Theo ông Võ Trung Hùng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên như doanh nghiệp hiện nay tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp mà chỉ yêu cầu người làm được việc.
Công khai tỷ lệ sinh viên (SV) có việc làm sau 1 năm ra trường là một hoạt động bắt buộc của các trường ĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT. Để thực hiện bảng báo cáo này, các trường phải khảo sát SV tốt nghiệp sau 1 năm với mục tiêu không chỉ có việc làm, quan trọng hơn còn làm đúng chuyên ngành đào tạo.
Tình hình nhìn chung ở nhiều trường là phần lớn SV tìm được việc nhưng số người làm việc chưa phù hợp ngành đào tạo còn khá nhiều.
Năm nay, Trường ĐH Bạc Liêu công bố kết quả khảo sát tỷ lệ có việc làm của 744 SV tốt nghiệp trong năm 2018. Sau một năm, tỷ lệ người học chưa tìm được việc làm chiếm 13,4%. Đáng chú ý, trong số 554 SV có việc làm thì số người đang làm việc không phù hợp với chuyên ngành đào tạo chiếm tới gần 40%.
Kết quả này tại một trường thành viên của ĐH Đà Nẵng cũng tương tự. Tỷ lệ SV tốt nghiệp năm 2018 có việc làm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật đạt tới 95%. Tuy nhiên người làm việc đúng ngành được đào tạo chiếm 47,6%; có liên quan ngành học 40% và 12,4% đang làm việc không đúng với ngành đã học.
Một số ngành của Trường ĐH Sài Gòn cũng trong tình trạng tương tự. Theo báo cáo kết quả SV tốt nghiệp năm 2018, trong số 1.566 SV có việc làm chỉ có trên 55% cho rằng đúng chuyên ngành đào tạo; 23,5% liên quan ngành đào tạo và gần 21% không liên quan đến ngành học. Tỷ lệ SV làm việc không đúng ngành đào tạo của ngành công nghệ kỹ thuật môi trường trên 55%, khoa học môi trường có gần 72% người được khảo sát cho biết đang làm việc không liên quan ngành học, khoa học thư viện tỷ lệ này là 60%...
Ngành luật của Trường ĐH Thương mại gần 40% SV tốt nghiệp năm 2018 có việc làm không liên quan ngành đào tạo. Trong hơn 400 SV tốt nghiệp năm 2018 ngành kinh tế của Trường ĐH Ngoại thương có tới 113 người làm việc không liên quan ngành đào tạo.
Hiện tượng sinh viên làm trái ngành rất phổ biến ngày nay
Đại diện các cơ sở đào tạo có những nhìn nhận thẳng thắn về con số 40 - 50% SV làm việc khác ngành đào tạo.
PGS-TS Võ Trung Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, cho rằng xét trên tổng thể xã hội thì tỷ lệ 40 - 50% SV ra trường làm việc không đúng ngành đào tạo là có vấn đề. “Việc học ngành này nhưng ra trường làm ngành khác vừa gây lãng phí thời gian, chi phí không chỉ người học mà cả xã hội”, ông Hùng nói.
Theo ông Trung Hùng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên như doanh nghiệp hiện nay tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp mà chỉ yêu cầu người làm được việc. Bên cạnh đó, không ít SV tốt nghiệp nhưng chấp nhận làm việc khác ngành đào tạo để được bám trụ tại các thành phố lớn. Chưa kể, trong số những người làm không đúng ngành nhưng thực chất đang làm các công việc của ngành trong nhóm ngành gần…
“Tuy nhiên, không thể phủ nhận nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nằm ở công tác dự báo nhân lực và quy hoạch mạng lưới ngành nghề đào tạo của chúng ta hiện nay chưa tốt. Phần lớn người làm trái ngành là do ra trường không tìm được việc làm đúng ngành nên phải đi làm công việc khác”, ông Hùng thẳng thắn.
Tiến sĩ Bùi Mạnh Quân, Tổ trưởng Tổ đảm bảo chất lượng Trường ĐH Bạc Liêu, cũng nhìn nhận, nguyên nhân chủ yếu do thực tế nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề này. Các ngành có tỷ lệ này cao thường rơi vào nhóm ngành ngoài sư phạm, đào tạo theo hướng đa ngành.
> Phát triển công nghệ số là hướng tuyển dụng tương lai
> Trước tuổi 30, bạn cần sở hữu những kỹ năng mềm nào?
Theo Thanh Niên