Sáng học lớp 5, chiều học lớp 1

Trong đó có cả những học sinh từng xếp loại giỏi.

Học lớp 5 nhưng đọc phải đánh vần


Chỉ tính riêng khối 5, đã có khoảng 21 học sinh (HS) mà một trường tiểu học ở H.Củ Chi phải xây dựng kế hoạch bồi dưỡng riêng.

Trong đó, có trường hợp em D.T.P không thể phân biệt được phép tính cộng, trừ, nhân, chia, không thể làm được một phép tính đơn giản trong phạm vi 20. Mặc dù vậy, năm lớp 2, P. vẫn được công nhận là HS giỏi. Tương tự, em N.T.T.N học lớp 5 nhưng không đọc được, phải đánh vần. N. không thể nghe viết đúng chính tả, cộng trừ phạm vi 5 không thành thạo. Năm lớp 2, HS này cũng được trường đánh giá là HS giỏi. Thông tin này được chính giáo viên (GV) của trường xác nhận với PV Thanh Niên.

Ngoài ra, còn có một số HS lực học yếu, hầu hết đều không thể viết đúng chính tả. Chính vì thế, GV chủ nhiệm các lớp này ngoài giờ dạy chính khóa chương trình lớp 5, còn phải mua thêm sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 để dạy kèm bù vào những kiến thức bị hổng ở lớp dưới. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này chưa hiệu quả vì trên thực tế những HS này vẫn yếu từ năm này qua năm khác và không tiến bộ.

Hiện nay trường cũng đang đau đầu với một HS lớp 4 nhưng hoàn toàn không biết làm toán. Từ lớp 1 tới lớp 3, HS này học tại một trường tiểu học ở H.Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Theo học bạ, T. đã hoàn thành chương trình toán, tiếng Việt và tất cả các môn từ lớp 1 tới lớp 3 và đủ điều kiện lên lớp 4. Tuy nhiên, qua khảo sát, T. hoàn toàn không thể làm được một bài toán nào. GV phụ trách khối 4 của trường tiểu học tại Củ Chi cho hay: “Sau khi T. chuyển về trường được một tháng thì chúng tôi nhận thấy em này học rất yếu. Ngoài yếu về đọc viết, T. cũng hoàn toàn không biết làm toán. Sau khi nắm tình hình, chúng tôi đã báo cáo tình trạng của HS này với ban giám hiệu nhà trường và phương án tạm thời là sáng T. học chương trình lớp 4, còn buổi chiều GV phải mua thêm sách giáo khoa lớp 1 để phụ đạo kiến thức cho em”.

GV của HS này cho biết: “Là GV chủ nhiệm, tôi không có quyền đưa HS xuống lớp dưới mà cần bàn bạc cụ thể. HS chuyển về học bạ ghi là được lên lớp 4 thì mình buộc phải dạy lớp 4 và chịu trách nhiệm về HS này”.

Còn ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, giải thích: “Từ lớp 1 tới lớp 3, HS này đã hoàn thành việc học các môn cơ bản, điều này được thể hiện rõ trong học bạ do trường cấp. Chính vì thế, về lý thì không thể đưa HS này xuống lớp dưới. Tuy nhiên, trường vẫn có thể gặp phụ huynh để thương thảo và thuyết phục gia đình cho em này xuống học ở lớp dưới để đào tạo lại cho phù hợp với khả năng của HS hơn”.

Có đánh giá nhưng tất cả học sinh đều... qua


Đặt vấn đề HS yếu tại sao trường không cho ở lại lớp mà cố đẩy lên lớp trên, hiệu trưởng trường tiểu học này cho biết: “Nhà trường đã có thống kê về tình trạng học tập của từng HS yếu và đã có kế hoạch giúp đỡ từng em. Tuy nhiên, nhiều em mắc chứng học khó như học trước quên sau. Có thể đã qua một kỳ học, một đợt bồi dưỡng hè nhưng sau đó lại quên sạch kiến thức khiến GV chủ nhiệm và nhà trường rất đau đầu”. Còn phó hiệu trưởng nhà trường giải thích: “Mặc dù GV thấy HS học yếu, muốn cho ở lại lớp nhưng Thông tư 30 có cho HS ở lại lớp đâu. Thông tư này quy định không được cho HS ở lại lớp mà chỉ cho nợ môn. Tức là có những HS học lớp 4, 5 nhưng nợ môn lớp 1, 2 và sẽ trả dần. Trả tới khi nào môn đó đạt thì thôi”.

Tuy nhiên, Thông tư 30 không có quy định HS yếu không được ở lại lớp. Thông tư này chỉ rõ, đối với HS tiểu học thì một năm đánh giá 2 lần. Dựa vào kết quả đánh giá này để quyết định HS được lên lớp thẳng hoặc nợ môn. Trong trường hợp HS quá yếu thì phải cho lưu ban.
Trong khi đó, GV trường này xác nhận với Thanh Niên, suốt nhiều năm nay, trường không có HS nào nợ môn. “Nói thẳng là trường không để cho các em nợ môn. Có thể những lần đánh giá trong năm học thì HS không đạt yêu cầu nhưng kết quả đánh giá cuối năm thì bằng mọi cách tất cả HS đều qua”, GV này khẳng định.

