Sự kiện: GIÁO DỤC | KHOA GIÁO

Hàng ngàn giáo viên tiếng Anh người nước ngoài sẽ đến Việt Nam để hỗ trợ cho Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020

Theo thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GD-ĐT và tổ chức ELC (Úc), trong nhiều năm tới, tổ chức này sẽ cung cấp hàng ngàn giáo viên (GV) bản ngữ tình nguyện dạy tiếng Anh đến từ các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Canada, Anh, New Zealand, Ireland và Nam Phi.  Tất cả GV này đều đến theo chương trình “Dạy học và du lịch khám phá Việt Nam” (Teach and Travel in Vietnam).

Lương 6 triệu đồng/tháng

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay Ban Chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 sẽ cùng với ELC tổ chức tập huấn, quản lý và phân bổ số GV này đến các trường tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học Việt Nam có nhu cầu.

Trước những lo lắng về trình độ GV theo chương trình này, ông Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 - cho hay các GV này có thể tốt nghiệp ĐH hoặc sau ĐH nhiều ngành khác nhau, tuy nhiên, tất cả đều đã được đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên ngành sư phạm tiếng Anh để đi dạy. “Chúng tôi yêu cầu phía Úc phải bồi dưỡng và tập huấn GV trước khi họ đến Việt Nam giảng dạy. Mỗi năm sẽ có khoảng 300, nhiều nhất là 500 GV sang Việt Nam” - ông Hùng nhấn mạnh.

 

giao vien tieng anh nguoi nuoc ngoai, tieng anh, giao vien tieng anh, giao duc, bao giao duc, tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, giao vien ban ngu, day tieng anh, hoc ngoai ngu, tien truong, thanh nien

 

Giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh tại Trường Tiểu học Minh Đạo, Q.5 - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH

 

Ông cũng nói thêm tổ chức ELC có sự hợp tác chặt chẽ với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 dưới sự quản lý của Bộ GD-ĐT. Mức lương mà Bộ GD-ĐT trả cho các GV này là 6 triệu đồng/tháng, bằng lương trung bình của GV tiếng Anh hiện nay. Định mức của các GV người bản xứ là 25 tiết/tuần, cao hơn định mức của GV Việt Nam (18 tiết/tuần). Nói thêm về mức lương khá eo hẹp này, ông Hùng cho hay mức này chỉ bảo đảm bù chi phí ăn ở tối thiểu cho các GV nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ghi nhận những nỗ lực hợp tác trong việc nâng cao trình độ tiếng Anh trong hệ thống các trường học ở Việt Nam. Ông Hiển cho rằng sự có mặt của hàng ngàn GV tiếng Anh bản xứ trong thời gian tới sẽ đóng góp đáng kể cho việc thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đã giao.

Chưa thể đưa giáo viên đi học nước ngoài

Dù trình độ GV tiếng Anh trong nước đã được nâng lên sau các chương trình tập huấn như nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Hùng, tuy nhiên trên thực tế, GV tiếng Anh không chỉ yếu về trình độ mà còn rất thiếu về số lượng. Tại một cuộc hội thảo được tổ chức hồi cuối tháng 12-2012, ông Ngô Văn Hợi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho hay chỉ có 190/310 GV tiếng Anh của sở này đạt tiêu chuẩn được khảo sát, thế nhưng, trong số 190 người này cũng chỉ có 18 người đạt tiêu chuẩn B2, 55 người đạt tiêu chuẩn B1, số GV không đạt tiêu chuẩn B1 lên tới 117 người.

 

giao vien tieng anh nguoi nuoc ngoai, tieng anh, giao vien tieng anh, giao duc, bao giao duc, tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, giao vien ban ngu, day tieng anh, hoc ngoai ngu, tien truong, thanh nien

 

Giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh cho học sinh tại TPHCM

 

Còn theo một khảo sát của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) trong 2 năm 2011 và 2012 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì trong tổng số 1.996 GV hiện có chỉ có 22 GV đạt mức C1 và 322 GV đạt mức B2 theo khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR).

