


Tuyển sinh 2017


Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/su-doi-moi-can-thiet-trong-day-hoc-mon-gd-cong-dan-2505562-b.html