Thuộc đối tượng khuyết tật trí tuệ ?


Trong số 21 HS phải học lại tại trường tiểu học mà chúng tôi đề cập, 8 HS có giấy chứng nhận khuyết tật của... UBND xã. Đại diện nhà trường cho rằng, sở dĩ có tình trạng nhiều HS sáng học lớp 5, chiều học lớp 1 vì các HS này thuộc đối tượng khuyết tật trí tuệ. Tuy nhiên, những HS này không có giấy chứng nhận khuyết tật của UBND xã nên vẫn phải học theo khung chương trình của những HS bình thường nên không theo nổi.

Nói về việc giám định thương tật do địa phương cấp, đại diện ban giám hiệu trường cho biết: “Việc đánh giá khuyết tật của HS do phường xã cấp như hiện nay chưa sát. Một số trường hợp GV thấy HS có dấu hiệu khuyết tật nhưng địa phương lại nói không. Với những trường hợp này, gia đình phải linh động đưa các em đi kiểm tra ở một số địa chỉ tin cậy để biết được tình trạng của các em. Nếu dùng dằng thời gian dài thì người chịu hậu quả nặng nề nhất chính là HS”.

Người thiệt thòi nhất là học sinh


Một GV tại H.Củ Chi (TP.HCM) rơi nước mắt khi kể với chúng tôi về trường hợp một HS mà GV này đang dạy. “Em học lớp 5, ở với bà nội, ba say xỉn tối ngày, gia đình không ai quan tâm. Giao tiếp thì bình thường nhưng học không được. Quan sát thấy như vậy, chúng tôi mượn kính cận của một HS cận 2,5 độ cho HS này đeo thì em khóc nói với tôi là nhìn được. Ngay sau đó, tôi lập tức đề xuất với nhà trường chi tiền mua kính cho em. Nhưng việc này không thực hiện ngay được vì gia đình HS khá phức tạp. Họ không chấp nhận con mình bị cận thị. Ba của HS này lại thường xuyên say xỉn vào gây chuyện. Chúng tôi phải tìm cơ hội nói chuyện, thuyết phục gia đình để họ chấp nhận và cho phép”.

Một trường hợp khác ở Q.8 (TP.HCM), GV thấy HS tiếp thu chậm và nghi mắc chứng khó đọc (Dyslexia) nên gọi phụ huynh bàn bạc để tìm phương án thì ngay lập tức bị phụ huynh phản ứng: “Con tôi hoàn toàn bình thường nếu cô không dạy được thì nói thẳng ra để tôi chuyển con đi trường khác chứ đừng đổ cho cháu bị bệnh”.

Theo lời GV, sau đó phụ huynh này còn làm đơn gửi tới ban giám hiệu.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, việc HS học yếu, học chậm và ngồi nhầm lớp không chỉ là trách nhiệm của nhà trường và GV mà một phần cũng thuộc về phụ huynh. Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà nghiên cứu giáo dục và cho rằng việc giáo dục một đứa trẻ rất cần sự quan tâm từ phía gia đình. Các chuyên gia nghiên cứu về giáo dục cho biết trường hợp HS mắc một số vấn đề về tâm lý hoặc bệnh lý nhưng do chủ quan nên gia đình và nhà trường không nhận ra. Cũng không ít trường hợp phụ huynh ngại hoặc không thể chấp nhận việc con mình có vấn đề bệnh lý nên cố tình lơ khiến GV chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường loay hoay không thể tìm ra giải pháp và kết quả người thiệt thòi nhất là HS.

Còn đây là câu chuyện của một GV kể khi chúng tôi thực hiện bài viết này. “Cách đây khoảng 5 năm, một HS lớp 5 của tôi cũng không biết đọc, không biết viết. Em chỉ có thể vẽ tranh mà thôi. Ban giám hiệu can thiệp và cha HS hứa sẽ kèm cặp em, tôi đồng ý cho em thi tốt nghiệp tiểu học.

Sau đó, em cũng đỗ tốt nghiệp tiểu học (trước đây còn có kỳ thi tốt nghiệp tiểu học). Trong 3 tháng hè, một GV tiểu học gần nhà đã kèm em nên em biết đọc, biết viết. Nhưng sức học không theo nổi bậc THCS, em bỏ học. Một lần ngồi trong quán nước, em va chạm, xô xát và giết chết một người. Em thụ án 8 năm tù giam. Tôi áy náy vì gián tiếp xô em vào tù! Phải chi tôi cho em ở lại lớp thêm một năm nữa. Biết đâu đời em sẽ khác!”.


Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/sang-hoc-lop-5-chieu-hoc-lop-1-758090.html