Trước ý kiến cho rằng mỗi năm Bộ GD-ĐT có thể cử 1.000 GV dạy tiếng Anh đi học nước ngoài để nâng cao chất lượng, ông Nguyễn Ngọc Hùng khẳng định đó là bài toán không thể thực hiện được khi nước ta còn nghèo, kinh phí hạn hẹp. “Phương án này cực kỳ tốn kém, riêng tiền máy bay đến các trung tâm đào tạo đã bằng tiền thuê GV nước ngoài dạy cả năm. Chi phí ăn ở cũng rất cao. Chúng tôi chỉ có thể cử các GV đang dạy tại các trường ĐH sư phạm đi học. Thực tế có những trường sư phạm địa phương mà cả khoa chưa có GV nào được đi nước ngoài bao giờ, ông Hùng nói.

Một lý do quan trọng khác khiến cho việc thiếu hụt GV tiếng Anh đạt chuẩn trở nên nghiêm trọng ở tất cả các địa phương chính là việc các địa phương chưa có chế độ tuyển dụng GV. Điều này đã khiến nhiều người giỏi ngoại ngữ không thiết tha theo nghề vì đời sống GV ngoài biên chế rất khó khăn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng không nên đặt vấn đề lương thấp nên thiếu GV giỏi. “Ngành giáo dục đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nên không thể giải quyết ngay lập tức quyền lợi cho một bộ phận” - ông Hùng nói.

Xây dựng các trung tâm dạy tiếng Anh

Hôm nay, 18-1 tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT sẽ trực tiếp giao trách nhiệm cho 5 trường ĐH là ĐH Thái Nguyên, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Sư phạm TPHCM trở thành những trung tâm dạy tiếng Anh trong khu vực của mình. Sau đó, sẽ mở rộng ra các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Phải có trình độ sư phạm

Trước thông tin Bô GD-ĐT sẽ đưa GV nước ngoài dạy tiếng Anh về các trường, nhiều trường sư phạm tại TPHCM cho biết nếu được bộ hỗ trợ GV nước ngoài dạy tiếng Anh thì rất tốt vì sinh viên có điều kiện giao tiếp trực tiếp với người bản xứ và đây là môi trường thực tập tiếng Anh tốt nhất. Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Bình, Phó Khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Ở góc độ chuyên môn, nếu bộ có đưa về thì chúng tôi cũng phải xem xét thông qua hồ sơ GV trên các nguyên tắc là ngoài chuyên môn về Anh ngữ, họ phải có nghiệp vụ sư phạm”.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng nếu có GV nước ngoài dạy tiếng Anh như việc hợp tác với ELC (Úc) thì quá tốt. Mức lương 6 triệu đồng/tháng là chấp nhận được vì đây là chương trình hợp tác có tính tình nguyện. Vấn đề là chất lượng sư phạm của các GV đó phải bảo đảm.

Một vấn đề khác mà những GV dạy tiếng Anh ai cũng biết là tiếng Anh có nhiều giọng, bản ngữ khác nhau. Liệu giọng tiếng Anh Philippines, Nam Phi, Úc, New Zealand... có phải là giọng chuẩn?

Vấn đề quan trọng để Đề án Ngoại ngữ Quốc gia năm 2020 thành công là việc phải đào tạo cho được một đội ngũ GV tiếng Anh đạt chuẩn chứ không phải chỉ “nhập khẩu” GV như hiện nay vì đó chỉ là giải pháp tình thế. Đây là một thách thức rất lớn với các trường sư phạm khi phải bắt đầu chính từ đội ngũ giảng viên của trường phải đạt chuẩn chất lượng dạy ĐH, CĐ. Để có điều kiện đó còn có quá nhiều vấn đề phải giải quyết như đưa nhiều giảng viên tu nghiệp ở nước ngoài, tiền lương… Cũng có giải pháp khác khả dĩ hơn là Bộ GD-ĐT nên mời giáo sư, giảng viên ngôn ngữ Anh về dạy ở các trường sư phạm như nhiều quốc gia đã làm, dù khá tốn kém nhưng không có giải pháp nào căn cơ hơn.

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đang gặp rất nhiều thử thách, nếu không có giải pháp khoa học và căn cơ rất dễ thất bại.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo Người Lao Động